Các khía cạnh liên quan đến đạo đức sinh học, chẳng hạn, tế bào gốc, ngừa thai, phá thai, án tử hình, v.v. đang là đề tài của nhiều cuộc tranh luận. Người ta bàn cãi vì đây là những vấn đề hết sức phức tạp về khía cạnh khoa học và nhất là khía cạnh luân lý.
Những cuộc bàn cãi này tuy diễn tả được nỗ lực của nhiều người trong việc tìm kiếm sự thật, nhưng để lại trong lòng nhiều người những nghi vấn và tình trạng hoang mang. Cuốn sách “ĐẠO ĐỨC SINH HỌC VÀ NHỮNG THÁCH ĐỐ HIỆN NAY” của Linh mục Tiến sĩ Phêrô Trần Mạnh Hùng là một đóng góp hữu ích để soi sáng cho những vấn nạn đang được bàn cãi. Cuốn sách có 5 chương, bàn về : Cái chết của bộ não, Tế bào gốc, Ngừa thai, Phá thai, Chết êm dịu, Đời sống hôn nhân gia đình.
Qua 5 chương của cuốn sách, tác giả cung cấp rất nhiều thông tin về các khía cạnh khoa học và luân lý. Về các khía cạnh khoa học, tác giả trình bày những vấn đề chuyên môn cách đơn giản, giúp cho độc giả không có nhiều kiến thức chuyên môn cũng có thể hiểu được vấn đề. Về phương diện luân lý, tác giả cung cấp nhiều thông tin về ý kiến của nhiều nhà thần học thuộc các khuynh hướng khác nhau và cũng trình bày giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến vấn đề. Độc giả sẽ thấy tác giả không chỉ kê khai tư tưởng của các nhà thần học, mà còn có những nhận xét và suy tư về các tư tưởng thần học đã trình bày. Đây là phần đóng góp rất đáng trân trọng của tác giả.
Qua những ý kiến của các nhà thần học trong cuộc tranh luận về lựa chọn luân lý của các vấn đề, người ta thấy có những ý kiến không đồng thuận và có khi còn đối nghịch với Huấn quyền của Giáo Hội. Ngay giữa các nhà thần học, người ta cũng không tìm được sự đồng thuận về các lý do và hướng giải quyết cho các vấn đề. Tình trạng này không giúp ích cho đời sống Đức tin của đoàn Dân Chúa vì gây hoang mang và nghi nan. Người ta hỏi: “Toàn là những nhà thông thái cả, tại sao lại có những cái nhìn, những phán đoán khác nhau và trái nghịch nhau như vậy?”
Tình trạng khác biệt trong các ý kiến thần học có thể xảy ra vì tính cách giới hạn của lý trí con người. Những khám phá của ngành sinh học cống hiến những kiến thức mới, nhiều và ô tạp, còn ngành y học thì phát minh ra nhiều loại thuốc mới, nhiều phương pháp chữa trị mới, những thông tin về các thí nghiệm khoa học được công bố với nhịp độ chóng mặt, đến độ người ta không kịp tìm hiểu rõ ràng và phân định tính chất tốt, xấu của chúng. Đàng khác, sự sống và sức khỏe của con người luôn liên quan đến nhiều giá trị. Trong các giải quyết, người ta không thể thực hiện được tất cả mọi giá trị liên hệ, nhưng phải chọn lựa một số giá trị và hy sinh các giá trị khác. Vấn đề không chỉ là chọn lựa giữa điều tốt và điều xấu, nhưng là chọn lựa một trong hai hay nhiều giá trị (tốt). Sự lựa chọn tùy thuộc vào giá trị ưu tiên mỗi người đặt ra trong hệ thống suy tư của mình. Khi người ta có giá trị ưu tiên khác nhau thì dĩ nhiên các giải pháp được đề nghị cũng khác nhau.
Lý do thứ hai của tình trạng là nguồn gốc của tư tưởng. Suy tư của một người không phải là một sự kiện riêng rẽ, nhưng bị chi phối bởi nhiều yếu tố. David Bohm, trong cuốn sách “Thought as a System”, được Nhà xuất bản “Tri thức” dịch và xuất bản với tựa đề “Tư duy như một hệ thống” cho thấy suy tư của một người bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: ý tưởng, tình cảm, kinh nghiệm sống và những yếu tố chất chứa trong tiềm thức. Do đó, nhiều khi người ta cho là mình suy nghĩ cách khách quan, tức là nhận thức và phán đoán cách trung thực, nhưng trong thực tế, người ta lại hết sức chủ quan. Trong cả hai tác động nhận thức và phán đoán, người suy tư bị chi phối bởi những tình cảm thầm kín, tiên kiến, tham vọng, ước muốn, v.v. nhiều khi ẩn nấp trong tiềm thức. Chẳng hạn, trong lý luận của nhiều tư tưởng thần học, người ta có thể thấy ẩn tàng những ý tưởng coi việc hưởng thụ tính dục và tránh đau khổ như những giá trị ưu tiên, hầu như tuyệt đối, chi phối tất cả các giá trị khác liên quan đến sự sống và sức khỏe.
