Các Giáo Hội địa phương mừng lễ Bổn mạng như thế nào?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
    Hỏi: Trong quy chế của niên lịch phụng vụ, có đề cập đến một số lễ riêng và lễ trọng riêng, vốn thay đổi tùy thuộc vào địa điểm, trong đó có “Lễ trọng kính tước hiệu một Giáo hội địa phương”. Thưa cha, liệu thuật ngữ “Giáo Hội địa phương” ám chỉ trước hết đến một giáo phận (hoặc tương đương giáo phận, như được sử dụng trong Bộ giáo luật) hoặc đến nhà thờ giáo xứ chăng? Có nghĩa là, một giáo xứ có thể cử hành lễ bổn mạng hoặc lễ kính bổn mạng như là một lễ trọng không? – S. I., Dallas, Texas, Hoa Kỳ.
Đáp: Trong Bộ giáo luật, thuật ngữ “Giáo Hội địa phương” là thường tương đương với một giáo phận. Xin mời đọc:
“368. Các Giáo Hội địa phương, trong đó và từ đó mà một Giáo Hội Công Giáo duy nhất hiện hữu, ám chỉ trước hết là các giáo phận; các lãnh thổ thuộc giám hạt tòng thổ và đan viện tòng thổ, Ðại Diện Tông Tòa và Phủ Doãn Tông Tòa và cả Giám Quản Tông Tòa được thiết lập cách thường trực cũng được đồng hóa với các giáo phận, trừ khi đã rõ cách nào khác” (Bản dịch Việt ngữ của các  Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh).

Tuy nhiên, đối với các quy chế được đề cập ở trên liên quan đến niên lịch phụng vụ, thuật ngữ “Giáo Hội địa phương” cũng có nghĩa là một nhà thờ giáo xứ hoặc bất kỳ nhà thờ nào có tước hiệu cung hiến riêng. Hầu hết các tài liệu chính thức và bản dịch của chúng sử dụng các thuật ngữ khác để tránh nhầm lẫn.
Chúng tôi đã thảo luận về tập tục kính thánh bổn mạng giáo xứ và các quy chế liên quan trong bài trả lời ngày 17-10-2017. Tuy nhiên, trong bài ấy, chúng tôi không đề cập đến vấn đề cử hành các lễ mừng như thế.
Các quy chế tổng quát liên quan đến niên lịch phụng vụ và “các lịch địa phương” được ban hành vào năm 1969. Văn kiện này nêu rõ:
“52. Một lịch địa phương được soạn thảo bằng cách đưa các lễ trọng, lễ kính và lễ nhớ đặc biệt của mình vào Lịch chung này:
“a. trong lịch giáo phận, ngoài lễ Bổn mạng chính của địa phận và kỷ niệm Cung hiến nhà thờ chính tòa, có lễ các thánh và chân phước có mối liên quan đặc biệt với giáo phận, thí dụ, nơi sinh, nơi ở trong thời gian dài và nơi qua đời của các ngài.

 “b. Trong lịch của Dòng tu hội, ngoài các lễ kính mừng tước hiệu, Đấng sáng lập, Thánh Bổn mạng, có lễ các thánh và chân phước thành viên của Dòng tu hội ấy,  hoặc có mối liên quan đặc biệt với Dòng tu hội ấy.

“c. trong một lịch cho các nhà thờ riêng tư, có các lễ mừng riêng cho một giáo phận hoặc cộng đoàn tu sĩ, các lễ mừng này là riêng cho nhà thờ ấy, và được liệt kê trong Danh sách các Ngày Phụng vụ, và lễ các thánh được an táng trong nhà thờ ấy. Các thành viên của các cộng đoàn tu sĩ nên tham gia với cộng đồng của Giáo hội địa phương trong dịp kỷ niệm cung hiến nhà thờ chính tòa, và lễ các thánh bổn mạng chính của địa phương hay vùng rộng lớn, nơi họ sinh sống”.

