Nếu Chỉ Còn Một Ngày Để Sống

“Đôi lúc tôi hay tự hỏi rằng một mai đây mình chết có ai buồn không ?

Đôi lúc tôi hay ngộ nhận một điều xa xôi lạ lẫm ngỡ như là quen.

Đôi lúc muốn sống thật chậm để kịp yêu thương, kịp nói những điều vấn vương.

Giá như ở đâu đó người đợi lắng nghe tôi kể”.

(Đời có bao nhiêu ngày vui – Châu Đăng Khoa)

Người ta thường dùng nhiều hình ảnh để nói về cuộc đời. Có người xem cuộc đời như một bản nhạc với nhiều cung bậc cảm xúc. Có người nhìn cuộc đời như một cuốn sách với bao điều mới mẻ đang chờ đợi khám phá. Người khác lại nghĩ cuộc đời như một cuộc hành trình gian khổ nhưng cũng đầy hy vọng hướng về một cùng đích. Riêng tôi, tôi thấy cuộc đời như một cuốn lịch mà mỗi ngày trôi qua ta không thể lấy lại được.

Tháng Mười Một về, nhìn cuốn lịch trên tường đã mỏng dần mới ngỡ rằng một năm đã dần trôi qua. Điều này khiến tôi liên tưởng nếu cuộc đời mỗi người được gói gọn trong một cuốn lịch thì tháng Mười Một là khoảng thời gian gần cuối của một đời người.

Có lẽ là một sự tình cờ ngẫu nhiên thú vị khi trong Phụng vụ Giáo Hội, tháng Mười Một được dành đặc biệt để nhớ về những người đã khuất, không chỉ như gợi nhớ về những kỷ niệm nhưng là để cầu nguyện cho họ trong niềm tin vào Mầu Nhiệm Hiệp Thông của Giáo Hội. Và một cách tự nhiên, nhớ về những người đã khuất cũng hướng ta nghĩ về chung cuộc của đời ta.

Có lẽ trong cuộc sống thường nhật, chẳng ai lại tự dưng nghĩ đến cái chết vì ai cũng có bao nhiêu hoài bão, bao nhiêu dự định, bao nhiêu mơ ước, bao nhiêu kế hoạch cần thực hiện. Có ai lại nghĩ đến cái chết khi cuộc sống đang yên ổn bao giờ. Cái chết đôi khi còn bị xem là điều cấm kỵ, xui xẻo vì thế nó ít được đề cập đến. Ai đó vô tình nhắc đến thì mọi người cũng cố tình lảng tránh, “chuyển kênh” qua một chuyện khác. Song, dù sự chết, cái chết, thần chết, ngày chết ít được nhắc tới nhưng như một mẫu số chung của mọi người đó là ai rồi cũng chết, chỉ là điều đó xảy ra sớm hay muộn mà thôi. Chắc hẳn vì thế mà các triết gia hiện sinh nhìn cuộc đời theo một cái nhìn có vẻ hơi bi quan nhưng thật sự hiện sinh : “mỗi ngày sống qua đi con người tiến gần hơn đến nấm mồ của chính mình”.

Thực ra nghĩ về ngày chết không làm cho ta cảm thấy bi quan như mọi người thường nghĩ. Nhưng một cách nào đó, nó giúp ta ý thức về chính cuộc sống hiện tại của ta hơn, làm cho cuộc sống của ta có ý nghĩa hơn. Nghĩ về ngày tận cùng của đời mình giúp mọi người ý thức rằng mình đang sống. Thực tế cho thấy nhiều người sống như không sống, hay họ chỉ tồn tại chứ họ không sống. Đôi khi ta có cảm giác đời sống con người như được lập trình sẵn theo một chu kỳ: sinh ra – lớn lên – đi học – ra trường – đi làm – lập gia đình – sinh con – già – chết. Đôi khi chúng ta chỉ sống như một cái máy được lập trình chứ không như một con người thực sự.

