[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 24, 13-35″]
Cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Emmaus, cách Giêrusalem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ. Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người. Người hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?” Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu. Một trong hai người tên là Cơlêôpát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giêrusalem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”. Đức Giê-su hỏi: “Chuyện gì vậy?” Họ thưa: “Chuyện ông Giêsu Nadarét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá. Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Israel. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy”. Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?” Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sư, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh. Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa. Họ nài ép Người rằng: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn”. Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ. Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất. Họ mới bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?” Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa chỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-mon”. Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
VÀ NIỀM VUI ĐÃ QUAY TRỞ LẠI
“Họ đã nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh” (Lc 24,35).
Khi một ai đó gặp phải thất bại trong công việc hay những đổ vỡ bởi các mối tương quan, dễ khiến họ đi đến chỗ thất vọng hoặc tuyệt vọng. Nói cách khác, sự thất vọng đòi buộc người ta phải đối diện với sự thật, một sự thật đau lòng mà không ai muốn nó xảy đến. Có lẽ, đây cũng là tâm trạng của hai môn đệ trên đường về Emmaus.
Qua trang Tin Mừng, thánh sử Luca miêu tả tình trạng buồn khổ, thất vọng và khủng hoảng của hai môn đệ trên đường trở về quê cũ. Thảm kịch thập giá và cái chết của Thầy Giêsu đã dập tắt mọi niềm hy vọng về một cuộc giải phóng Israel. Thầy đã chết, thế là hết, mọi sự đều kết thúc. Thậm chí, mấy phụ nữ loan tin Chúa đã sống lại, nhưng đối với hai ông, nó chỉ là câu chuyện giả tưởng, một ảo giác mà thôi. Và vì thế, hai ông quyết định trở về quê hương, trở về với nỗi sầu thương trong lòng. Nhận ra những bước chân nặng nề và tâm trạng sầu khổ của hai môn đệ, Chúa Giêsu đã xuất hiện, tự nguyện nên bạn đồng hành và chủ động xin họ sẻ chia những nỗi niềm sâu kín. Cũng từ đó, Người dùng Thánh Kinh để khai sáng cho họ thấy ý nghĩa cuộc tử nạn của Chúa Giêsu và từng bước dẫn họ đến niềm tin vào sự phục sinh của Người. Nhờ vậy, nỗi đau dần vơi đi, tâm trí được ấm lại và “lòng họ rạo rực lên”. Sau cùng, với cử chỉ bẻ bánh, một cử chỉ rất thân thuộc, Chúa đã cho họ nhận ra Người. Lòng họ ngập tràn niềm vui và quay trở lại Giêrusalem.
Nhìn vào cuộc sống hôm nay, chúng ta thấy thế giới bị bao phủ bởi hận thù, chiến tranh, dịch bệnh, sự chết. Chúng khiến con người mất dần niềm tin vào cuộc sống, không thấy ý nghĩa của cuộc đời. Những lúc như thế, liệu chúng ta còn tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa? Kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmaus là câu trả lời cho chúng ta. Đấng Phục Sinh luôn hiện diện và đồng hành với chúng ta trên mọi chặng đường của đức tin. Tuy nhiên, sự hiện diện của Chúa không có nghĩa là Ngài sẽ giải đáp mọi vấn nạn cho chúng ta, mà trái lại, từng bước, từng bước Người dẫn chúng ta khám phá giá trị của khổ đau, của hy sinh, của cuộc chiến đấu thiêng liêng. Vì thế, giữa những lúc thăng trầm của cuộc đời, lúc bóng đêm bủa vây, khi sự dữ và bóng tối hoành hành, hãy chạy đến bên Chúa Giêsu, mời Người bước vào cuộc đời, đồng hành và ở lại với chúng ta. Với ánh sáng của Đấng Phục Sinh, chúng ta sẽ vững tin và xác tín rằng dầu có phải bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn vì có Chúa luôn ở cùng tôi.
Xin cho chúng ta luôn nhận ra sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong cuộc đời của mình, nhất là khi gặp phải những phiền muộn, khổ đau hay thất vọng. Với một tấm lòng rộng mở và một tâm hồn khao khát gặp gỡ Chúa trong cầu nguyện, đọc và suy niệm Lời Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ có kinh nghiệm đức tin vững vàng hầu đủ sức thắng vượt mọi thử thách gian nan trong cuộc đời.
[/loichua]