CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XXII-TN_C, 28-8-2022
֎
KHIÊM TỐN, NHÂN ĐỨC LÀM NÊN NHỮNG ĐIỀU VĨ ĐẠI
Sự khiêm tốn được đánh giá cao bởi các nhà hiền triết và các bậc thầy tâm linh khắp mọi nơi. Ben Sira và Chúa Giêsu, rõ rệt có nhiều diễn từ giống nhau, trong khi tác giả thánh vịnh nhắc nhở chúng ta rằng Thiên Chúa yêu thương người nghèo, và Ngài đã “nâng” họ lên (tiền xướng trích từ Magnificat).
Bài đọc I : Hc 3,17-18.20.28-29
Người khôn ngoan quan sát hành vi của mọi người và biết phân biệt sự khiêm tốn thật với những ý định sống khiêm tốn. Với các câu 17-18, người khôn ngoan đoán trước những lời của Chúa Giêsu như thấy trong bài Tin Mừng hôm nay. Điều này không có gì gây ngạc nhiên, vì các nhà hiền triết trong Kinh Thánh đặc biệt khuyến khích khiêm tốn tự thâm tâm và trong tinh thần. Họ biết nhận ra mối liên kết đặc biệt giữa “kẻ khiêm nhường” với Chúa, và ngược lại, ghi nhận rằng “tình trạng của kẻ kiêu ngạo là không có thưốc chữa”. Kẻ kiêu ngạo chỉ nghe mình nói mà không biết suy gẫm và áp dụng “những châm ngôn về sự khôn ngoan”, trong khi người khôn ngoan thì hoàn toàn tuân theo điều răn nền tảng: “Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta là Duy Nhất” (Đnl 6, 4).
Thánh vịnh đáp ca : Tv 68 (67)
Tiền xướng của thánh vịnh này được trích từ kinh Tạ ơn – Magnificat của Đức Maria, “nữ tỳ khiêm tốn” của Chúa. Cộng đoàn những người công chính đang “dự hội vui” : họ ca hát, chơi đùa và nhảy múa trong niềm vui “vì Chúa”. Vị Thiên Chúa mà cộng đoàn ca tụng là “Cha của những kẻ mồ côi và là “người bảo vệ những quả phụ”. Tác giả thánh vịnh và cộng đoàn của tác giả biết bằng kinh nghiệm rằng Thiên Chúa “nhân hậu với kẻ khó nghèo”, nghĩa là người khiêm nhường. Thiên Chúa giải thoát những “kẻ bị giam cầm” và nâng đỡ những người thất bại. Thiên Chúa tỏ ra quảng đại với dân riêng của Ngài là Israel, dân từng làm nô lệ ở Ai Cập và bị các thế lực lớn hạ nhục, nhưng giờ đây được tự do ca ngợi và chúc tụng Chúa.
Bài đọc II : Dt 12,18-19.22-24a
Sau khi ca tụng tỉ mỉ chức tư tế duy nhất và vĩnh cửu của Đức Kitô, tác giả thư gửi người Do Thái cũng chậm lại trong các chương 8 -10 để cho thấy sự khác biệt giữa giao ước thứ nhất và giao ước mới. Giao ước thứ nhất được kèm theo bởi những dấu hiệu kỳ dị, khinh hoàng (lửa đang cháy, mây mù, bóng tối, giông tố, tiếng kèn vang dậy, và tiếng nói thét gầm ‘khiến con cái Israel phải van xin đừng để lời ấy thốt ra với họ nữa’). Còn về giao ước mới, có đặc tính, có thể nói là ‘thân thiết hơn’, thì khác: người ta không còn ở núi Sinai, nhưng đã vào “thành của Thiên Chúa hằng sống, là Giêrusalem trên trời”. Không có mối kinh hãi hay điều kỳ diệu khủng khiếp nào, nhưng đúng hơn, là “muôn vàn thiên sứ đang dự hội vui” và là “đại hội giữa các con đầu lòng của Thiên Chúa”, tức là những người công chính “đã đến với Chúa Giêsu…], Trung gian của một giao ước mới”.
Tin Mừng : Lc 14, 1. 7-14
Chúa Giêsu thường năng lui tới với những người khiêm nhường, nhưng Ngài cũng biết chấp nhận lời mời “của một ông thủ lãnh nhóm Pharisiêu”. Vừa bước vào nhà của chủ nhà, Chúa quan sát thấy các khách mời có xu hướng chọn “những chỗ nhất”. Bấy giờ, Chúa kể một dụ ngôn cho các vị khách: Ngài khuyên họ nên “đi vào ngồi chỗ cuối”, hơn là “chỗ nhất”. Cần phải hiểu rằng đây không phải là một chiến lược có tính toán, và rằng sự khiêm nhường luôn được Thiên Chúa đánh giá cao: “Ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”. Nhưng Chúa Giêsu không dừng lại ở đó: Ngài ngỏ lời với chủ nhà và khuyên ông ta hãy ưu tiên mời “người nghèo khó, người tàn tật, người què quặt, người đui mù”. Đó là việc đáng khen hơn nhiều và sẽ được thưởng “khi các kẻ lành sống lại”.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