Lời Chúa Thứ Năm Tuần II-TN, 18-01-2024 Ngày I trong Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất Mc 3, 7-12  “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài có sự đụng chạm chữa lành”

LECTIO DIVINA

Thứ Năm Tuần II-TN, 18-01-2024

Ngày I trong Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất

Mc 3, 7-12

 Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài có sự đụng chạm chữa lành

1.LECTIO

Các thần ô uế kêu lên : ‘Ông là Con Thiên Chúa !’ nhưng Chúa Giêsu cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai

Tin Mừng hôm nay (Mc 3, 7-12) cho biết, rất đông người tìm kiếm Chúa Giêsu. Những kẻ đổ xô đến với Chúa không chỉ đến từ xứ Galilê, mà còn từ xứ Giuđê và các vùng biên giới ở phía nam (Idumea), phía đông (Transjordan) và phía bắc (Tyrô và Siđôn). Gây áp lực lên Chúa Giêsu, họ khao khát được chữa lành. Thật vậy, với “cái chạm” của Chúa, Chúa đã chữa lành người có bàn tay khô bại, làm cho người bại liệt đi lại và tha thứ tội lỗi của người ấy, chữa bệnh sốt cho bà mẹ vợ của Simon, giải thoát người bị quỷ ám và tẩy sạch người phong cùi. Chúa Giêsu đã chữa cho biết bao nhiêu người đau ốm.

Vẫn có năng lực trong sự đụng chạm của Chúa Giêsu. Người bệnh tật và người túng thiếu, qua thời gian và không gian, sẽ tiếp tục tìm kiếm Chúa Giêsu và khao khát được Ngài chạm vào, vì tất cả những ai chạm vào Ngài đều được khỏe mạnh.

2.MEDITATIO
Tôi có tìm kiếm Chúa Giêsu và khao khát được “chạm vào” Ngài không ?
Làm thế nào để tôi sống đức tin vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu ? Đức tin đó có giúp tôi vượt qua nỗi sợ hãi không ?
Để xua đuổi hoặc trục xuất ma quỷ, tôi làm gì để hóa giải sức mạnh của ma quỷ trong cuộc sống của tôi ?
3.ORATIO

Lạy Chúa Giêsu, sự đụng chạm của Chúa chữa lành và quyền năng của Chúa xua đuổi sự dữ vẫn đe dọa chúng con. Chúa luôn hiện diện vì chúng con. Chúng con xin đưa tay ra để chạm vào Chúa và xin Chúa để cho chúng con được chạm vào Chúa. Chúng con ca ngợi và chúc tụng Chúa vì Chúa là Đấng Cứu Độ của chúng con, bây giờ và mãi mãi. Amen.

4.CONTEMPLATIO

Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người

5.ACTIO
Bằng hành động chăm sóc và bác ái đối với những người bệnh tật và những người bị gạt ra bên lề, tôi để cho sự đụng chạm chữa lành của Chúa Giêsu đến được với họ. Tôi quyết là một người bạn tốt của họ.
Sống Ngày I trong Tuần lễ Cầu cho các Kitô hữu hợp nhất, tôi thực hành lời dạy này của ĐTC Bênêđictô XVI : “Đặc tính công giáo có nghĩa là phổ quát, – sự đa biệt trở thành sự hiệp nhất; và sự hiệp nhất vẫn còn là sự đa biệt. Từ Lời của Thánh Phaolô về đặc tính phổ quát của Giáo Hội, chúng ta đã được nhìn thấy truớc rằng: cùng thuộc về sự hiệp nhất nầy, là khả năng của các dân tộc vượt qua được chính mình, để nhìn về Thiên Chúa duy nhất. Thánh Irênê thành Ly-on, vị sáng lập thật sự của nền thần học công giáo, đã diễn tả mối dây liên hệ giữa đặc tính công giáo phổ quát và sự hiệp nhất, một cách tốt đẹp như sau: Giáo Lý nầy, đức tin nầy đuợc Giáo Hội trên khắp thế giới gìn giữ kỹ lưỡng, dường như thể kết thành một gia đình duy nhất: chính một đức tin, cùng với một tâm hồn, cùng một lời rao giảng, cùng một giáo huấn, cùng một truyền thống, dường như thể phát xuất từ cùng một môi miệng. Những ngôn ngữ của các vùng trên thế giới là thật khác nhau, nhưng sức mạnh của truyền thống là duy nhất và như nhau. Những cộng đoàn giáo hội tại Đức không có một đức tin hay truyền thống khác; cũng giống như vậy những giáo hội địa phương tại Tây Ban Nha, tại Pháp, tại Ai Cập, tại Lybia, tại Đông Phương, tại trung tâm mặt đất; cũng như mặt trời, tạo vật của Thiên Chúa, là duy nhất và giống y như vậy trên khắp mọi nơi, thì cũng thế ánh sáng của lời giảng chân thật chiếu sáng khắp nơi và soi sáng cho tất cả mọi người muốn biết được sự thật” (Adv. haereses, I, 10, 2)” (ĐTC Bênêđictô XVI, Bài giảng Lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ, 29.6.2005).

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.