Thứ Hai Tuần XXIII Thường Niên – Ngày 06/09/2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 6, 6-11″]

6,6 Một ngày sa-bát khác, Đức Giê-su cũng vào hội đường và giảng dạy. Ở đó có một người bị khô bại tay phải. 7 Các kinh sư và những người Pha-ri-sêu rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy trong ngày sa-bát không, để tìm được cớ tố cáo Người. 8 Nhưng Người biết họ đang suy nghĩ như thế, nên bảo người bại tay : Anh chỗi dậy, ra đứng giữa đây ! Người ấy liền chỗi dậy và đứng đó. 9 Đức Giê-su nói với họ : Tôi xin hỏi các ông : ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt ? 10 Người rảo mắt nhìn họ tất cả, rồi bảo người bại tay : Anh giơ tay ra ! Anh ấy làm như vậy và tay anh liền trở lại bình thường. 11 Nhưng họ thì giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐẤNG “PHỤC HỒI” ISRAEL

“Tôi xin hỏi các ông : ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay huỷ diệt ?”

Đối với người DoThái, ý nghĩa trước tiên của việc cử hành ngày Sabat là để tưởng niệm cuộc giải phóng vĩ đại mà Thiên Chúa thực hiện để đưa dân ra khỏi đất Ai-Cập. Ngươi hãy nhớ ngươi đã làm nô lệ tại đất Ai-cập, và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày sabat. (Dnl 5:15). Chính Thiên Chúa là Đấng đã “phục hồi” tình trạng tự do của họ. Ngày Sabat là thật và tròn đầy ý nghĩa khi được cử hành để tưởng nhớ kỳ công vĩ đại mà Chúa đã thực hiện cho Dân Người.

Bài Tin Mừng hôm nay diễn tả việc Chúa Giêsu chữa một người bị bại tay trong ngày Sabat. Chỉ duy nhất Tin Mừng Luca thuật lại anh bị khô bại tay phải. Trong lịch sử, nơi đất khách quê người, dân Israel đã hát lên: “Gierusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi, thì tay gảy đàn thành tê bại” (Tv137:5). Dường như Luca muốn ám chỉ anh như biểu tượng đại diện cho toàn bộ Israel đang chờ được “phục hồi”. Khi cho người khô bại tay phải được phục hồi, Chúa Giêsu đã thể hiện căn tính của người là Đấng “phục hồi” Israel. Như thế, Chúa Giêsu không chỉ biểu lộ căn tính của Người là Đấng khai mở một thời đại mới (x.Lc5:33-39) và làm chủ ngày Sabat (Lc6:5), mà Người còn thể hiện quyền năng uy quyền của Thiên Chúa, Đấng cứu thoát Israel. Chính Người hoàn thành các lời sấm đã được loan báo trong lịch sử dân Người.

Biểu lộ căn tính cho những người trong hội đường trong ngày Sabat, Chúa Giêsu mời gọi họ tin vào Ngài. Ngày hôm nay, Chúa cũng không ngừng mời gọi chúng ta tin vào tình yêu thương xót vô bờ của Chúa. Cuộc đời con người chúng ta có muôn vàn những khó khăn, đau khổ, thất bại, nhưng chúng ta không sống trong bi quan sầu khổ vì chúng ta tin vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Cuộc sống của chúng ta luôn có ý nghĩa khi chúng ta ngước nhìn lên Chúa. Chính Người đã chịu đau khổ và chết vì chúng ta. Chính người là Đấng mang đến bình an đích thực cho chúng ta. Chỉ có duy mình Người mới mang lại ý nghĩa tròn đầy cho chúng ta. Thật vậy, mầu nhiệm về con người chỉ được sáng tỏ trong và qua màu nhiệm của Chúa Giêsu.

Nguyện xin Chúa thêm ơn đức tin để chúng ta hoàn toàn tín thác vào lòng thương xót của Chúa. Chúng ta cũng cầu xin cho những người đang trong hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, đau khổ về tinh thần và thể xác được ơn can đảm và kiên trì trong đức tin. Xin Chúa nâng đỡ, ủi an và đón nhận những đau khổ họ đang phải chịu như của lễ hy sinh đem lại ơn cứu độ.

[/loichua]

Comments are closed.