Thứ Hai sau Chúa Nhật 4 Mùa Vọng – Ngày 19/12/2016

Lời Chúa: Lc 1, 5-25

Vào thời Hêrôđê làm vua xứ Giuđêa, có một tư tế tên là Giacaria, thuộc phiên ban Abia, và vợ ông bởi dòng dõi Aaron, tên là Elisabéth. Cả hai là người công chính trước mặt Thiên Chúa, ăn ở theo mọi giới răn và lề luật của Chúa, không ai trách được điều gì. Nhưng họ lại không con, vì Elisabéth son sẻ, và cả hai đã đến tuổi già. Xảy ra khi Giacaria chu toàn chức vụ tư tế trước mặt Thiên Chúa, theo lượt của phiên mình như tục lệ hàng tư tế, ông bắt thăm và trúng việc vào cung thánh Chúa mà dâng hương. Ðang lúc toàn thể đám đông dân chúng cầu nguyện bên ngoài, trong giờ dâng hương. Bấy giờ Thiên Thần Chúa hiện ra cùng ông, đứng bên phải hương án. Giacaria thấy vậy hoảng hốt, sự kinh hoàng đột nhập vào ông. Nhưng Thiên Thần nói với ông rằng: “Giacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi. Elisabéth  vợ ngươi sẽ hạ sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên trẻ là Gioan. Ngươi sẽ được vui mừng hân hoan, và nhiều người cũng sẽ vui mừng, vì việc trẻ sinh ra. Vì trẻ nầy sẽ nên cao trọng trước mắt Chúa, sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy Thánh Thần ngay từ lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa là Thiên Chúa. Trẻ nầy sẽ đi trước Người, trong thần trí và quyền lực của Elia, để đổi lòng dạ cha ông về với con cháu, kẻ ngổ nghịch về lại với lương tri của những người công chính, dọn cho Chúa một đoàn dân chuẩn bị. Giacaria thưa với Thiên Thần rằng: “Làm sao tôi biết được, vì tôi đây đã già, và vợ tôi cũng đã cao niên?” Thiên Thần liền đáp: “Ta là Gabriel, ta đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, ta được sai đến nói với ngươi, và báo cho ngươi tin lành nầy. Thì đây, ngươi sẽ nín câm và không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra; bởi vì ngươi đã không tin lời ta, là những lời sẽ nên trọng khi đến thời của chúng”. Dân chúng đang trông đợi Giacaria, lấy làm lạ vì ông ở lâu trong cung thánh. Nhưng lúc ra, ông không nói được, và họ biết ông đã thấy điềm lạ trong cung thánh. Còn ông thì chỉ làm hiệu cho họ, và vẫn bị câm. Khi những ngày thánh vụ của ông đã mãn, ông trở về nhà. Sau những ngày ấy, Elisabéth vợ ông thụ thai, và bà ẩn mình trong năm tháng, bà nói rằng: “Chúa đã làm cho tôi thế nầy, trong những ngày Người đoái thương, cất nổi khổ nhục tôi khỏi người đời.


Suy niệm

“Giacaria, đừng sợ, vì lời ngươi cầu nguyện đã được nhậm rồi. Elisabéth vợ ngươi sẽ hạ sinh cho ngươi một con trai, và ngươi sẽ gọi tên trẻ là Gioan.” (Lc 1,13).

Lời Chúa của bài đọc một và bài Tin Mừng kể về hai chuyện tương tự: chuyện hai người con được sinh ra do hai cha mẹ già nua mà son sẻ. Cả hai chuyện gợi lên cho ta một sứ điệp: mỗi người phải là dấu chỉ về Thiên Chúa. Cuộc đời Samson và cuộc đời Gioan Tẩy Giả đều là dấu chỉ. Cuộc đời Samson là dấu chỉ về lòng thương xót của Chúa với Dân Riêng của Ngài. Cuộc đời Gioan Tẩy Giả là dấu chỉ về lòng trung thành của Thiên Chúa về lời hứa cứu độ. Cả hai đều được sinh ra cách lạ lùng. Lạ lùng vì trước đó có trục trặc lớn: cha mẹ của cả hai người đều bị trục trặc theo lẽ tự nhiên không thể có con. Nhờ sự trục trặc này mà ta thấy rõ quyền năng của Chúa khi cho các ngài sinh con. Cả hai đều có trục trặc trong hành trình đức tin và ơn gọi. Samson trục trặc vì không giữ lời cam kết đã mủi lòng trước người con gái dân ngoại. Giacaria trục trặc vì không tin vào lời sứ thần Gabriel loan báo. Khi con người bất tín nhiệm vào Thiên Chúa thì con người cản trở Thiên Chúa thi thố tình yêu.

Tuy thế, Thiên Chúa vẫn vượt qua những trở ngại đó để thực hiện ý định yêu thương của Ngài miễn là con người biết điều chỉnh chính mình. Samson điều chỉnh lòng trung thành với Chúa: cuối cùng ông chỉ cậy trông vào một mình Chúa và Chúa trả lại sức khỏe cho ông để ông tiêu diệt kẻ thù của Dân riêng Chúa. Giacaria điều chỉnh đức tin của mình trong thinh lặng và tuân theo sự chỉ dẫn của sứ thần Gabriel. Nhờ vậy, Gioan tẩy giả đã được sinh ra làm trọn vai trò tiền hô của Chúa.
Từ đó, Lời Chúa dạy chúng ta ba bài học. Trước hết, mỗi người Kitô hữu là dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa qua đời sống đức tin trung thành của mình với Chúa. Thứ đến, mỗi người Kitô hữu là dấu chỉ về tình yêu Chúa qua cách sống bác ái vô vị lợi của mình với tha nhân. Cuối cùng, mỗi người Kitô hữu sẽ là dấu chỉ lòng thương xót Chúa khi biết quảng đại tha thứ cho anh chị em mình.

Lạy Chúa, xin thêm đức tin, đức cậy, đức mến cho chúng con để chúng con đủ sức nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa giữa thế giới tục hóa hôm nay. Xin gìn giữ chúng con trong quỹ đạo của Chúa đừng để vì thiếu lòng tin, lòng cậy, lòng mến Chúa mà chúng con cản trở anh chị em thấy Chúa.


Comments are closed.