CHÌA KHOÁ BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXII-TN_A, 03-9-2023
֎
NHIỆT HUYẾT CỦA CÁC TIÊN TRI
“Giao ước mới” do Giêrêmia loan báo đã được Chúa Giêsu thực hiện. Hai vị đại tiên tri này được thúc đẩy bởi cùng một nhiệt huyết đối với việc công bố Lời Chúa. Hai Vị cũng chia sẻ cùng một lòng trung thành với Thiên Chúa, bất chấp sự loại bỏ mà họ phải chịu.
Bài đọc I : Gr 20, 7-9
Ngay lần đầu tiên được gọi, Giêrêmia đã biết rằng sứ mệnh của mình sẽ rất khó khăn. Nhưng Thiên Chúa đảm bảo với Giêrêmia về sự hỗ trợ vô điều kiện của Chúa. Tuy nhiên, nhà tiên tri ghi nhận rằng sự hỗ trợ của Thiên Chúa không ngang tầm với những khó khăn mà ông gặp phải và sự loại bỏ mà ông phải chịu. Giêrêmia tố cáo Thiên Chúa đã “quyến rũ” ông, có thể nói là đã đánh lừa ông. Ông là nạn nhân hàng ngày của những chế giễu, lăng mạ và nhạo báng, và ông thấy mình buộc phải công bố “bạo lực và tàn phá”, trong khi thành Giêrusalem bị đe dọa từ mọi phía. Nhưng “ngọn lửa” và nhiệt huyết cháy bỏng trong Giêrêmia đã khiến ông, ở cực độ của thử thách, trở thành một người vĩ đại gieo niềm hy vọng và là người thấy trước một giao ước mới.
Thánh vịnh đáp ca : Tv 63 (62)
Tác giả thánh vịnh dùng hình ảnh cơn khát để diễn tả lòng khao khát và cường độ sự ao ước Thiên Chúa của ông. Một khao khát càng mãnh liệt hơn nữa vì Thiên Chúa dường như xa lánh. Tác giả thánh vịnh tự mô tả mình là “mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước”. Tác giả sống một thời kỳ sa mạc tâm linh và cảm thấy một nỗi nhớ nào đó đối với thánh điện. Tuy nhiên, lời cầu nguyện của ông vượt lên trên nỗi luyến tiếc não nùng và nhanh chóng biến thành một lời tuyên xưng đức tin tuyệt đẹp: “Ân tình Ngài quý hơn mạng sống”. Do đó, tương lai được báo trước sẽ tươi sáng ; tác giả thánh vịnh biết rằng ông lại có thể chúc tụng và ngợi khen Thiên Chúa, đồng thời khẳng định lại sự gắn bó sâu sắc nhất của mình với Ngài.
Bài đọc II : Rm 12, 1-2
Hai câu này đóng vai giới thiệu cho toàn bộ chương 12, là một cẩm nang thực sự về linh đạo Kitô giáo. Ở đây Phaolô để mình bị thuyết phục nhân danh “lòng thương xót của Thiên Chúa” và “ý muốn” của Ngài: Thiên Chúa yêu cầu các tín hữu nhắm đến sự hoàn thiện. Điều này giả thiết phải loại bỏ một “mô hình” dựa trên tinh thần của thời đại (“thế gian”), và phải gắn bó với một “lối suy nghĩ” mới, được gợi hứng từ Tin Mừng của Đức Kitô. Trong phần còn lại của chương 12 này, chúng ta cũng sẽ tìm thấy những âm vang của Bài giảng trên núi cũng như một lời kêu gọi sôi nổi noi gương Chúa Giêsu Kitô, đặc biệt bằng cách chúc lành cho những người làm hại chúng ta và bằng cách lấy điều thiện chiến thắng điều ác.
Tin Mừng : Mt 16, 21-27
Dù các môn đệ đã chứng kiến vô số phép lạ của Chúa Giêsu, dù họ đã nghe bài giảng trên núi và các dụ ngôn của Ngài, họ vẫn chưa hiểu được mầu nhiệm của Ngài. Phêrô không muốn nghe bất cứ điều gì về những đau khổ sắp đến mà Chúa Giêsu gợi lên, và Phêrô tự cho phép mình “gay gắt trách móc” Thầy mình. Trong suy nghĩ hoàn toàn là con người của mình, Phêrô chỉ có thể tưởng tượng ra một Đấng Thiên Sai quyền năng và chiến thắng. Đến lượt Chúa Giêsu quở trách Phêrô và nhắc nhở các môn đệ rằng họ cũng phải từ bỏ chính mạng sống của mình và vác lấy Thập Giá. Để theo Người cho đến cùng và hiến dâng mạng sống mình vì tình yêu dành cho tha nhân và cho Thiên Chúa, không có cách nào khác hơn là trở thành môn đệ của Chúa Giêsu.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.