LECTIO DIVINA
Chúa Nhật XXVIII-TN_C, 09-10-2022
Lc 17, 11-19
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài là Chúa chữa lành của chúng ta, đáng ca ngợi và tôn vinh”
“Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?”
Câu chuyện Tin Mừng Chúa nhật hôm nay về việc chữa lành mười người phong cùi (Lc 17, 11-19) đã có ý nghĩa sâu xa hơn khi được nhìn đối lập với thực tại tội lỗi là sự vô ơn bạc nghĩa của con người, vốn làm hư hỏng mối quan hệ trong đạo làm con của chúng ta với Thiên Chúa. Trong cuốn sách của mình, nhan đề Bài thơ ca ngợi Niềm Vui, Ode to Joy (New York: Alba House, 1997, trang 237), Harold Buetow nhận xét rằng chúng ta thường xuyên giống như một người bà đang thích thú đi dạo với đứa cháu trai nhỏ của mình dọc theo bờ biển ở Bãi biển Miami thì một con sóng lớn từ đẩu đâu xuất hiện, cuốn trôi đứa cháu của bà ra biển. Người phụ nữ kinh hoàng khuỵu gối xuống, ngước mắt lên trời, cầu xin Chúa đưa đứa cháu trai yêu quý của bà về cho bà. Rồi, thật là kỳ lạ, một con sóng khác ập tới, đặt đứa trẻ bất tỉnh trên bãi cát ngay trước mặt bà. Người bà nhìn đứa cháu một cách kỹ lưỡng. Cậu bé vẫn ổn. Nhưng rồi bà ta giận dữ nhìn lên trời, phẫn nộ quát : “Khi thằng bé đến đây, thằng bé có đội một cái mũ, cơ mà!” Giống như người bà vô ơn bạc nghĩa này, chúng ta cho rằng Thiên Chúa là Đấng ban phát sự phục vụ và rằng Chúa mắc nợ chúng ta. Từ đó, chúng ta không nhìn nhận mình mắc nợ Thiên Chúa : nợ lòng biết ơn Thiên Chúa !
Trình thuật Tin Mừng về việc chữa lành cho mười người phong cùi không chỉ cho chúng ta thấy một hành động thương xót nữa trong việc chữa lành của Chúa Giêsu, mà còn nêu lên một ví dụ về đức tin dẫn đến lòng biết ơn, sự tôn vinh và lời ngợi khen. Thái độ đáng chú ý của người Samaritanô biết ơn minh họa mối liên hệ mật thiết giữa đức tin và “Thánh Thể”. Đức tin được diễn tả trong một hành động cảm tạ và thờ phượng.
Thánh sử Luca mô tả phép lạ chữa lành của Chúa Giêsu bằng những lời này: “Khi Chúa Giêsu tiếp tục hành trình lên Giêrusalem, Chúa đi ngang qua miền Samaria và Galilê. Khi Chúa vào một làng kia, thì những người phong cùi đón gặp Chúa. Họ đứng cách Ngài một khoảng và lớn tiếng nói rằng: ‘Lạy Thầy Giêsu, Xin thương xót chúng tôi !’ Và khi nhìn thấy họ, Chúa nói : ‘Hãy đi trình diện với các tư tế’. Đang khi họ đi đường, họ đã được chữa lành” (Lc 17, 11-14). Sự khốn khổ của những người phong cùi và việc họ kêu xin giúp đỡ cần được nhìn trong ánh sáng của quy định dành cho những người phong cùi, như được ghi trong sách Lêvi : “Người mắc bệnh phong cùi phải mặc áo rách, đầu bù tóc rối; anh ta phải cạo môi trên và kêu lên rằng : ‘Ô uế, ô uế’” (Lv 13, 45-46).
Tiếng kêu tuyệt vọng trong Cựu ước, “Ô uế, ô uế”, nay biến thành một lời cầu nguyện khẩn xin trước sự hiện diện của Chúa Giêsu, người đang trong cuộc hành trình vượt qua lên Giêrusalem. Thay vì cảnh báo, “Ô uế, ô uế” để cách ly bản thân khốn khổ của mình với Chúa Giêsu, mười người phong hủi đã mạnh dạn kêu xin Chúa thương xót và trắc ẩn. Họ hét lên một lời khẩn nài cầu xin hoàn toàn mới: “Lạy Thầy Giêsu ! Xin thương xót chúng tôi !” Chúa Giêsu từ bi đáp lại tiếng kêu thảm thiết của họ, và ra lệnh cho họ đi trình diện với các tư tế. Khi họ đang đi, họ được tẩy sạch. Thật vậy, việc chữa lành tức thời cho mười người phong cùi đã được thực hiện nhờ đáp ứng tích cực, đích thân của họ đối với lời của Chúa Giêsu.
Phần tiếp theo của câu chuyện Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay mô tả sự trở lại của người Samaritanô biết ơn, người được chữa lành bệnh tật (Lc 17, 15-19). Trong mười người, chỉ có một người trở lại để bày tỏ lòng biết ơn Thiên Chúa. Người ấy sấp mình dưới chân Chúa Giêsu và cảm tạ Người. Sự trở lại của người Samaritanô biết ơn đã đánh dấu một đời sống mới trong đức tin và sự thờ phượng tập trung vào con người của Chúa Giêsu, là đối tượng đích thực của lời ngợi khen và sự tôn vinh. Đức tin của người phong cùi được chữa lành đã được chuyển thành tinh thần tạ ơn hay “Thánh Thể”. Thật vậy, đền thờ đích thực, nơi chúng ta thực hiện lời thề cảm tạ của mình với Thiên Chúa, chính là con người của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chính là tư tế đích thật thực hiện và xác nhận sự chữa lành của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con kêu lên Chúa, là suối nguồn của lòng thương xót. Xin thương xót chúng con và lấy đi những bệnh tật của chúng con. Xin hồi phục sức khỏe cho chúng con và chữa chúng con khỏi bệnh cùi là tội lỗi. Chúng con cảm ơn Chúa và yêu mến Chúa vì lời chữa lành đầy uy lực của Chúa đã chạm đến chúng con, đến tận sâu thẳm tâm hồn của chúng con. Trong Chúa, có sự toàn vẹn thực sự. Ước gì chúng con đáp ứng đầy đủ trước những hành động thương xót và những việc làm cứu rỗi kỳ diệu của Chúa. Bằng việc chúng con cam kết trở nên dụng cụ tình yêu của Chúa, chớ gì Chúa Ba Ngôi được tôn vinh, bây giờ và mãi mãi. Amen.
“Đứng dậy về đi ! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.