CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
LỄ NGÀY GIÁNG SINH, 25-12-2022
֎
ƠN CỨU ĐỘ VỚI MUÔN SẮC MẦU
Từ Isaia đến Matthêu, qua bài thánh vịnh và thư gửi tín hữu Do Thái, mỗi bài đọc đều cử hành “tin mừng cứu độ” và niềm vui lớn lao mà tột đỉnh là sự chào đời của Đấng Cứu Thế, “Ngôi Lời trở nên người phàm cư ngụ giữa chúng ta” và là “ánh sáng chiếu soi mọi người”.
Bài đọc I : Isaia 52, 7-10
Isaia rất xứng đáng với danh hiệu “người đứng đầu các tiên tri” mà người ta trao tặng ông. Chính ông là người đã phát minh ra trong Kinh Thánh tiếng Do Thái, từ ngữ có nghĩa là “người mang tin mừng”, nghĩa là “nhà truyền giáo”. Ở đây Isaia nói tới điều đó ở ngôi thứ ba, chắc chắn là ám chỉ chung đến các tiên tri khác, nhưng chính Isaia thì không có ai bằng ông, trong tư cách là người phát ngôn cho Tin Mừng cứu độ và nhiều khía cạnh của Tin Mừng đó. Ngoài ra, tên tiếng Do Thái của Isaia, “Yesha-ya-hou”, có nghĩa là: “Giavê là Đấng Cứu Độ”. Đối với Isaia, ơn cứu độ là bình an, là tin mừng, sự thánh thiện, sự trở lại của Thiên Chúa ở Si-ôn, sự an ủi dân Chúa, sự cứu chuộc Giêrusalem, chiến thắng.
Thánh vịnh đáp ca : Tv 97 (98)
Thánh vịnh 97 (98) này là bài dài nhất trong tuyển tập các thánh vịnh về vương quyền của Thiên Chúa (Tv 92. 94 – 98). Tác giả thánh vịnh hoàn toàn đồng ý với cái nhìn phổ quát của Isaia về ơn cứu độ, với việc ông hai lần nhắc đến chiến thắng thần thiêng và tình yêu của Thiên Chúa dành cho Israel. Và cũng như tiên tri Isaia, rất tích cực ở Giuđa và Giêrusalem, xuất sắc nhấn mạnh đến tính cách phổ quát của ơn cứu độ, tác giả thánh vịnh và cộng đoàn của ông cũng làm chứng về một Thiên Chúa “đã tỏ công lý của Người cho muôn dân” và là Đấng cho “cả trái đất” xem thấy “chiến thắng” của Ngài, tức là “ơn cứu độ” của Ngài. Hai khổ thơ cuối cùng gợi lên các loại nhạc cụ để tung hô vương quyền của Chúa.
Bài đọc II : Dt 1, 1-6
Phần mở đầu của bức thư có một cái gì đó trang trọng: có thể nói là tác giả đã tóm tắt lịch sử phong phú của lời Chúa được các tiên tri truyền lại cho “cha ông chúng ta” trong đức tin. Còn long trọng hơn nữa là lời khẳng định về một giai đoạn quyết định và dứt khoát (“vào thời sau hết này”) của lời của Con Thiên Chúa, Đấng “thừa hưởng muôn vật muôn loài”, và “Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ”. Do đó, Người Con là một tiên tri, nhưng Ngài cũng là sự Khôn Ngoan. Chúng ta biết rằng Khôn Ngoan có tính sáng tạo (Cn 8, 22-31). Thế nhưng, tác giả gốc Alexandria của Thư gửi tín hữu Do Thái, về căn bản, đã lấy lại những lời của một tác giả khác, cũng gốc Alexandria, là tác giả Sách Khôn Ngoan: tác giả này coi Khôn Ngoan như là “sự tỏa ra của ánh sáng vĩnh cửu […] , hình ảnh (tiếng Hy Lạp: biểu tượng) lòng tốt của Người” (Kn 7, 25-26). Thật là một tương hợp đẹp đẽ giữa Cựu Ước và Tân Ước!
Tin Mừng : Ga 1, 1-18
Trong Lời mở đầu nổi tiếng của mình, ngoài việc nhắc đến nhân chứng Gioan Tẩy Giả, thánh sử Gioan ngay từ đầu đưa chúng ta trở lại “sự khởi đầu” tuyệt đối (cuộc Sáng Tạo) và thế giới thần thiêng. Đấng mà Gioan gọi là “Ngôi Lời” đã “vẫn hướng về Thiên Chúa, và nhờ Người, vạn vật được tạo thành”. Thánh sử không nêu tên Chúa Giêsu, nhưng ông đã trình bày Ngài là “sự sống” và là “ánh sáng chiếu soi mọi người”, và Ngài là vậy từ nguyên thủy của vạn vật. Lời sự sống này, Gioan cho chúng ta biết, “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta”. Gioan, ở đây, không nói đến Bêlem cũng như không nói đến Maria và Giuse, nhưng ông làm chúng ta thoả lòng với mầu nhiệm nhập thể cao cả. Đúng từng chữ trong nguyên bản tiếng Hy Lạp là : “Và Ngôi Lời, xác thịt đã được tạo thành”. Sự tiếp cận nhau của hai từ “Ngôi Lời” và “xác thịt” đã hòa hợp cái vĩnh cửu của Thiên Chúa với cái hữu hạn của con người.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.