Giáo Hội Trở Nên Hiệp Hành, Phần 2: Ưu Tiên Lựa Chọn Người Nghèo Và Con Đường Phía Trước

Giáo Hội Trở Nên Hiệp Hành, Phần 2: Ưu Tiên Lựa Chọn Người Nghèo Và Con Đường Phía Trước

Tác giả: Hồng y Michael Czerny SJ

     WGPQN (27.02.2022) – Sau khi bàn về cách thế mà ngôn ngữ và thực hành về tính hiệp hành được định hình trong đời sống Giáo hội những năm gần đây, Đức Hồng y Michael Czerny SJ xem xét đến khuôn khổ suy tư ấy, trong mối tương quan với Tin mừng, sẽ hỗ trợ cho sự ưu tiên lựa chọn người nghèo như thế nào. Đời sống và sứ vụ tương lai của Giáo hội phải được đặt nền tảng trên sự lắng nghe có tính chất cầu nguyện trước tiếng kêu của người nghèo và tiếng kêu của trái đất, điều mà chính Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nêu gương.

     Ưu tiên lựa chọn người nghèo” được truyền đạt cách mạnh mẽ bởi các Ngôn sứ và cả trong Tin mừng Mátthêu chương 25; điều đó cũng được diễn tả bằng những lời lẽ tương tự ở câu mở đầu của Hiến chế Gaudium et Spes [Vui mừng và Hy vọng] (GS, năm 1965): “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Đức Kitô” (GS, số 1). Điều đó đã trở thành trọng tâm của Thượng Hội đồng năm 1971 với chủ đề “Công bình trong thế giới”; Thánh Gioan Phaolô II và Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã đưa tư tưởng này vào trong Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công Giáo. Nếu xem đây là dấu ấn của triều đại giáo hoàng hiện tại thì cũng chẳng có gì lạ thường, bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô rất quyết liệt đi theo những gợi ý của tư tưởng này trong việc rao giảng Tin mừng. Chúng ta cùng xem Giáo hội học về sự hiệp thông, tính tập đoàn, và tính hiệp hành đóng vai trò như thế nào trong việc thực hiện lựa chọn trên.

     Đối với Đức Phanxicô, việc Giáo hội ưu tiên lựa chọn người nghèo (Evangelii Gaudium [EG], số 48) tuân theo logic vượt trội của biến cố Ngôi Lời Nhập thể. Cũng vậy, điều đó bắt nguồn từ những điều mà Ngôi Lời, Đức Giêsu Kitô đã dạy chúng ta về người nghèo qua lời nói và hành động của Ngài. Theo đó, Giáo hội phải nhận ra nơi ưu tiên này đặc quyền căn bản của việc phục vụ bác ái. Đức Giáo hoàng chỉ rõ đây không phải là sự ưu đãi về mặt xã hội học, nhưng là một vấn đề thần học xác đáng, bởi vì nó quy hướng trở lại hành động cứu độ của Thiên Chúa: “Nếu không ưu tiên lựa chọn người nghèo, ‘việc rao giảng Tin mừng, một hoạt động tự thân mang hình thức hoàn hảo của đức ái, có nguy cơ bị ngộ nhận hoặc bị nhấn chìm bởi vô vàn lời nói đang vùi lấp chúng ta hằng ngày trong xã hội của phương tiện truyền thông đại chúng đương thời”(EG, số 199).

     Hơn nữa, đây không phải là biểu hiện của một “chủ nghĩa hành thiện” ngờ nghệch, thể hiện qua một số hoạt động hoặc một thứ khuynh hướng nào đó, nhưng lại không thực sự đại diện cho đặc tính căn cốt của đời sống Giáo hội. Đúng hơn, cần phải thừa nhận đó là một phần không thể thiếu, không những của các sách Tin mừng, mà còn của quá trình biến đổi Giáo hội được Công đồng Vatican II đòi buộc và khởi xướng. Trong thực tế, khi nhận ra “dấu chỉ thời đại” giữa dòng lịch sử về những người bé mọn và bị bỏ rơi, các Nghị phụ Công đồng tuyên bố rằng Giáo hội được kêu gọi để đi từ một tổ chức hoạt động bác ái xã hội, nơi người nghèo bị giản lược thành “những đối tượng” thuần túy cần chăm sóc, đến chỗ thừa nhận họ như “những thành viên” của Dân Thiên Chúa và như “những chủ thể” đón nhận ơn giải thoát.

