Quý Thầy Cô thân mến,
Nhân dịp Ngày Nhà Giáo Việt Nam, tôi muốn hợp lòng cùng với các sinh viên, học sinh và cha mẹ của các em, gửi lời chào thân ái, và bày tỏ lòng biết ơn, trân trọng và quí mến đối với quý Thầy Cô. Công tác giáo dục của quý Thầy Cô không chỉ đơn thuần là một nghề nghiệp mưu sinh, nhưng còn là sứ mệnh cao quý “cổ vũ cho việc hoàn thiện hóa con người toàn diện, phục vụ lợi ích của xã hội trần thế và xây dựng một thế giới mang tính nhân bản hơn”1. Điều này được quý Thầy Cô thực hiện qua việc đồng hành với các em sinh viên, học sinh trong hành trình phát triển thành những con người sống theo chương trình của Thiên Chúa, để mưu ích cho tha nhân và đạt tới hạnh phúc chân thật. Vì vậy, tôi muốn chia sẻ với quý Thầy Cô vài suy nghĩ liên quan đến sứ mệnh quan trọng này.
Trong lá thư gửi các sinh viên, học sinh nhân dịp đầu năm học vừa qua, tôi đã chia sẻ với các em thế này: “Để trở thành những người con xứng đáng và hữu ích cho Giáo Hội và Quê Hương, ngay từ bây giờ, khi đến trường, các con không được chỉ tìm học thêm kiến thức, nhưng còn phải rèn luyện con người của mình về mọi mặt mà Cha gồm tóm lại trong 4 chữ ‘Thành’: Thành Tài, Thành Công, Thành Nhân, Thành Thánh.”Để “thành tài”, các em phải học giỏi để có kiến thức, nhất là kiến thức về ngành chuyên môn đã chọn; để “thành công”, các em phải có khả năng cộng tác với người khác; để “thành nhân”, các em phải rèn luyện để có lòngngay thẳng, có con tim nhậy bén để cảm thông với những đau khổ của nhân loại; để “thành thánh”, các em phải luyện tập đểvượt lên trên những thú vui vật chất và những chuyện phiền muộn và phức tạp của cuộc sống, mong đi vào cõi tâm linh và thánh thiện của Thiên Chúa.
Vì những quyến rũ mê hoặc của thú vui vật chất, nhiều em chỉ lo thành tài và thành công, mà coi nhẹ việc học hỏi và luyện tập để thành nhân và thành thánh. Có khi chính các môi trường giáo dục vô tình khuyến khích điều này khi chỉ vinh danh các em học giỏi và hãnh diện vì các em thi đậu 100%, mà xem nhẹ các em có đức tính, có lòng thương người và dám hy sinh những lợi lộc riêng tư để lo cho người yếu kém…
Tôi cũng nghe nhiều người ta thán là các em sinh viên, học sinh quá bị áp lực bởi việc học chữ, học văn hóa:học suốt ngày, học cả ngày Chúa Nhật, đến độ các em chẳng còn bao nhiêu thời giờ để hiện diện và sống gần gũi với gia đình và ngay cả việc chu toàn bổn phận của Đức Tin cũng bị ảnh hưởng. Quý Thầy Cô có thể làm gì để thay đổi tình trạng này không? Ở mọi quốc gia, những em học kém đều phải học thêm để theo kịp chúng bạn, nhưng tại Việt Nam, em nào cũng phải học thêm: không lẽ tất cả sinh viên, học sinh Việt Nam đều yếu kém hết?
Để thành nhân, các em phải được giúp đỡ trong việc luyện tập các đức tính nhân bản. Ở đây, tôi xin được nhắc đặc biệt đến đức tính ngay thẳng, vì trên khắp thế giới và ngay cả tại Việt Nam thân yêu của chúng ta, người ta ngao ngán vì những chuyện lừa bịp, tham nhũng, bất cônglan tràn nhan nhản khắp nơi.
Xã hội sẽ trong lành, người người sẽ sống trong an bình và tin tưởng nhau, khi lòng con người trong sáng và sống ngay thẳng, trung thực.Loại xã hội này thành hình từ trường học, nếu các sinh viên, học sinh được dạy dỗ sống ngay thẳng ngay trong việc học hành và thi cử. Khi nói về sự trung thực và tính ngay thẳng của các em học sinh, tác giả cuốn “Trên đường băng”ghi lại một nhận xétnhư sau:
“Khi gửi con vô trường công lập ở Đức, hay hệ thống trường quốc tế Đức, phụ huynh học sinh sẽ ký vào một nội quy dài ngoằng, trong đó có nhiều cam kết, đại loại là không được ăn cắp (tức quay bài, đạo văn), nói dối (tức cha mẹ làm giùm bài cho con, nói dối thầy cô)… Nếu vi phạm, học sinh sẽ phải ngồi suy nghĩ về hành vi của mình một ngày. Nếu tái phạm, học sinh đó sẽ bị đuổi học, các trường công lập khác không muốn nhận, nếu muốn học tiếp thì vô trường tư sẽ rất đắt đỏ. Tony hỏi hiệu trưởng một trường quốc tế Đức ở Thượng Hải vì sao có quy định đó, ông nói vì giáo dục nước Đức không tạo ra sản phẩm ăn cắp và nói dối. Đứa ăn cắp và nói dối thì không kiêu hãnh được, không ngẩng đầu được. Thế thì tại sao phải đuổi học? Ông nói vì nó đã cam kết mà vẫn tái phạm thì không có lòng tự trọng. Không có lòng tự trọng thì không nên đào tạo, nó có trình độ học vấn cao thì lại nguy hiểm cho người khác.” (Tony Buổi Sáng, Trên đường băng, Nhà xuất bản Trẻ, Tái bản lần thứ 7, 2016, trg 82-83).
“Học chữ nghĩa thì dễ, học làm người thì thật khó” (Sévigné, Văn hòa Pháp). Trong việc đào tạo các sinh viên học sinh, xin quý Thầy Cô hãy thắp lên trong lòng các em ước muốn sống tốt, ước muốn làm điều thiện. Hãy tập cho các em biết cư xử tử tế, hành động ngay thẳng, làm những điều thiện nho nhỏ và tránh làm điều xấu, dù rất nhỏ. Tầm quan trọng của những điều nhỏ đã được chính Chúa Giêsu nói đến trong Tin Mừng Thánh Luca: “Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn.” (Lc 16,10). Còn tục ngữ Việt Nam thì có câu: “Bé ăn trộm gà, già ăn trộm trâu, lâu nữa làm giặc”.Nhưng để việc giáo dục được hữu hiệu, chúng ta phải yêu trẻ, nỗ lực làm gương sáng cho chúng và thiết tha với tương lai của Giáo Hội và của Đất Nước.
Với lòng quý mến và tin tưởng, xin cầu chúc quý Thầy Cô Ngày Nhà Giáo ấm áp trong tình nghĩa thắm thiết thầy trò. Xin quý Thầy Cô chuyển đến quý Thầy Cô đồng nghiệp không Công Giáo lời chào thân ái và quí trọng của tôi. Xin Mẹ Maria che chở và gìn giữ quý Thầy Cô và gia đình của quý Thầy Cô trong sự an bình.
Thân ái chào quý Thầy Cô.
Ngày 18 tháng 11 năm 2016
Giám mục Gp Xuân Lộc
Chủ tịch Ủy Ban Giáo Dục Công Giáo