Đáng chú ý là văn bản không nói các Giáo Hội địa phương nhưng nói các Giáo hội cá nhân (riêng, singularum), để khỏi có sự nhầm lẫn từ ngữ trong tài liệu. Theo bảng thứ tự ưu tiên phụng vụ, việc cử hành mừng tước hiệu nhà thờ thường được xếp là một lễ trọng. Bảng thứ tự ưu tiên và lễ trọng riêng của một nhà thờ cá nhân được liệt kê trong 4a-b:
“1. Tam Nhật Vượt Qua tưởng niệm cuộc Thương khó và sự Phục sinh của Chúa.

“2. Lễ Giáng sinh, Hiển linh, Thăng thiên và Hiện xuống. Các Chúa nhật mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh. Thứ Tư lễ Tro. Các ngày trong Tuần Thánh, từ thứ Hai đến hết thứ Năm. Các ngày trong tuần Bát nhật Phục sinh.

“3. Các lễ trọng kính Chúa, Đức Mẹ và các Thánh có ghi trong lịch chung. Lễ cầu cho mọi tín hữu đã qua đời (2-11).

“4. Các lễ trọng riêng, tức là:

a) Lễ trọng Thánh Bổn mạng chính của địa phương, thành phố hay quốc gia;

b) Lễ trọng Cung hiến thánh đường, hay ngày kỷ niệm Cung hiến thánh đường đó;

c) Lễ trọng mừng tước hiệu của nhà thờ;

d) Lễ trọng của dòng hay hội dòng mừng tước hiệu, hoặc Đấng sáng lập dòng, hay Bổn mạng chính của dòng.

“5. Các lễ kính Chúa có ghi trong lịch chung”.

Liên quan đến việc cử hành các ngày lễ này, các quy tắc thứ tự ưu tiên nói:
“58. Ðể phục vụ lợi ích mục vụ cho giáo dân, trong các Chúa nhật Thường Niên, được phép mừng các lễ nào gặp trong tuần mà được giáo dân sùng mộ, miễn là những lễ ấy cao hơn chính ngày Chúa nhật theo bảng ghi thứ tự ưu tiên. Có thể mừng các lễ ấy trong mọi thánh lễ có đông giáo dân tham dự”.

Do đó, nếu tước hiệu một giáo xứ không phải là một lễ trọng trong lịch chung (Thánh Giuse, lễ Vô Nhiễm Nguyên Tội, vv), thì đó là một lễ trọng trong nhà thờ địa phương ấy.

Nếu lễ trọng rơi vào một ngày thường trong mùa thường niên, cha xứ có thể chọn chuyển lễ này vào Chúa nhật gần nhất để nhấn mạnh tầm quan trọng của nó.
Do đó, nếu một giáo xứ có thánh bổn mạng, thí dụ, là thánh Bonaventura hoặc Đức Mẹ Núi Cát Minh (ngày 15 và 16-7), lễ trọng nên chuyển vào Chúa Nhật gần nhất sau đó.
Tuy nhiên, nếu giáo xứ có thánh bổn mạng là thánh Athanasius (ngày 2-5) hoặc thánh Gioan Thánh giá (ngày 14-12), việc chuyển lễ vào ngày Chúa nhật sẽ không thể thực hiện được, vì Chúa Nhật mùa Phục Sinh và Chúa nhật Mùa Vọng là ưu tiên hơn lễ trọng riêng.
Lễ ấy vẫn là một lễ trọng vào đúng ngày, với mọi thuộc tính phụng vụ của một lễ trọng, chẳng hạn có ba bài đọc, kinh Vinh Danh và kinh Tin Kính.
Nếu lễ trọng riêng trùng hợp với ngày Chúa Nhật ưu tiên cao hơn (thí dụ: lễ thánh Gioan Thánh Giá rơi vào một Chủ Nhật Mùa Vọng), thì ngày lễ của vị thánh thường được chuyển sang ngày thứ Hai tiếp sau đó. (Zenit.org 17-1-2018).

Nguyễn Trọng Đa

 

Comments are closed.