[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 18,21-35″]
Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng : “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần. Có phải đến bảy lần không”. Chúa Giêsu đáp : “Ta không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết, người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng : “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn và tôi sẽ trả cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc. Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng : “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng : “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng : “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi”. Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
CHỦ ĐỀ: NHẬN THỨC VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
“Vậy Cha Ta trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18,35)
Thiên Chúa luôn muốn tỏ cho con người hiểu về lòng thương xót của Ngài, và Ngài muốn họ nhận lãnh lòng thương xót ấy qua việc thống hối là: xưng thú tội lỗi và tha thứ cho đồng loại. Lời Chúa của Thứ Ba trong Chúa Nhật III Mùa Chay cho ta thấy điều đó.
Thiên Chúa hằng luôn tuôn đổ lòng thương xót của Ngài xuống trên mọi người (x. GLCG, 270 – 271). Bài đọc I kể về 3 đứa trẻ Do Thái bị vua Nabucođonoso ra lệnh cho binh lính ném chúng vào lò lửa, vì chúng không thờ lạy pho tượng của vua. Chúng đã kêu cầu lên Chúa, và Chúa đã tỏ lòng thương xót mà cứu chúng. Còn bài Tin Mừng kể về việc người đầy tớ mắc nợ vua mười ngàn nén bạc đã van xin vua, và vua đã động lòng thương xót mà tha hết nợ cho y. Hình ảnh vua động lòng thương xót là biểu trưng cho lòng thương xót của Chúa dành cho mọi người. Tóm lại, Thiên Chúa luôn tuôn đổ lòng thương xót của Ngài xuống trên mọi người. Thế nhưng, không phải mọi người đều lãnh nhận được lòng thương xót của Chúa.
Người ta có lãnh nhận được lòng thương xót của Chúa hay không là còn tùy thuộc vào thái độ của họ (x. GLCG, 1847). Bài đọc I kể về 3 đứa trẻ đã lãnh nhận được lòng thương xót của Chúa nên chúng không bị lửa thiêu chết, vì chúng đã tỏ thái độ ước muốn đón nhận lòng thương xót của Ngài qua việc xưng thú tội lỗi của mình: “Vì tội lỗi chúng con, chúng con bị nhục nhã ở mọi nơi” (Đn 3,37*). Còn bài Tin Mừng nói về người đầy tớ không lãnh nhận được lòng thương xót của vua nên y bị tống giam, vì y đã tỏ thái độ mặc nhiên không muốn đón nhận lòng thương xót ấy khi không tha thứ cho người bạn. Dường như, Chúa Giêsu muốn nói: thái độ của y là biểu trưng cho thái độ của những ai từ khước lòng thương xót của Chúa. Tóm lại, người ta có lãnh nhận được lòng thương xót của Chúa hay không là do thái độ thống hối của người ấy qua việc: xưng thú tội lỗi và tha thứ cho đồng loại. Quả thật, khi từ chối tha thứ cho anh em mình, lòng chúng ta đóng lại và trở nên chai đá không thể đón nhận lòng thương xót của Chúa. Đồng thời, khi thú nhận tội lỗi, chúng ta mở rộng tâm hồn để đón nhận ân sủng từ lòng thương xót của Ngài (x. GLCG, 208, 2840, 1847).
Muốn xưng thú tội lỗi cách chân thành, người đó phải tự biết mình. Để biết mình đầy đủ, họ phải soi chiếu cuộc đời mình vào Chúa Giêsu (x. GS, 22). Còn muốn tha thứ cho người khác hết lòng, ta phải biết rằng việc có dễ dàng tha thứ hay không là không tùy thuộc khả năng của chúng ta. Nhưng nếu biết sống theo Chúa Thánh Thần, ta sẽ biết biến đổi đau thương thành lòng thương xót, và biết biến đổi sự xúc phạm đến mình thành lời chuyển cầu cho người có lỗi (x. GLCG, 2843).
Xin cho chúng ta biết tận dụng những ngày chay thánh còn lại để chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa Giêsu, mà nhận ra sự tội lỗi hèn yếu của mình. Có thế, ta mới biết cộng tác với Chúa Thánh Thần trong việc học cách tha thứ cho anh em, hầu lãnh nhận lòng thương xót của Chúa.
[/loichua]