CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXX-TN_C, 23-10-2022 ֎ LỜI CẦU NGUYỆN LÀM ĐẸP Ý THIÊN CHÚA

CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA

CHÚA NHẬT XXX-TN_C, 23-10-2022

֎

LỜI CẦU NGUYỆN LÀM ĐẸP Ý THIÊN CHÚA

Tác giả sách Huấn Ca (Ben Sira) nói về một Thiên Chúa chú ý đến lời cầu nguyện của người nghèo, người bị áp bức, người góa bụa và trẻ mồ côi. Thánh vịnh cũng như lời tuyên xưng của Phaolô xác quyết nhận xét này. Chúa Giêsu còn đi xa hơn: lời cầu nguyện của người Pharisiêu chỉ là sự phô trương và khinh người, trong khi lời cầu nguyện của người thu thuế là chân thành và chân thật.

Bài đọc I : Hc 35, 15b-17. 20-22a

Sách Huấn Ca của Ben Sira đã không được giữ lại trong Kinh Bộ tiếng Do Thái, vì bản gốc tiếng Do Thái đã bị thất lạc từ lâu và vì lý do đó, các Kitô hữu đã phải dựa vào bản tiếng Hy Lạp. Nhưng sách Huấn Ca đẹp và thực sự là điển hình về sự khôn ngoan trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, đoạn trích được đề nghị cho chúng ta hôm nay, đã cho thấy một khía cạnh khác ngoài khía cạnh của sự khôn ngoan, đó là một quan điểm rất gần với các sách tiên tri. Đoạn trích hôm nay khẳng định sự không thiên tư của Thiên Chúa đối với con người, và sự quan tâm đặc biệt của Chúa dành cho người nghèo, người bị áp bức, trẻ mồ côi và góa phụ. Người ta tưởng mình đang đọc tiên tri Giêrêmia. Ông Ben Sira ca ngợi sức mạnh và sự kiên trì trong lời cầu nguyện của người nghèo, những người trông cậy vào cái nhìn của Thiên Chúa và một phán quyết có lợi cho mình.

Thánh vịnh đáp ca : Tv 33

Các thể loại văn chương của các thánh vịnh thật rất đa dạng: ca ngợi, tạ ơn, sám hối, các thánh vịnh hoàng gia hoặc sự khôn ngoan, v.v. Và người ta thường gặp nhiều thể loại trong cùng một thánh vịnh, như trường hợp ở đây. Đoạn trích thánh vịnh 33 này cho ta thấy hai chiều kích có mặt khắp nơi trong sách thánh vịnh: hoặc là tiếng kêu cứu, đặc biệt là của người nghèo và của “tâm hồn tan nát”, hoặc là lời chúc tụng và ngợi khen, thường đi kèm với tiếng kêu vui mừng. Và điệp khúc, trích từ câu 7, nói lên hai xác tín : tiếng kêu của người nghèo luôn được Thiên Chúa đón nhận, cũng như tiếng kêu của những người công chính. Thiên Chúa nhìn và thấy, lắng nghe và nghe thấy, trợ giúp và cứu thoát.

Bài đọc II : 2 Tm 4, 6-8.16-18

Phaolô ngỏ lời với người cộng tác và người bạn trung thành của mình, là Timôthê, và Phaolô trình bày, trong phần thứ nhất của đoạn trích này, một đánh giá tích cực về tác vụ và hành trình đức tin của ông. Bản đánh giá này không phải là một lời nói quá và không có dấu vết của sự kiêu ngạo. Phaolô thanh thản và tự cho là “sắp phải đổ máu ra làm lễ tế”. Phaolô đã đấu suốt cuộc đời “trong cuộc thi đấu cao đẹp” và Ngài chờ đợi nhận từ Chúa “vòng hoa dành cho người công chính”, với niềm vui là vòng hoa này cũng được ban chotất cả những ai hết tình mong đợi Chúa xuất hiện”. Tuy nhiên, Vị Tông đồ nhớ lại một số thử thách trong quá khứ và ngài dự đoán được những thử thách khác sẽ đến, nhưng ngài biết mình có thể trông cậy vào sự trợ giúp của Chúa.

Tin Mừng : Lc 18, 9-14

Chúa Giêsu thường xuyên gặp rắc rối với những người Pharisiêu. Những người này thường tìm cách thử thách Chúa. Nhưng Chúa Giêsu không quên chất vấn họ và đã biết cách vạch trần thói giả hình của họ. Dụ ngôn chắc chắn nhắm vào họ, nhưng Chúa Giêsu nói dụ ngôn này cho “những người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác”. Có hai người lên Đền thờ để cầu nguyện: một người là người Pharisiêu, còn người kia là người thu thuế. Người Pharisiêu, đứng thẳng và tin chắc ở mình, khoe khoang rằng mình không “như những người khác”, những người theo suy nghĩ của ông, là “tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia”. Có tất cả mọi sự, trừ một lời cầu nguyện : trước hết đó là một sự tự tôn vinh mình, và là một suy nghĩ khinh miệt nhắm vào người thu thuế. Thế nhưng chính người thu thuế mới là người cầu nguyện thực sự, kín đáo, khiêm tốn và chân thành nhất: “Lạy Chúa, xin thương xót con kẻ tội lỗi !”

.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ.

.

.

Comments are closed.