Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước Trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. “Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy. “Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”. “Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết”. Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng. Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn; nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh tiền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao?” Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao? Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng?” “Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
“Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày”(Mt 20, 12)
Trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu, những người thất nghiệp hay đứng ở những nơi công cộng để chờ các chủ nhân đến mướn họ làm việc. Họ không phải là những người lười biếng nhưng xã hội đã không tạo đủ công ăn việc làm cho họ. Tiền công họ nhận được là sự thỏa thuận giữa họ với người chủ. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh người chủ thuê thợ vào làm vườn nho để nói về Nước Thiên Chúa. Ông chủ ra mời gọi họ vào làm vườn nho cho mình, có người từ lúc 9 giờ sáng, có người mãi đến 5 giờ chiều. Tuy nhiên ông chủ đã trả tiền cho những người đến sau bằng với số tiền của những người đến trước. Điều đó làm cho những người đến trước tỏ ra phẫn nộ, bất bình. Họ có thái độ đó không phải vì ông chủ trả công không đúng như đã thỏa thuận nhưng vì họ ghen tức với những người đến sau. Qua đó Chúa Giêsu mời gọi chúng ta luôn biết sống quảng đại như Thiên Chúa, đừng bao giờ ghen tị với anh chị em của mình khi họ nhận được những sự lành, sự tốt của Thiên Chúa.
Trong xã hội, ở mọi thời và mọi nơi, vẫn tồn tại thái độ ghen tị trước những sự lành, sự tốt của người khác. Một cách tự nhiên ai cũng muốn mình phải hơn người khác, ít ai chấp nhận mình chịu thua thiệt, hy sinh cho tha nhân. Thế nên khi một ai đó nhận được sự lành, sự tốt hơn mình thì mình dễ có thái độ khó chịu, phân bì và ghen tị. Và vì ghen tị nên dễ mù quáng, không nhận ra những việc tốt, việc lành nơi tha nhân. Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi sống quảng đại với anh chị em của mình, biết yêu thương và tôn trọng họ, vui mừng khi thấy họ nhận được điều tốt lành. Đặc biệt đối với những người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn, chúng ta càng phải biết thông cảm và yêu thương họ. Có như vậy chúng ta mới sống xứng đáng là con của một Cha trên trời vì Người luôn yêu thương đối với tất cả mọi người.
Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con luôn yêu thương với tất cả mọi người. Xin cho chúng con luôn biết sống đẹp lòng Chúa bằng đời sống của chúng con với tha nhân, đặc biệt là những người hơn chúng con về cách này hay cách khác. Để đời sống chúng con minh chứng chúng con là anh em, con cùng một Cha trên trời. Amen.