     Trong Thông điệp Fratelli Tutti (FT), giữa tất cả những hoàn cảnh dễ bị tổn thương, là những hoàn cảnh đặc trưng cho kết cấu xã hội ngày nay và đòi hỏi một phản ứng cấp bách, Đức Giáo hoàng đặt lên hàng đầu tình trạng khẩn cấp mà những người tị nạn, di cư và tản cư nội địa phải đối mặt, hay được định nghĩa cách khác là tình trạng khẩn cấp của “các biên giới và các giới hạn của chúng” (FT, số 129-132). Mọi người trong Giáo hội cũng như xã hội được kêu gọi để “tiếp đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập” những người vì những lý do khác nhau bị ép buộc phải rời bỏ quê nhà, tức không thừa nhận “quyền không phải di trú của họ” (FT, số 38; 129).

     Ý nghĩa của việc này là biến khái niệm về xã hội, nơi người xa lạ bị phân biệt đối xử, trở thành quan niệm về việc cùng chung sống trong xã hội, nơi tư cách công dân đầy đủ được bảo đảm cho tất cả. Thay vì “thực hiện các chương trình phúc lợi từ trên xuống” (FT, số 129), cần thiết phải đưa ra những khả năng cụ thể và hiệu quả cho sự hòa nhập: cấp phép nhập cảnh, mở các hành lang nhân đạo, được quyền sử dụng các dịch vụ thiết yếu và giáo dục, bảo đảm tự do tôn giáo (FT, số 130).

     Như thế, những lời lẽ của Đức Phanxicô đưa chúng ta trở lại với ý thức mà Vatican II đã chân nhận về việc cần ưu tiên cho người nghèo, một sự kêu gọi của Chúa Thánh Thần để biến đổi cả các cấu trúc nội tại của Giáo hội lẫn chính đường hướng gắn liền với Tin mừng (Lumen Gentium [LG], số 8; GS, số 1). Trao cho người nghèo vị trí ưu tiên giữa các thành phần của Dân Thiên Chúa (EG, số197-196) không chỉ có nghĩa là thừa nhận họ như những đối tượng ưu tiên lãnh nhận việc Phúc âm hóa mà còn xem họ như những chủ thể, những tác nhân tích cực của hoạt động này.

     Evangelii Gaudium cổ võ tất cả những người đã chịu phép rửa xem việc gặp gỡ người nghèo là cơ hội thuận lợi cho phép chính họ được Đức Kitô Phúc âm hóa (EG, số 121,178). Lằn ranh phân biệt giữa những người đi loan báo Tin mừng và những người được loan báo đã bị xóa nhòa: “Chúng ta phải không ngừng để cho người khác loan báo Tin mừng cho chúng ta” (EG, số 121,174). Người nghèo cũng là những người loan báo Tin mừng, bởi vì trong tư cách là những thành viên của Dân Thiên Chúa, họ có nhiều điều để trao và để dạy chúng ta (EG, số 48). Như lời Đức Phanxicô gửi tới các thành viên nghèo của các phong trào cấp cơ sở, “với tôi anh chị em là những nhà thơ xã hội, bởi vì từ những khu ngoại vi bị lãng quên nơi anh chị em đang sống, anh chị em tạo ra những giải pháp đáng khâm phục cho những vấn nạn cấp bách nhất đang tác động lên những người bị loại trừ”.[1]

     Việc cổ võ các tín hữu bắt đầu lại từ những vùng ngoại vi – không chỉ về địa lý mà còn về hiện sinh[2] – mang nhiều hình thức. Đó có thể là lưu tâm đến những bất công xã hội và những nỗi đau khổ cá nhân của những người sống trong những hoàn cảnh tuyệt vọng – đau đớn, nghèo khổ và bất hạnh. Đó có thể là thực hiện mọi điều được nêu trong chương 25 Tin mừng Mátthêu cũng như truyền thống tốt đẹp về các công việc của lòng thương xót. Và đó có thể mang ý nghĩa là vận dụng sự phong phú phức hợp của một chủ đề duy nhất ở Thượng Hội đồng Amazon, “Những con đường mới cho Giáo hội và cho nền sinh thái học toàn diện”, với hai yếu tố liên kết và phụ thuộc lẫn nhau về bản chất.

