Ngày ấy, Chúa Giêsu đang ngồi giảng, có cả những người biệt phái và tiến sĩ luật từ các làng mạc xứ Galilêa, xứ Giuđêa và Giêrusalem đến nghe Người, và Người dùng quyền lực của Thiên Chúa chữa nhiều người. Người ta khiêng một người bất toại đến, họ tìm cách vào nhà để đặt người bất toại trước mặt Người. Nhưng không tìm được lối vào, vì dân chúng quá đông, họ liền trèo lên sân thượng và thả người bất toại xuống giữa cử toạ trước mặt Chúa Giêsu. Thấy lòng tin của họ, Người nói: “Hỡi người kia, tội ngươi đã được tha!” Các luật sĩ và biệt phái bắt đầu lý luận rằng: “Người này là ai mà dám nói phạm thượng? Trừ một mình Chúa, ai có quyền tha tội?” Chúa Giêsu biết rõ điều họ suy tính, liền nói với họ: “Sao các ngươi lại nghĩ trong lòng như vậy? Nói rằng: “Các tội của ngươi đã được tha”, hay nói: “Ngươi hãy đứng dậy mà đi”, đàng nào dễ hơn? Song (như thế là) để các ngươi biết Con Người có quyền tha tội ở dưới đất”. Người nói với người bất toại rằng: “Ta bảo ngươi, hãy chỗi dậy vác giường về nhà”. Tức thì anh ta chỗi dậy vác giường đi về nhà và ca tụng Thiên Chúa. Ai nấy đều sợ hãi và ngợi khen Thiên Chúa; họ kinh sợ và nói: “Hôm nay chúng ta đã thấy những việc lạ lùng”.[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
“Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: ‘Này anh, anh đã được tha tội rồi’” (Lc 5,20).
Trong Cựu Ước, có sự liên hệ giữa tội lỗi với bệnh tật tội nhân mang lấy. Chẳng hạn, người bạn của ông Gióp liên hệ bệnh tật ông đang phải chịu với tội lỗi có thể ông đã gây ra (x.G 4,7-9); lời chì chiết của vợ ông Tôbia dành cho ông khi ông bị mù (x.Tb 2,14). Đấng Thiên Sai không muốn chữa lành bệnh thể lý của người bại liệt mà trước hết, không cho anh được giao hoà với Thiên Chúa. Chúa Giêsu không chỉ chữa lành phần xác, mà quan trọng hơn, Người là vị lương y chữa lành bệnh tật của tâm hồn. Và như thế, niềm vui của anh bị bại liệt mới thật trọn vẹn: “Ngay lúc ấy, người bại liệt chỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 5,25).
Mùa Vọng là thời gian Mẹ Hội Thánh mời gọi con cái mình chuẩn bị tâm hồn để mừng lễ Giáng Sinh, kính nhớ Con Thiên Chúa đã đến lần thứ nhất, đồng thời hướng lòng trông đợi Người đến lần thứ hai trong vinh quang. Những tội lỗi đã phạm thường khiến cho con người mặc cảm, không dám đến gần Chúa và thờ ơ với cùng đích đời mình. Mặc cảm đó làm chúng ta buồn phiền, ngăn cản chúng ta đón nhận trọn vẹn niềm vui được ơn tha tội. Giáo Hội không muốn con cái mình đón chờ ngày Chúa đến trong phiền muộn, nhưng là trong hân hoan: “Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em ! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến” (Pl 4,4). Những ai đã đón nhận Đức Kitô vào cuộc sống thì không có lý do để buồn phiền: “Niềm vui của Tin Mừng ngập tràn tâm hồn và trọn vẹn cuộc sống của những ai gặp gỡ Đức Giêsu. Những ai để cho Người cứu độ, sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi đau buồn, khỏi cuộc sống trống rỗng, khỏi cô đơn. Niềm vui phát sinh và luôn tái sinh cùng với Đức Giêsu Kitô” (Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng, số 1). Chính niềm hân hoan mong đợi ngày Chúa trở lại, là dấu chứng loan báo Tin Mừng cho người khác của mỗi Kitô hữu.
Lạy Chúa Giêsu, tội lỗi thật có sức huỷ diệt to lớn, nhưng Chúa đã chiến thắng tội lỗi và phục hồi hình ảnh Thiên Chúa trong tâm hồn chúng con. Xin cho niềm vui được thứ tha tội lỗi, được làm con cái Chúa giúp chúng con luôn hăng say, phấn khởi trong hành trình nên thánh nơi dương gian này. Amen.