Thứ Sáu sau Chúa Nhật 3 Phục Sinh – Năm C

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 6, 53-60″ ]

Khi ấy, những người Do-thái tranh luận với nhau rằng: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được?” Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta, và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. Ðây là bánh bởi trời xuống, không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời”. Người giảng dạy những điều này tại Hội đường Caphar-naum.[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời. (Ga 6,59)

Như mọi dân tộc khác, người Do thái cũng luôn khao khát tìm kiếm phương dược trường sinh để có thể sống mãi với thời gian. Thế nhưng khi Chúa Giêsu giới thiệu cho họ một phương dược trường sinh là chính thịt máu Ngài, họ lại từ chối không tin, vì “làm sao ông này có thể lấy thịt mình mà cho chúng ta ăn được” (Ga 6, 53), hay không muốn nghe vì “lời này chói tai quá”. Chúa Giêsu dường như thất bại trong việc giới thiệu Bánh trường sinh cho họ. Sau diễn từ về Bánh hằng sống, đám đông và cả những môn đệ theo Chúa bấy lâu nay cũng bỏ đi, không theo Ngài nữa, chỉ còn lại nhóm 12. Thế nhưng việc thất bại của Chúa Giêsu không phải do nội dung hay cách thức rao giảng của Ngài nhưng do lòng người cứng tin, chậm hiểu. Họ tìm Đức Giêsu, muốn phong Ngài làm vua để thỏa mãn nhu cầu vật chất, để được ăn no nê mà không phải làm việc. Ước muốn trần tục của họ biến Đức Giêsu thành một “chủ nô”, một ông chủ nhưng thực chất là nô lệ, chỉ để đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi vật chất của họ. Với não trạng này, họ không thể có được “trực giác thiêng liêng” để nhận ra căn tính, sứ mạng thần linh của Chúa Giêsu, Đấng ban sự sống đời đời cho họ qua cái chết tự hiến, nghĩa là lấy chính thịt máu mình làm lương thực nuôi sống họ. Bỏ Chúa ra đi, họ đi xa Chân lý, xa Nguồn sống vĩnh cửu và ôm lấy tội mình mà chết.

Do ảnh hưởng của chủ nghĩa khoa học thực dụng, chủ nghĩa tương đối, con người chỉ tin vào những điều có thể chứng minh bằng khoa học thực nghiệm và phủ nhận những thực tại không thể kiểm chứng. Người Kitô hữu cũng đứng trước cám dỗ từ chối, không tin vào bí tích Thánh Thể. Thực ra, chẳng ai có thể chứng minh và thuyết phục người khác được rằng Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong bí tích Thánh Thể và cũng chẳng ai có thể chứng minh Chúa Giêsu không hiện diện thực sự trong bánh rượu sau lời truyền phép của linh mục. Bí tích Thánh Thể luôn là câu hỏi lớn cho lý trí con người bởi giữa thực tại hữu hình và vô hình luôn có một khoảng cách không thể lấp đầy. Chỉ có “cú nhảy đức tin” mới giúp người Kitô hữu lấp đầy khoảng cách xa vời này và tiến gần tới Chúa, Nguồn sống đích thực và vĩnh cửu cho mọi người.

Lạy Chúa, trước mầu nhiệm Thánh Thể, chúng con chẳng thể dùng lí trí để hiểu hay giải thích được nhưng chúng con có thể cảm nghiệm được sức mạnh tỏa lan từ tình yêu vô biên ấy. Lạy Chúa, xin nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng con để chúng con có thể tin yêu, gắn bó với Chúa và làm chứng về tình yêu Thánh Thể cho mọi người xung quanh. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.