     Từ ơn gọi được diễn tả trong Lumen Gentium của Giáo hội và con đường hiệp hành của nó, sứ mệnh truyền giáo, thăng tiến con người toàn diện và chăm sóc ngôi nhà chung tuôn trào. Và khi con đường mới mẻ để dấn thân vào các vấn đề của gia đình nhân loại này được áp dụng cách quyết liệt, như một vấn đề thiết yếu và cần kíp, Giáo hội được trợ giúp để thực hiện việc tản quyền và được thôi thúc đi ra những vùng ngoại vi. Giáo hội, Dân Thiên Chúa, cần bước đi cùng nhau, mang lấy gánh nặng nhân loại, lắng nghe tiếng kêu của người nghèo, sửa đổi chính bản thân và hoạt động của mình, trước hết bằng cách lắng nghe tiếng nói của người thấp cổ bé họng, là số sót [anawim] theo Kinh thánh Do Thái, tức những người nằm ở tâm điểm đối với sứ vụ công khai của Đức Giêsu.

     Chúng ta có thể xem tất cả những điều này như một giải pháp thông diễn cung cấp và tái định nghĩa lại việc thực hiện tính hiệp hành. Thật cần thiết việc “đặt tất cả vào trong một nhãn quan truyền giáo” (EG, số 34) và thông qua một mô hình đa diện về sự hiệp nhất Giáo hội và xã hội (EG, số 234-237), phản ánh một sự bén nhạy mới mẻ về Giáo hội và đại kết từ bên trong.

     Cuộc cải cách mà Đức Phanxicô mời gọi chúng ta hoàn thành sẽ có kết quả nếu nó “hoàn toàn trút bỏ” khỏi mọi logic kiểu thế gian, tức logic của ý thức hệ biến đổi cũng như ý thức hệ bảo tồn. Thế gian hãnh diện về khả năng làm được các công việc hay thực hiện sự thay đổi về mặt cơ cấu một cách thường xuyên, mọi lúc và mọi nơi. Cuộc cải cách cổ võ mọi người biết biện phân những thời điểm và cơ hội “hoàn toàn trút bỏ” để cho sứ mệnh chiếu tỏa ánh sáng Đức Kitô đạt kết quả nhiều hơn. Giờ đây, khi Đức Phanxicô kêu gọi “tất cả các Kitô hữu” (EG, số 3) và “hết mọi người” (Laudato si’ [LS], số 3) “bất kể họ sinh ra và sống ở đâu chăng nữa” (FT, số1), để cùng đảm đương trách nhiệm[3] được tóm kết trong “mối bận tâm dành cho những người dễ bị tổn thương” (EG, số 209-216), ngài hướng sự chú ý của mình không chỉ đến những người “nghèo” mà còn đến cả một trái đất “nghèo”.

     Trở nên bén nhạy trước “tiếng kêu của người nghèo” cho phép chúng ta lắng nghe tiếng kêu của “chị trái đất” (LS, số 1). Đức Phanxicô nhấn mạnh mối tương quan giữa việc chăm sóc môi sinh và quan tâm người nghèo (LS, số 49); ngài nhắc lại vấn đề này rõ hơn bao giờ hết trong Tông huấn Amazon Yêu quý [Querida Amazonia] (QA, số 52) và trong loạt bài giáo lý từ tháng 8 đến tháng 9 năm 2020.[4] Việc nối kết giữa vấn đề người nghèo và môi sinh khiến chúng ta tập chú vào việc tương lai của toàn thể nhân loại được liên kết mật thiết với vấn đề môi sinh như thế nào, và do đó, việc bảo vệ cho quyền lợi của những người bé mọn nhất cũng trùng khớp với việc giữ gìn công trình tạo dựng. Như Laudato Si’ tuyên bố: “Tất cả đều được nối kết với nhau” (LS, số 16;91;117;138;240).

