CẢM NHẬN MỤC VỤ THÁNG 10
Mục vụ là một trong bốn chiều kích mà chủng sinh được đào tạo trong Đại Chủng Viện bên cạnh nhân bản, thiêng liêng và trí thức. Mỗi lớp, từ Triết học I đến Thần học IV, được sắp xếp để thực hiện những mảng mục vụ khác nhau: lớp Triết học I, năm đầu tiên, học kỹ năng mục vụ; lớp Triết học II với mảng mục vụ người nghèo; lớp Triết học III với mảng mục vụ giới trẻ, thiếu nhi; lớp Thần học I với mảng mục vụ di dân; lớp Thần học II với mảng mục vụ ơn gọi; lớp Thần học III với mảng mục vụ sinh viên, tân tòng và lớp Thần học IV với mảng mục vụ truyền giáo. Và năm nay, chúng tôi, lớp Thần học I, thực hiện mảng mục vụ di dân. Hoạt động chính của chúng tôi là đi thăm những người già, bệnh, cô đơn ở các giáo xứ. Sau những lần đi thăm hỏi, chúng tôi thấy có ba hình ảnh làm chúng tôi chú ý hơn cả, đó là hình ảnh quý hiền mẫu trong hội Legio, hình ảnh những người già, người bệnh và hình ảnh Cha xứ.
Hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi muốn nói đến đầu tiên ở đây là hình ảnh quý hiền mẫu trong hội Legio, những người dẫn chúng tôi đến thăm các gia đình. Có hai điều nơi các mẹ làm chúng tôi chú ý. Điều thứ nhất là sự gần gũi, thân tình trong sự tôn trọng của các mẹ. Mỗi lần gặp gỡ, các mẹ luôn nở nụ cười với chúng tôi. Không những vậy, các mẹ, khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình mình, cởi mở kể cách thân tình. Tuy vậy, các mẹ cũng rất tôn trọng chúng tôi. Các mẹ gọi chúng tôi là thầy, xưng mình là con và giữ thái độ lịch thiệp. Điều thứ hai nơi các mẹ làm chúng tôi chú ý là lòng nhiệt thành trong hoạt động tông đồ. Các mẹ sẵn lòng hy sinh thời gian của mình – buổi sáng ngày Chúa nhật, thời gian cuối tuần các mẹ có thể nghỉ ở nhà sau một tuần – để thực hiện hoạt động tông đồ, đi thăm các gia đình có người già, người bệnh. Có thể nói, chắc phải có lòng mến Chúa nhiều và yêu người nhiều các mẹ mới có thể từ bỏ đi một phần lợi ích của bản thân mà các mẹ có thể có để làm theo điều Chúa muốn, đến với anh chị em xung quanh có hoàn cảnh gặp khó khăn…
Hình ảnh thứ hai làm chúng tôi chú ý là hình ảnh những người già, người bệnh. Qua những lần gặp gỡ, chúng tôi thấy họ là những người có lòng tin vào Chúa. Lòng tin đó được thể hiện qua sự nhiệt thành trong hoạt động của giáo xứ. Có người phục vụ giáo xứ nhiều nhiệm kỳ trong Ban trị sự các đoàn thể hoặc Ban điều hành các Giáo họ và Ban Hành Giáo của Giáo xứ. Họ cũng có ý định xin nghỉ để cho người khác làm nhưng giáo dân tín nhiệm bỏ phiếu muốn họ làm tiếp. Có thể nói, họ là những người được việc, được lòng dân, và đặc biệt chắc hẳn phải có lòng tin mạnh mới được người khác tin tưởng, mới có thể phục vụ cách nhiệt thành cho giáo xứ. Bên cạnh đó, qua hình ảnh của những người già, người bệnh, chúng con thấy con người có giới hạn. Ai nấy đều đến lúc già. Và cái chết là một điều không ai tránh khỏi. Ý thức về điều đó, chúng con thấy mình cần khiêm tốn hơn, tin tưởng vào Chúa nhiều hơn. Chỉ có Chúa mới có thể làm được mọi sự[1], chỉ có Chúa mới là Đấng đem lại sự sống vĩnh cửu cho những ai tin và sống theo lời Người.
Hình ảnh thứ ba làm chúng tôi chú ý là hình ảnh Cha xứ. Điều làm chúng tôi chú ý đầu tiên nơi ngài là sự cởi mở, yêu thương anh em chủng sinh. Khi chúng tôi gọi điện cho ngài để xin chỗ thực tập mục vụ, ngài đồng ý ngay. Và mỗi Chúa nhật chúng tôi đến xứ, ngài đón tiếp cách vui vẻ, và tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi thực hiện tốt hoạt động mục vụ của mình. Điều thứ đến làm chúng tôi chú ý nơi ngài là lòng yêu thương giáo dân. Sau lễ Chúa nhật dành cho thiếu nhi, ngài cho các em ăn sáng, khoảng chừng 200 thiếu nhi… Qua những lần tiếp xúc với những người phục vụ trong xứ, những thái độ và cử chỉ của họ đối với Cha xứ mà chúng tôi thấy, chúng tôi nhận thấy chắc hẳn có một mối tương quan tốt giữa Cha xứ và giáo dân, chắc hẳn Cha xứ phải là người chủ chăn được giáo dân quý mến và chắc hẳn Cha xứ cũng phải là người yêu mến giáo dân của mình…
Sau những lần đi thực tập mục vụ, qua hình ảnh quý hiền mẫu, những người già, người bệnh và Cha xứ, chúng tôi thấy mình cần: thứ nhất, nhiệt thành hơn trong các hoạt động tông đồ; thứ hai, cầu nguyện cho những người có hoàn cảnh đặc biệt (người già, người bệnh); và thứ ba, tập có một trái tim biết yêu thương. Có như vậy, mỗi ngày, chúng tôi ngày càng trở nên giống Chúa hơn, trở nên hoàn thiện hơn.
Phaolô Vũ Thành Dương – Thần học I
[1] x. Lc 1, 37.