[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 21, 23-27″]
23 Đức Giêsu vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy?” 24Đức Giêsu đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. 25Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?”. Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: “Do Trời”, thì ông ấy sẽ vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy?” 26Còn nếu mình nói: “Do người ta”, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gioan là một ngôn sứ.” 27Họ mới trả lời Đức Giêsu: “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
MỞ RỘNG CÁNH CỬA TÂM HỒN ĐÓN CHÚA
“Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” (Mt 21, 25a)
Đời sống của chúng ta là một hành trình. Đặc biệt hơn, nếu có niềm tin vào Đức Kitô thì đời sống đó không còn là một hành trình đơn điệu nhưng là một hành trình đức tin. Thật thế, hành trình đức tin này đã được khai mở từ việc nhận biết Đức Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa, đã xuống thế làm người để cứu độ nhân loại. Và diễm phúc cho ai nhận ra và mở rộng cánh cửa tâm hồn đón Chúa.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã không được giới lãnh đạo Do Thái nhận biết, họ đã kéo nhau đến để chất vấn về quyền bính của Người “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?” (Mt 21, 23b). “Các điều ấy” là gì? Là việc Chúa Giêsu đã giảng dạy trong đền thờ (x. Mt 21, 23a), đây là việc của các rabbi và các tư tế, còn Ngài là một người bình thường thì lấy quyền nào mà giảng dạy; “Các điều ấy” còn là việc Chúa Giêsu đã đuổi những người buôn bán bồ câu và đổi tiền ra khỏi đền thờ (x. Mt 21, 12-17), mà đền thờ thì do các thượng tế cai quản, vậy Ngài lấy quyền nào mà làm điều đó. Như vậy, câu hỏi của giới lãnh đạo Do Thái phát xuất từ lòng ganh tị mà ra. Chưa hết, đây còn là câu hỏi gài bẫy Chúa Giêsu. Nếu Chúa trả lời quyền do một ai khác thì dân chúng không tôn trọng Ngài nữa. Nếu Chúa trả lời do Thiên Chúa thì Ngài sẽ bị tố cáo tội phạm thượng, vì với người Do Thái, ai cho mình có thẩm quyền của Thiên Chúa thì cũng coi mình giống Thiên Chúa. Trước sự chất vấn của họ, Chúa Giêsu đã không trả lời trực tiếp nhưng gợi ý cho họ nhận ra Người “Vậy, phép rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” (Mt 21, 25a). Đây là câu hỏi đánh thức lương tâm. Chúa đã nhắc lại ngôn sứ Gioan, người đã đến trước để loan báo về Chúa và đặt câu hỏi giúp giới lãnh đạo Do Thái có thể suy xét lương tâm để đi đến sự thật, nhưng họ đã lảng tránh và trả lời “chúng tôi không biết” (Mt 21, 27a). Như thế, họ quyết định đi trong sự tăm tối của lợi ích cá nhân, của lòng đố kị thay vì đi trong ánh sáng để nhận biết chân lý. Họ đã để lòng mình đầy ắp sự kiêu căng nên đã đánh mất sự nhạy bén với Lời Chúa.
Đây có lẽ cũng là tâm thức của con người thời nay, khi chỉ chú tâm tìm kiếm danh vọng, tự mãn với những những gì mình làm được và quên đi Thiên Chúa. Với mỗi người Kitô hữu chúng ta thì sao? Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết mở lòng mình ra để đón nhận ơn cứu độ. Mở lòng cũng đồng nghĩa với việc bỏ đi những rào cản của tâm hồn: rào cản của sự ganh ghét, đố kị, rào cản của sự chai lì trong tội lỗi. Như thế, Thiên Chúa mới có chỗ trong tâm hồn chúng ta. Vì thế, chúng ta cần canh tân đời sống, canh tân lòng trí mình để có lương tâm ngay chính và tinh thần phục thiện. Đó cũng là ý nghĩa của Mùa Vọng mà chúng ta đang sống, Mùa của sự tỉnh thức đón chờ Chúa đến.
Phụng vụ Giáo hội hôm nay kính nhớ Thánh Lucia, trinh nữ, tử đạo. Ngài là mẫu gương của sự tỉnh thức khi biết khước từ những cám dỗ của thế gian, để dâng trọn vẹn con người mình cho Thiên Chúa (Hạnh tích các thánh). Xin cho mỗi người chúng ta cũng luôn biết sẵn sàng để đón Chúa, khi canh tân cuộc sống mình hằng ngày theo Lời Chúa dạy.
.
[/loichua]