     Lắng nghe Dân Thiên Chúa, lắng nghe nơi họ tiếng kêu của những người nghèo bị ruồng bỏ và của trái trất bị lạm dụng, giúp cho Giáo hội tránh được nguy cơ phóng chiếu vào thực tại một kế hoạch nằm ngoài kinh nghiệm. Sai lầm này xuất hiện khi, mải mê với sự cải cách, Giáo hội theo đuổi một số chương trình lý tưởng xuất phát từ những tham vọng, dù có ý tốt nhưng lại truyền tải tư tưởng quy ngã. Nếu thế, kết cục của nó sẽ là việc rập theo một dạng khác của ý thức hệ thay đổi có tính cách “trần thế” thuần túy. Khi Giáo hội đồng hành cùng người nghèo trong công cuộc giải phóng họ, đến lượt họ, những người ấy sẽ giúp cho Giáo hội tự giải thoát khỏi những nguy cơ vốn có trong quá trình thể chế hóa của chính Giáo hội.

     Cách thế để thăng tiến tính hiệp thành trong Giáo hội

     Thách thức nền tảng mà tiến trình hiệp hành đặt ra cho đời sống Giáo hội đó là một nhận thức mới mẻ về “sự hiệp thông”, hiểu theo nghĩa “bao hàm” tất cả mọi thành phần Dân Thiên Chúa, đặc biệt là người nghèo, dưới quyền hướng dẫn của những người được Chúa Thánh Thần đặt làm mục tử của Giáo hội, theo một cách thế giúp cho mọi người có thể cảm thấy đồng trách nhiệm trong đời sống và sứ vụ của Giáo hội.

     Nhưng làm sao tính hiệp hành có thể tăng triển trong Giáo hội? Chắc chắn các tiến trình hoán cải, tức các tiến trình “phân định, thanh tẩy và cải tổ” (EG, số 30), là điều cần thiết phải thực hiện để giúp mọi người có thể tiếp thu và nội tâm hóa các nguyên tắc của một linh đạo mở ra cho sự hiệp thông có tính “bao dung” hơn là một linh đạo giới hạn trong việc truy cầu sự hoàn hảo cá nhân. Nếu không có sự hoán cải đích thực trong đường lối suy nghĩ, cầu nguyện và hoạt động, nếu không có một sự hồi tâm chuyển ý (metanoia) triệt để, bao gồm việc không ngừng gia tăng sự đón nhận nhau, thì các khía cạnh khách quan và phương tiện của sự hiệp thông – các cấu trúc hiệp hành của Giáo hội đã nảy sinh từ biến cố Công đồng – có thể gặp khuyết thiếu để hoàn thành mục tiêu mà vì đó chúng được thiết lập.

     Đức Thánh Cha không đặt ra những ý tưởng đã định khuôn để áp dụng vào thực tế, cũng không phải một kế hoạch mang tính ý thức hệ đã chuẩn bị trước, những hướng cải tổ may sẵn [prêt-à-porter]. Đúng hơn, ngài tiến tới nền tảng của việc cầu nguyện và kinh nghiệm tâm linh mà ngài chia sẻ từng bước một qua đối thoại, hội đàm, trong các câu trả lời cụ thể đối với rất nhiều hoàn cảnh của những người dễ bị tổn thương, đau khổ và bất công. Đây là “cách hành động” của ngài, theo như thánh Ignatiô dạy. Đức Phanxicô đang thiết lập các điều kiện về mặt cấu trúc dành cho việc đối thoại chân thành và cởi mở. Chúng không phải là những cải tiến về mặt thể chế được xếp đặt sẵn, cũng không phải là những kế hoạch mang tính lý thuyết suông để làm đẹp chỉ tiêu hay số liệu.

     Có lẽ vẫn còn đó một chặng đường dài để chúng ta đi đến chỗ thấu hiểu cuộc cải tổ sâu sắc này về sự tồn tại mang tính thể chế của chúng ta trong tư cách là những người bước theo Đức Giêsu, được quy tụ trong Giáo hội. Cũng có nhiều điều nữa để hiểu về một Giáo hội canh tân liên lỉ (semper reformanda) trong mối tương quan với thời đại – gồm cả đại dịch hiện nay – nơi mà chúng ta đang sống, đang nỗ lực để liên kết với nhau và đánh giá đúng về Giáo hội địa phương, quốc gia, miền và châu lục, đó là chưa kể đến việc, với đức cậy, phải hình dung như thế nào về tương lai Kitô giáo.