Về việc hưởng thụ tính dục, nhất là trong hôn nhân, người ta coi đây là giá trị ưu tiên vì là yếu tố quyết định để đời sống hôn nhân được hài hòa. Tư tưởng này không đứng vững trong bối cảnh văn hóa Việt Nam và trong kinh nghiệm sống Đức Tin của nhiều tín hữu. Câu chuyện “Thiếu phụ Nam Xương” và câu nói “Ở vậy thờ chồng nuôi con” v.v., được nhiều người thực hiện, diễn tả mẫu người sống động trong tâm thức dân gian và được mọi người cảm phục. Kinh nghiệm mục vụ cũng cho thấy rất nhiều tín hữu hạnh phúc trong đời sống hôn nhân, cả khi nhiều năm không hưởng thụ thú vui dục tính vì chồng/vợ đau yếu. Rõ ràng là hưởng thụ thú vui dục tính là yếu tố quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định cho hạnh phúc trong đời sống gia đình và ngay cả đời sống riêng tư. Có lần tôi hướng dẫn một nhóm trẻ người Italia, trong đó có một số bạn là vợ chồng, hành hương Fatima. Một anh có gia đình, khi bàn hỏi linh hướng, đã chia sẻ là trong những ngày ở Fatima, hai vợ chồng đã thỏa thuận không ăn ở với nhau như vợ chồng và anh cho biết: “Con cảm thấy người thanh tao hơn, nhậy cảm hơn với Elisabetta (tên người vợ), bớt hờn dỗi với nhau hơn”.
Đối với một kitô hữu, một số yếu tố quan trọng cần phải giữ như điểm tựa trong suy tư và lựa chọn luân lý cho cuộc sống. Yếu tố thứ nhất là bản tính con người bị ô nhiễm bởi tội nguyên tổ nên rất yếu đuối và các bản năng tự nhiên dễ dàng lệch lạc, không quân bình. Các giá trị luân lý cần phải được lựa chọn trong bối cảnh của thực tại này. Yếu tố thứ hai là ơn cứu độ của Chúa Kitô qua mầu nhiệm Thập giá. Các lựa chọn luân lý trong cuộc sống phải được nhìn trong ánh sáng của mầu nhiệm Thập giá và như vậy, mới thăng tiến con người. Chính vì lý do này mà thánh Phaolô đã tuyên bố: “Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người.” (1Cor 1,22-25).
Trong cuộc sống, mỗi kitô hữu là một chứng nhân của Chúa Kitô, với sứ mệnh “muối cho đời” và “ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,12-13). Sứ mệnh này, mỗi kitô hữu thực hiện qua những lựa chọn trong cuộc sống hằng ngày. Như vậy, nhờ những lựa chọn luân lý trong viễn tượng ơn cứu độ của Chúa Kitô và sứ mệnh là chứng nhân của Chúa, mỗi kitô hữu sẽ vươn lên khỏi chính mình và trong khi chu toàn sứ mệnh trong những lựa chọn luân lý hằng ngày, người tín hữu của Chúa Kitô đúng là một anh hùng, mà theo sách Khải Huyền, họ là đoàn người đông đảo không thể đếm nổi: “Tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế… Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên. Vì thế, họ được chầu trước ngai Thiên Chúa, đêm ngày thờ phượng trong Đền Thờ của Người; Đấng ngự trên ngai sẽ căng lều của Người cho họ trú ẩn. Họ sẽ không còn phải đói, phải khát, không còn bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt và khí nóng hành hạ nữa. Vì Con Chiên đang ngự ở giữa ngai sẽ chăn dắt và dẫn đưa họ tới nguồn nước trường sinh. Và Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ.” (Kh 7,9.10-17).
Chúng ta cầu mong là cuốn sách “Đạo Đức Sinh Học và những Thách Đố Hiện Nay” của Linh mục Tiến sĩ Trần mạnh Hùng sẽ khích lệ nhiều người trong việc tìm hiểu các giá trị đích thực của cuộc đời theo ánh sáng Tin Mừng và nhất là can đảm sống theo Tin Mừng để trở thành chứng nhân của Chúa trong những lựa chọn hằng ngày.
Ngày 10 tháng 9 năm 2015
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Phó Giáo phận Xuân Lộc
Chủ tịch Ủy Ban Giáo dục Công giáo.