Nếu cuộc sống cứ trôi theo vòng tuần hoàn như vậy thì thật vô nghĩa. Thế hệ này nối tiếp thế hệ khác theo cùng một chương trình thì đâu là ý nghĩa của đời người ? Đâu là giá trị của mỗi con người với những nét độc đáo, riêng biệt, cá vị của riêng mình ? Có bao giờ trong cuộc sống ta dừng lại và tự hỏi cuộc sống tôi đang sống có nghĩa gì không? Đâu là ý nghĩa của cuộc đời tôi? Những hoài bão, những ước mơ có giá trị gì đối với tôi nếu như cái chết là tất yếu cho mỗi người? Nếu như cái chết là dấu chấm hết cho cuộc đời mỗi người vậy thì bao công sức tôi bỏ ra lãng phí hết hay sao? Khi đặt những câu hỏi như vậy ta mới thấy ý nghĩa lớn lao về sự sống đời sau nơi niềm tin Kitô Giáo.

Steve Jobs, trong bài diễn văn tại buổi lễ tốt nghiệp tại Đại Học Stanford vào năm 2005, chia sẻ về đời ông như sau: Khi 17 tuổi, tôi đọc ở đâu đó rằng: “Nếu sống mỗi ngày như thể đó là ngày cuối cùng, một ngày nào đó bạn sẽ đúng”. Điều đó gây ấn tượng với tôi và 33 năm qua, tôi nhìn vào gương mỗi sáng và hỏi: “Nếu hôm nay là ngày cuối của cuộc đời mình, mình có muốn làm những gì định làm hôm nay không?”. Nếu câu trả lời là “Không” kéo dài trong nhiều ngày, đó là lúc tôi biết tôi cần thay đổi.

Luôn nghĩ rằng mình sẽ sớm chết là công cụ quan trọng nhất giúp tôi tạo ra những quyết định lớn trong đời. Vì gần như mọi thứ, từ hy vọng, niềm tự hào, nỗi sợ hãi, tủi hổ hay thất bại, sẽ biến mất khi bạn phải đối mặt với cái chết, chỉ còn lại điều thực sự quan trọng với bạn. Nghĩ rằng mình sắp chết là cách tốt nhất tôi tránh rơi vào bẫy rằng tôi sẽ mất cái gì đó. Khi không còn gì nữa, chẳng có lý gì bạn không nghe theo lời mách bảo của trái tim.”

Như thế, cái chết không quá bi quan, bị lụy, bi thương, bi ai như người ta thường gán cho nó. Trái lại, nghĩ đến cái chết giúp ta ý thức, nhận ra điều gì thực sự quan trọng cho đời mình và giúp ta sống tốt giây phút hiện tại của đời mình hơn.

Tôi tự hỏi nếu mai tôi chết, liệu hôm nay tôi có quá băn khoăn lo lắng cho những dự định tương lai ? Nếu mai tôi chết, liệu hôm nay tôi có giữ mãi trong tim mình những ghen ghét đố kỵ đối với người này người khác ? Nếu mai tôi chết, liệu hôm nay tôi có ngồi than thân trách phận vì đã thất bại trong một kỳ thi hay lỡ vuột mất một cơ hội, một công việc tốt?

Tôi tự nhủ nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi, chắc hẳn tôi sẽ không cảm thấy tức giận, đau xót khi chiếc xe hơi mới mua bị người ăn xin qua đường vô tình quẹt phải. Thay vì quay lại trách mắng, dọa nạt, trì chiết tôi sẽ không ngần ngại nói rằng : “Không sao, chỉ là chuyện nhỏ”.

Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi, chắc hẳn tôi sẽ không cảm thấy đau như cắt da cắt thịt khi chiếc áo mới mua bị vấy bẩn, khi chiếc điện thoại đời mới vô tình bị rơi. Và nếu ai nỡ làm tôi buồn, tôi sẽ không ngần ngại “mỉm cười cho qua” và tự nhủ rằng: “chuyện chẳng có gì, bỏ qua đi Tám”.

Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi, chắc chắn tôi sẽ không bỏ sót một giây phút nào trong ngày sống nhưng sẽ tận hưởng từng khoảnh khắc trọn vẹn của ngày sống từ lúc ánh dương bắt đầu ló dạng cho đến khi ánh trăng bàng bạc khuất hẳn sau những đám mây.

Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi, chắc chắn tôi sẽ đi đến với những người thân yêu, những người bạn, những người tôi quen biết để nói với họ một lời yêu thương, một lời xin lỗi, một lời cám ơn mà bao lâu nay tôi vẫn giữ kín trong lòng, chờ dịp được thổ lộ.

Khi ta lớn, ta thường hay hối tiếc về những khoảng thời gian đã qua. Và tới một lúc nào đó ta chợt nhận ra ta còn nợ những người thân yêu của ta bao điều mà lẽ ra ta đã phải làm cho họ. Hồi tưởng về quá khứ, ta thường hay tự nhủ : “giá như mà…”. Giá như lúc đó tôi đã không lớn tiếng và biết lắng nghe hơn một chút. Giá như tôi đã có thể dành nhiều thời gian cho những người thân yêu của tôi thay vì vùi đầu vào công việc. Giá như tôi có thể quay ngược thời gian để bắt đầu lại. Giá như và giá như…

Người ta chỉ làm tốt nhất vai trò của mình khi đó là lần đầu tiên, duy nhất và cuối cùng trong đời. Và nếu ta sống và hành động như thể ngày mai ta sẽ chết thì chắc hẳn ai trong chúng ta cũng sẽ sống hết tình, sẽ yêu thương hết mình, sẽ hiến thân hết sức để sau này không phải hối tiếc thốt lên hai chữ “giá mà” khi nhắm mắt xuôi tay.

Vì cái chết là mẫu số chung của mỗi người. Do đó điều quan trọng không phải là ta chết làm sao nhưng là ta đã sống thế nào. Ta vẫn thường thấy trong cuộc sống nhiều người đã qua đời nhưng họ vẫn sống mãi trong lòng những người đang sống. Ngược lại, có những người đang sống mà đối với người khác họ như thể đã chết tự bao giờ. Có lẽ ai trong chúng ta cũng đã quen thuộc với câu nói nổi tiếng: “khi sinh ra bạn khóc mọi người cười, hãy sống sao cho khi bạn qua đời, bạn cười còn mọi người sẽ khóc”. Tôi thiết nghĩ sống như thể chỉ còn một ngày để sống là cách tốt nhất giúp ta sống tốt cuộc sống của mình.

Suy tư về cuộc đời và về sự chết, nhạc sĩ Hoài An trong ca khúc “Nếu chỉ còn một ngày để sống đã viết lên những lời ca rất ý nghĩa và đáng để ta phải suy nghĩa cho cuộc hành trình của cuộc đời ta:

Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta trả ơn cuộc đời?

Làm sao ta đền đáp bao người nâng ta lên qua bước đời chênh vênh?

Nếu chỉ còn một ngày để sống, làm sao ta chuộc hết lỗi lầm?

Làm sao ta thanh thản tâm hồn, xuôi đôi tay đi giữa hừng đông?

 

Nếu chỉ còn một ngày để sống, muộn màng không lời hối lỗi chân thành?

Buồn vì ai? Ta làm ai buồn? Xin bao dung tha thứ vì nhau.

Nếu chỉ còn một ngày để sống, chợt nhận ra cuộc đời quá đẹp!

Phải chăng ta có lúc vội vàng, nên ra đi chưa được bình an?

Tháng Mười Một, tháng cầu nguyện cho những người thân yêu đã qua đời, đồng thời là lời mời gọi, lời nhắn nhủ đối với những người đang sống:

Hãy sống như chỉ còn một ngày để sống,

Hãy yêu như mai sẽ cách xa,

Hãy thực hiện mơ ước như thể đó là cơ hội cuối trong đời.

Mỗi người chúng ta thường tự nhủ ngày mai ta sẽ làm điều này điều nọ. Ít ai tự hỏi sao ta không bắt đầu ngay hôm nay vì biết đâu ngày mai sẽ không bao giờ đến ?

“Nếu biết trăm năm là hữu hạn,

Cớ gì ta không sống thật sâu…”?!

Phêrô Nguyễn Minh Nguyên –  K6 ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.