     Evangelii Gaudium được viết “cho mọi thành phần trong Giáo hội với mục tiêu cổ võ cuộc canh tân hoạt động truyền giáo đang diễn ra” (LS, số 3). Một sự cải tổ như thế hệ tại ở việc hoán cải theo tính hiệp hành và Phúc âm hóa không ngừng nghỉ của mỗi thành phần và cả toàn thể Dân Thiên Chúa.

     Bằng đời sống hiệp hành, Giáo hội chủ tâm trao đi chính mình trong sự phục vụ (diakonia) cho việc thúc đẩy đời sống kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa, được đánh dấu bằng tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội. Cam kết và chuẩn tắc hàng đầu trong mọi hoạt động xã hội của Dân Thiên Chúa là lắng nghe tiếng kêu của người nghèo cũng như của trái đất (LS, số 49), nhắc lại cách khẩn thiết các nguyên tắc căn bản theo học thuyết xã hội của Giáo hội, khi đưa ra những lựa chọn và kế hoạch xã hội, đó là phẩm giá bất khả tương nhượng của con người, mục tiêu phổ quát của của cải, sự ưu tiên cho tình liên đới, sự đối thoại vì mục đích hòa bình và chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

     Sự cổ võ của Đức Giáo hoàng Phanxicô, “Thượng Hội đồng Giám mục phải không ngừng trở nên một khí cụ hữu ích cho việc lắng nghe Dân Thiên Chúa” (Episcopalis Communio, số 6), cũng đồng thời là một lời cầu nguyện và khẩn nài: “Chúng ta khẩn cầu Chúa Thánh Thần ban ơn cho các Nghị phụ Thượng Hội đồng, hơn cả đó là ơn biết lắng nghe: lắng nghe Thiên Chúa, để cùng với Người, lắng nghe tiếng kêu của con người; lắng nghe con người, để ở giữa họ, sống điều Thiên Chúa muốn và kêu gọi chúng ta thực hiện.[5]

     Vì thế, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người hữu trách trong Giáo hội, cho bất kỳ ai nằm trong bậc sống tu trì, trong hoạt động giáo dục Công giáo và những công việc phục vụ khác, xin cho họ được nhận lãnh chính những hồng ân ấy: để lắng nghe, để cùng bước đi, để phục vụ.

Grêgôriô Võ Trần Nhựt chuyển ngữ

Từ: thinkingfaith.org

Nguồn: gpquinhon.org

.

[1] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Thư gửi các phong trào đại chúng, 12/4/2020 (https://www.vatican.va/).

[2] Bằng việc quy chiếu đến giáo huấn của Thánh Gioan Phaolô II, Đức Phanxicô mô tả người nghèo không chỉ theo các thuật ngữ về thể lý như sự nghèo khổ hay túng thiếu, nhưng ngài còn nhận diện tất cả các hình thức làm bần cùng hóa một nhân vị, chẳng hạn như những hạn chế hay việc gây tổn thương đến phẩm giá và các quyền cơ bản của con người (x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Quan tâm đến vấn đề xã hội – Sollicitudo rei socialis, 1987, số 15).

[3] Mục đích của việc đề cập đến hết mọi người là để kiên định với lựa chọn của Công đồng Vatican II, tức “không ngại ngùng để ngỏ lời với không chỉ con cái của Giáo hội và tất cả những ai kêu cầu danh Đức Kitô, nhưng còn với toàn thể nhân loại” (GS, số 2).

[4] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Để chữa lành thế giới: Bài giáo lý về đại dịch, Libreria Editrice Vaticana, 2020 (e-book: https://www.libreriaeditricevaticana.va/)

[5] Đức Giáo hoàng Phanxicô, Diễn văn tại buổi canh thức cầu nguyện chuẩn bị cho Thượng Hội đồng về Gia đình, ngày 4/10/2014 (http://www.vatican.va/).

Comments are closed.