NHÀ LÀ NƠI…

No place like home.

Từ “nhà” trong tiếng việt mang nhiều ý nghĩa. Một trong những ý nghĩa của từ “nhà” là chỉ về gia đình. Người Việt Nam thường gọi gia đình mình là nhà.

Nếu được hỏi đâu là kỷ niệm thân thương nhất lưu giữ trong ký ức mỗi người, hẳn ai trong chúng ta cũng nghĩ đó là kỷ niệm về gia đình, về một mái nhà nơi đó có ông bà, cha mẹ, anh chị em. Trong tâm tưởng nhiều người, nhà vẫn luôn là chốn bình yên, ấm áp mà ta luôn nghĩ về dù ta có ở đâu và đi bất cứ nơi đâu.

Thông thường ngôi nhà mà chúng ta nghĩ về đó là ngôi nhà đầy ắp tiếng cười, niềm vui, tình yêu và hạnh phúc. Đó là nơi ta trải qua một thời “trẻ trâu”, một thời thơ ấu êm đềm với biết bao kỷ niệm thân thương, đáng nhớ.

Thế nhưng còn có một góc khuất khác của gia đình ít được nhìn tới, đó là những mảng tối của gia đình. Trong cuộc sống không phải ai cũng may mắn được sinh ra trong một gia đình ấm êm, hạnh phúc. Vì thế, không phải ai cũng có những tình cảm tốt đẹp, những ký ức khó phai về một gia đình êm ấm, về nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Nhà ghi khắc trong tâm hồn họ không phải là nơi chỉ có tiếng cười nhưng là nơi đầy tiếng cãi vã. Nhà chẳng phải là nơi đầy ắp yêu thương, ngập tràn hạnh phúc nhưng là nơi chất chứa nhiều sự cay đắng, ích kỷ. Nhà không phải là nơi vun đắp tình yêu, nhưng là nơi đã để lại trong cuộc đời họ nhiều vết thương lòng, đã ăn sâu theo thời gian và mỗi khi nghĩ lại, vết thương như vẫn còn rỉ máu. Đối với họ, nhà không phải là nơi “vương vấn bước chân ra đi và ấm áp trái tim quay về” nhưng là nơi họ muốn ra đi mãi mãi.

Nhìn những mảng tối phủ bóng trên gia đình, tôi nhớ đến một câu nói ai đó đã từng chia sẻ: “bình yên là khi được ra khỏi nhà”. Có lẽ chúng ta cảm nhận được phần nào vị đắng trong lời tâm sự của người bạn này. Khi nhà không thật sự là chốn bình yên thì người ta phải đi tìm bình yên nơi khác. Bình yên là khi được ra khỏi nhà.

Trong những cái có và cái không của cuộc đời, một điều như là một định mệnh đã gắn liền với con người, đó là ta không được chọn cho mình gia đình và cha mẹ sinh ra ta. Và sẽ còn đau khổ hơn nữa khi ta phải gắn bó cả đời với gia đình nếu đó là một gia đình không hạnh phúc. Người ta có đủ lý do để than trách về bản thân cũng như gia đình mà nơi đó họ được sinh ra. Và đôi khi chúng ta chỉ biết nín lặng trước những hoàn cảnh như vậy vì mọi lời nói đều sẽ trở nên dư thừa, vô nghĩa.

Khi xuống thế làm người, Con Thiên Chúa đã chọn sinh ra trong một gia đình. Vì là Thiên Chúa nên Ngài có toàn quyền và tự do chọn bất cứ gia đình nào Ngài muốn. Thế nhưng, điều thật đặc biệt và cũng ít ai ngờ tới, đó là Ngài chọn cho mình được sinh ra trong một gia đình nghèo, một gia đình rất bình thường nếu không nói là tầm thường. Và có lẽ chính việc chọn sinh ra trong một gia đình như vậy đã trở nên cớ vấp ngã cho nhiều người. Họ không thể tưởng tượng được một Thiên Chúa mà lại sinh ra trong một gia đình nghèo nàn như thế. Thiên Chúa có quyền và tự do để chọn cho mình một gia đình quyền thế, dòng dõi quý tộc. Thiên Chúa hoàn toàn tự do để chọn cho mình một gia đình giàu sang với bố mẹ là “đại gia”. Ngài cũng hoàn toàn có thể chọn cha mẹ mình là những nhân vật nổi tiếng được nhiều người biết tới. Nhưng hoàn toàn ngược lại, Con Thiên Chúa chọn cho mình chỗ thấp nhất, một gia đình nghèo khó, vất vả như bao gia đình khác.

