Thứ Sáu Tuần XXXI Thường Niên – Ngày 10/11/2023

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 16, 1-8″]

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: Một người phú hộ kia có một người quản lý; và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: “Tôi nghe nói anh sao đó. Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay anh không thể làm quản lý nữa”. Người quản lý thầm nghĩ rằng: “Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào để khi mất chức quản lý thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ”.

Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: “Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?” Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu”. Anh bảo người ấy rằng: “Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại năm mươi”. Rồi anh hỏi người khác rằng: “Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?” Người ấy đáp: “Một trăm giạ lúa miến”. Anh bảo người ấy rằng: “Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi”. “Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này, khi đối xử với đồng loại, thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

NGƯỜI QUẢN GIA CỦA CHÚA

.

Theo truyền thống của người Do Thái, người quản gia được trao khá nhiều quyền trong việc quản lý nhà cửa, tài sản, gia nhân và công việc làm ăn của ông chủ. Người quản gia được ông chủ tín nhiệm, nên hiệu quả công việc quản lý gia sản của chủ phụ thuộc rất nhiều vào người quản gia. Người này thường có tài xoay sở và sắp xếp công việc cách khôn khéo, biết tính toán trước sau để đạt được kết quả tốt nhất. Càng biết cách quản lý thật tốt mọi việc trong nhà ông chủ, người quản gia càng được ông chủ tin tưởng trao trách nhiệm lâu dài, thậm chí trao thêm nhiều trọng trách. Tuy nhiên, người quản gia trong bài Tin Mừng đã dùng thẩm quyền và sự tín nhiệm mà ông chủ đặt nơi mình, để làm những chuyện bất lương, gây thiệt hại cho ông chủ và dẫn đến hậu quả anh bị cắt chức.

Người quản gia sau khi bị thông báo cắt chức, việc làm của anh là bớt nợ cho người này, giảm lãi cho người kia với mong muốn sẽ được họ đền đáp ơn nghĩa sau khi bị mất chức quản gia. Dù hành động của anh được ông chủ khen là khôn khéo nghĩa là biết tính toán, và dự liệu cho tương lai, nhưng anh vẫn bị ông chủ gọi là tên quản gia bất lương. Hành động của anh có thể được lợi tạm thời cho con nợ, được họ tung hô và biết ơn trước mắt, nhưng liệu họ có tin tưởng và muốn giúp đỡ lâu dài chăng?. Có lẽ, không ai muốn duy trì mối liên hệ hay chứa chấp một kẻ lươn lẹo và bất chính như thế. Do vậy, lời khen của ông chủ không hề là một lời khuyến khích cho hành động bất lương của anh. Dù khôn khéo đến mức nào thì sự khéo léo đó vẫn chỉ là hành động gian dối, lấy lòng cách giả tạo. Sự khéo léo của anh chỉ là kiểu tính toán vụ lợi, không phát xuất từ tấm lòng trong sáng, ngay thẳng nên anh thuộc vào số đối nghịch với con cái ánh sáng. Vì thế, dù được xem là khôn khéo hơn con cái ánh sáng, nhưng cách hành xử của anh cũng chỉ là tính toán, vụ lợi của con cái đời này, con cái của bóng tối.

Điều mà ông chủ là Thiên Chúa mong đợi, không chỉ là một người quản gia khôn khéo và biết lo liệu, mà còn cần có sự trung tín đối với Người. Khôn ngoan, khéo léo chưa đủ, bởi người ta có thể sử dụng khôn ngoan và khéo léo của mình mà làm những điều bất chính, để vụ lợi cho mình như người quản gia trong Tin Mừng. Chúa cần nơi người quản gia sự trung tín, để không chỉ khéo léo làm lợi, mà còn hướng những cái lợi đó về phía ông chủ, những cái lợi theo tiêu chuẩn của ông chủ, những cái lợi của con cái ánh sáng, cái lợi không bất lương, bất chính, và bất công. Vì thế, phẩm chất của người quản gia mà ông chủ chờ đợi là vừa khôn ngoan trong công việc và trong cách ứng xử với người khác, vừa trung tín với chủ, để biết dùng tài khéo của mình mà làm lợi cho chủ, qua đó, cũng làm lợi cho chính bản thân một cách vững bền, chứ không chỉ chạy theo cái lợi trước mắt mà đánh mất cái lợi lâu bền. Tác giả Thánh Vịnh khẳng định rằng: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan, sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy, mãi đến thiên thu còn nghe tiếng ngợi khen Người” (Tv 111, 10). Người quản gia thực sự khôn ngoan là người biết đặt lòng kính sợ Thiên Chúa lên hàng đầu và dùng sự khéo léo của mình để làm những điều phù hợp với tiêu chuẩn của Thiên Chúa.

Mỗi người chúng ta đều là những quản gia của Thiên Chúa theo một bình diện nào đó, làm chủ thời gian, các tài năng, sức khỏe, tiền bạc…Chúa chờ đợi nơi chúng ta sự khôn khéo, để biết dùng tất cả mọi khả năng, sự nhiệt thành, tình yêu thương để quản lý thật tốt những gì Người trao cho chúng ta. Đồng thời, Chúa cũng chờ đợi nơi chúng ta sự trung tín để không chỉ biết làm lợi mà còn hướng những điều lợi đó theo những tiêu chuẩn của Thiên Chúa. Làm lợi theo ý muốn của Thiên Chúa là điều đẹp lòng Người.

Lạy Chúa, xin Chúa soi sáng chúng con, để chúng con biết dùng thời giờ, khả năng, sức khỏe, của cải, tình thương, lòng bao dung, sự tốt lành, sự khôn ngoan mà khéo léo làm lợi cho Chúa bằng cách hướng đến những giá trị Tin Mừng, để trở nên những người con của sự sáng, bảo đảm cho chúng con có một cuộc sống an bình và thanh thản ở đời này, cũng như một tương lai vững chắc và viên mãn trong Nước Trời mai sau. Amen

[/loichua]

Comments are closed.