NIỀM VUI VÀ ƯU TƯ CỦA NGƯỜI DI DÂN XA XỨ

Cảm nhận mục vụ tháng 04-2024

NIỀM VUI VÀ ƯU TƯ CỦA NGƯỜI DI DÂN XA XỨ

Tôi là một người con được sinh ra và lớn lên tại mảnh đất quê hương Đồng Nai, thuộc Giáo phận Xuân Lộc. Mảnh đất được xem như là một trong những vùng “chảy sữa và mật” của Việt Nam. Vùng đất này thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, nên hằng năm thu hút rất nhiều lao động khắp cả nước đến đây, có cả người Công Giáo và ngoài Công Giáo. Bản thân tôi cũng đã quen với hình ảnh người di dân từ nhỏ. Gần đây, trong những lần được tiếp xúc và những buổi chia sẻ mục vụ về thăm hỏi di dân, tôi lại càng có thêm cơ hội cảm nghiệm về niềm vui cũng như những ưu tư của họ về đời sống đức tin lẫn cơm áo gạo tiền.

Vùng đất Đồng Nai đã chứng kiến các cuộc đại di dân từ những biến cố lớn của đất nước, như các năm 1954, 1972, sau 1975. Phần lớn những người di dân trong giai đoạn đó đã ổn định cuộc sống tại vùng đất thuộc Đông Nam Bộ này. Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn có nhiều anh chị em hằng ngày vẫn đang di dân tới đây với hy vọng tìm kiếm một cuộc sống tốt hơn. Niềm vui và hạnh phúc lớn nhất của họ có lẽ là tìm được một điểm đến như mong muốn, công việc ổn định, nơi ở an toàn, và được chăm sóc cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần. 

Niềm vui của người di dân xa quê đến với vùng đất Đồng Nai, Giáo phận Xuân Lộc

Nghe thoáng qua, chúng ta có thể lấy làm lạ vì đâu ai vui khi phải xa quê hương, gia đình. Tuy nhiên, niềm vui này chúng ta có thể hiểu trong phạm vi đó là sự trưởng thành, sự thành công, những kinh nghiệm sống, và cả những điều nhận được từ cộng đoàn tín hữu Giáo phận Xuân Lộc. Xa quê hương đến với vùng đất mới, ít nhất anh chị em di dân cũng mang trong mình sự trưởng thành về mặt suy nghĩ, định hướng và bản lĩnh vì phải đối diện với biết bao khó khăn, thử thách. Có nhiều người đã vượt lên và gặt hái được những thành công nhất định. Hay cũng có những người học được những kinh nghiệm sống quý giá. Đặc biệt, các anh chị em di dân cũng rất được Giáo phận quan tâm. Điều này làm cho không ít người sống xa quê cảm thấy niềm vui và được nâng đỡ nhiều.

Niềm vui của những anh chị em di dân vì được cộng đoàn giáo xứ nâng đỡ về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Khi những người di dân Công Giáo đến với Giáo phận Xuân Lộc làm ăn họ được tham gia vào các sinh hoạt của giáo xứ. Điều này làm cho họ cảm thấy được nâng đỡ về đời sống đức tin. Bên cạnh đó, họ cũng có cảm giác gần gũi, bớt đi nỗi cô đơn, lẻ loi khi xa nhà. Đặc biệt đại dịch Covid-19 vừa qua, nhiều người nhận được sự tương trợ của cha xứ và những người tín hữu địa phương. Điều này an ủi phần nào những lo lắng trong lòng của những anh chị em di dân. Một cảm nhận chung của các anh chị em di dân là sự quan tâm của cộng đoàn giáo xứ dành cho họ. Họ bình an hơn khi cảm nhận rằng luôn có Chúa ở với họ qua sự quan tâm chăm sóc đó.

Niềm khát khao của những người con xa quê là được trở về với gia đình

Những lần tôi được tiếp xúc với những người Công Giáo lẫn ngoài Công Giáo di dân xa quê. Tôi cảm nghiệm được nơi họ niềm khao khát được trở về với gia đình ở quê, nơi mình đã ra đi. Có những anh chị em, vì hoàn cảnh sống chưa đảm bảo, khi ra đi phải để cha mẹ, hay gửi con cái lại ở quê, nên nỗi nhớ vì xa những người thân yêu trong gia đình là một điều có thể dễ hiểu. Có người đã rơi nước mắt vì nỗi nhớ da diết những người thân ở quê nhà. Con xa cha mẹ, anh em xa nhau, đó là tâm trạng buồn tủi của những người con di dân xa xứ. Chính vì thế, việc về với gia đình luôn là nỗi ước mong lớn với họ. Tuy nhiên, gánh nặng cuộc sống cản trở nhiều đến ước mong đó. 

Cuộc sống vất vả của người di dân bởi gánh nặng cuộc sống bủa vây. Đời sống của những anh chị em di dân vốn đã vất vả, lại càng khốn đốn hơn khi thời kỳ suy thoái kinh tế hậu Covid-19 kéo dài. Có nhiều người bị mất việc làm, không có đủ tiền để lo cho cuộc sống của chính mình, huống chi là gửi về nhà. Sự bế tắc trong cuộc sống là một cảm nhận chung của những anh chị em di dân trong thời gian vừa qua. Những khó khăn đó phải kể như tiền nhà, chi phí sinh hoạt, tiền lo cho con cái, cha mẹ… Tất cả làm nên một bức tranh không mấy tươi sáng với chính họ. Một số người phải chấp nhận cảnh có gì ăn nấy, không có thì nhịn bớt bữa để tiết kiệm những đồng tiền ít ỏi gửi về quê. 

Khó khăn về đời sống đức tin của anh chị em di dân

Việc đến một vùng đất mới, làm cho người di dân dễ có cảm giác tự thu mình lại, cộng với gánh nặng phải lo về đời sống sinh hoạt hằng ngày càng dễ làm cho họ xa rời đời sống đức tin. Một số người di dân Công Giáo bỏ đi lễ ngày Chúa Nhật vì công việc quá nhiều, hay một phần nhỏ là do sự ươn lười của bản thân. Họ dường như quên mất đi sự hiện diện và đồng hành của Chúa trong cuộc đời của họ. Điều này dễ làm cho họ càng ngày càng xa rời Chúa và mất đi đời sống đức tin. Ngược lại, nhiều anh chị em di dân khác vẫn chu toàn các bổn phận của người Công Giáo. Họ bám vào Chúa và tìm sự ủi an nơi Ngài.

Xen lẫn những niềm vui là biết bao nỗi ưu tư mà anh chị em di dân đang gặp phải. Ước chi mỗi người trong họ đều cảm nhận thấy niềm vui bởi có sự đồng hành của Chúa, dùng niềm vui đó lấp đi những khoảng trống khó khăn. Hãy đến với Chúa, vì Chúa Giêsu đã nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11,28).

 

                                                                                    Giuse Bùi Quang Thiện – Thần học I

Comments are closed.