Khi nhìn về gia đình Nazaret nơi Con Thiên Chúa hạ sinh, ta cũng có thể đặt ra những câu hỏi tương tự như những câu hỏi ta đặt cho gia đình mỗi chúng ta. Vì sao Con Thiên Chúa không sinh ra trong một gia đình quyền thế, giàu có, nổi tiếng mà lại chọn một mái ấm rất đỗi bình thường? Và chính khi đặt câu hỏi như vậy với Chúa, ta tìm được cho mình câu trả lời. Câu trả lời duy nhất và ngắn nhất đó là tình yêu. Tình yêu cốt ở tại việc dám cho đi chính mình, dám chấp nhận đồng phận với người mình yêu, dám cúi xuống thật thấp đến độ hòa mình với người khác mới là tình yêu đích thực. Chỉ khi sinh ra trong một gia đình nghèo khó thì Chúa mới hiểu và cảm nhận được nỗi đau, nỗi khốn khổ của những con người cùng cảnh ngộ. Và lời yêu thương gởi đến lúc này không chỉ là lời nói suông nhưng là tình yêu chân thật phát xuất từ trái tim.

Chính nhờ việc chiêm ngắm gia đình Nazaret mà ta hiểu ý nghĩa về “nhà” hơn. Khi ta cảm thấy đau khổ vì định mệnh khắc nghiệt buộc ta sinh ra trong một gia đình mà ta không có quyền chọn lựa, thì ta cũng thấy chính Thiên Chúa, đầy quyền năng và tự do, lại tự nguyện sinh ra trong một gia đình giống như ta. Và có lẽ khi xuống thế làm người, Thiên Chúa cũng gởi trao một sứ điệp về ý nghĩa gia đình cho con người.

Thông thường ta chỉ dừng lại ở bề nổi của vấn đề là thấy nhà mình hạnh phúc hay không hạnh phúc mà ta quên đi yếu tố làm nên hạnh phúc cho ngôi nhà. Trong tiếng Anh người ta phân biệt hai từ “house” và “home”. “House” nói về ngôi nhà vật chất, “home” nói đến những con người sống trong ngôi nhà đó. Nói theo ngôn ngữ hiện đại “house” là phần cứng, “home” là phần mềm. “House” là lớp vỏ, “home” là cốt lõi. Khi nhìn hai khía cạnh như vậy ta sẽ hiểu và cảm thông vì sao có những người dù sống trong ngôi nhà (house) mà cảm thấy như mình không thuộc về gia đình đó (home). Đối với nhiều người “house” không đồng nghĩa với “home”. Thực ra, hạnh phúc của một gia đình không hệ tại ở phần cứng, nhưng hệ tại ở phần mềm. Nhà chỉ thật sự là nơi hạnh phúc khi được liên kết bởi sợi dây tình yêu. “House” chỉ thật sự trở thành “home” khi những viên gạch, những bao xi măng, cột nhà, kèo nhà, mái nhà, cửa nhà, tường nhà… được gắn kết bằng tình yêu. Nếu không thì ngôi nhà chỉ là ngôi nhà không hơn không kém.  

Như vậy khi chọn sinh ra trong một gia đình cũng bình thường, khó khăn vất vả, phải mưu sinh như bao gia đình khác, Thiên Chúa gởi một sứ điệp cho mỗi người chúng ta: hãy là gạch nối, là tình yêu để kiến tạo nên hạnh phúc gia đình. Hạnh phúc gia đình không tự nhiên mà có nhưng là sự đóng góp và xây dựng của mỗi thành viên trong gia đình. Mọi gia đình, dù hoàn cảnh khác nhau, nhưng nếu mỗi người trong gia đình là sợi dây nối kết tình yêu thì gia đình sẽ hạnh phúc và điều đó làm nên ngôi nhà đích thực.

Chúng ta thường tự hỏi vì sao tôi không được tự do lựa chọn cha mẹ và gia đình khi tôi sinh ra? Nhưng có một điều mà ít ai trong chúng ta nghĩ tới, đó là, theo dòng thời gian, ta sẽ lớn lên và sẽ làm nên một gia đình mới. Rồi đây những trăn trở của chúng ta hôm nay sẽ là những trăn trở của con cái chúng ta khi chúng được sinh ra. Con cái chúng ta cũng sẽ đặt những câu hỏi tương tự như thế cho chúng ta và có lẽ những câu hỏi đó sẽ còn được đặt ra mãi mãi. Nghĩ như vậy ta sẽ thấy vấn đề mình được sinh ra trong một gia đình như thế nào không là điều quan trọng, nhưng điều quan trọng là ta phải làm gì để “ngôi nhà” ta sống trở nên “gia đình” đúng nghĩa của nó. Và như thế bình yên không phải là ra đi nhưng là được ở trong nhà mình.

Tôi rất thích một câu hát trong một bài hát viết về cha mẹ của nhạc sĩ Phanxicô: “Ai qua là bao chốn xa, thấy đâu vui cho bằng mái nhà”. Trong cuộc sống có nhiều lý do để một người rời xa ngôi nhà của mình, nhưng có lẽ một ngày nào đó ai trong chúng ta cũng sẽ cảm nhận được lời hát trên. Và dù biết rằng vẫn còn những mái ấm không ấm, ta vẫn có thể xác quyết một điều : “No place like home” – chẳng nơi đâu bằng nhà.

FAMILY = FATHER AND MOTHER, I LOVE YOU !

Phêrô Minh Nguyên – K6 ĐCV Xuân Lộc

Comments are closed.