[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 10, 7-15″]
Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy. Đừng kiếm vàng bạc hay tiền giắt lưng. Đi đường, đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy. Vì thợ thì đáng được nuôi ăn. Khi anh em vào bất cứ thành nào hay làng nào, thì hãy dò hỏi xem ở đó ai là người xứng đáng, và hãy ở lại đó cho đến lúc ra đi. Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy. Nếu nhà ấy xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ đến với họ; còn nếu nhà ấy không xứng đáng, thì bình an của anh em sẽ trở về với anh em. Nếu người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi nhà hay thành ấy, anh em hãy giũ bụi chân lại. Thầy bảo thật anh em, trong Ngày phán xét, đất Xơđôm và Gômôra còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
NGUYÊN LÝ CỦA NƯỚC
“Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần” (Mt 10,7).
Trình thuật Tin Mừng hôm nay, nằm trong loạt bài giảng của Chúa Giêsu về “Sứ mạng truyền giáo” của người môn đệ. Cụ thể, với trình thuật này, Chúa Giêsu vạch ra cho người môn đệ nhiều điều cần lưu ý về hành trang đi đường, cũng như cách thức tương quan với mọi người trên đường. Tuy nhiên, những lời dặn dò tâm tình của Chúa Giêsu hẳn làm cho người môn đệ thật khó hiểu: làm sao có thể đi một hành trình dài mà lại không có “vàng bạc hay tiền giắt lưng”? Làm sao có thể chịu nổi khi đi đường mà lại “đừng mang bao bị, đừng mặc hai áo, đừng đi dép hay cầm gậy”?… Còn nhiều lắm những hoang mang của người môn đệ trước những đòi hỏi của Chúa Giêsu. Vậy chúng ta hãy dừng lại, đọc chậm rãi thật kỹ những lời của Chúa Giêsu để khám phá ra trong đó sứ điệp cốt lõi cho sứ vụ truyền giáo của người môn đệ.
Đầu tiên, về hành trang đi đường, Lời Chúa khiến chúng ta phải đặt vấn đề về “thang giá trị” của mối bận tâm của chúng ta trên hành trình truyền giáo. Theo lẽ thường, chúng ta thường bận tâm về những cái bên ngoài như chi phí cho các hoạt động, cơ sở vật chất có đầy đủ không…. Quả thật, những bận tâm ấy là cần nhưng không phải là điều cốt lõi. Một khi chúng ta quá chú ý đến những điều tuỳ phụ chúng ta sẽ bỏ quên, hay có khi nhầm lẫn “thang giá trị” với điều cốt lõi. Vậy điều cốt lõi ấy là gì nếu không phải là Sứ điệp – “Dọc đường anh em hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần”; tiếp đến là Lòng trắc ẩn – “Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người mắc bệnh phong được sạch, và khử trừ ma quỷ.”; và cuối cùng là thái độ Trao ban của những người đã được lãnh nhận – “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10,7.8).
Ngoài ra, trình thuật Tin Mừng còn hướng người môn đệ đến thái độ tiếp nhận sứ mạng truyền giáo theo “Nguyên lý của nước”. Chiêm ngắm “Nước”, chúng ta gẫm ra bài học uyển chuyển và thích nghi. Quả thật, “Nước” không có hình, luôn yên tĩnh, phẳng lặng, êm ái nhưng nó luồn qua mọi ngóc ngách, chảy qua mọi nơi. Do vậy nước “ở ống thì dài, ở bầu thì tròn”. Như thế, người môn đệ truyền giáo cần học thích nghi với môi trường, nghĩa là thích nghi với những khó khăn, vất vả ở những nơi chúng ta được sai đến, để có thể sống tinh thần phó thác, tin tưởng và cậy trông vào sự quan phòng của Chúa. Đây cũng là một cách làm chứng rất cụ thể cho mọi người xung quanh về niềm tin vào một Thiên Chúa quan phòng.
Lạy Chúa Giêsu, ngay từ buổi đầu Chúa đã trao cho các tông đồ sứ mạng Loan Báo Tin Mừng, để đến hôm nay và mãi mãi sứ mạng này làm nên bản chất của Giáo Hội. Xin cho chúng con được thấm nhuần tinh thần truyền giáo mà Chúa dạy cho các môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay. Ngõ hầu, chúng con ra đi với lòng tin tưởng và phó thác, với khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh chỉ vì để Tin Mừng được loan báo và danh Chúa được hiển vinh. Amen.
[/loichua]