NHỮNG CHUYẾN XE CHỞ “TẤM LÒNG”

Tôi đã trở về môi trường sống và làm việc nhưng tâm trí vẫn còn nghĩ nhiều đến những bài học quí giá trong bệnh viện chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid 19.

Lạy Thầy xin cứu con với” (Mt 14, 30). Đó là lời van xin của Phêrô với Chúa Giêsu khi ông nhận ra mình sắp chìm. Đó cũng là lời của bao người, bao gia đình đang thốt lên trong cơn hoảng loạn của dịch bệnh. Tâm nguyện và khao khát của tôi là cùng nhân viên chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân và mong ước nghe được giọng nói, biết vùng miền nơi họ đang cư trú; cảm nhận được những tâm tư và hoang mang khi họ đối diện với dịch bệnh đang diễn ra cho gia đình họ. Nhờ những tháng ngày sống và làm việc, tôi nghe được nỗi lòng của họ, hiểu được tâm trạng hoang mang của họ, cảm thông được những khó khăn họ đang gặp phải, và trực tiếp nghe được những câu chuyện gia đình chất chứa một nỗi niềm với nhiều lo âu pha chút hoảng loạn. Đặt mình trong hoàn cảnh và nỗi niềm của họ, tôi càng khám phá nỗi bất lực của phận người mà khiêm tốn hướng lòng cậy trông vào Thiên Chúa.

Anh em linh mục và chủng sinh chúng tôi khởi đầu ngày mới là đón nhận sự sống thiêng liêng của Chúa qua Thánh Lễ. Giây phút này, chúng tôi dâng cuộc đời cho Chúa, các công việc sẽ làm, những người sẽ gặp, bệnh nhân sẽ được phục vụ và dâng cả những ý nguyện của những ai xin chúng tôi cầu nguyện, đặc biệt những “bệnh nhân” và những người mới qua đời. Đây là món quà và nguồn động lực thiêng liêng quí báu nâng đỡ cho chúng tôi và quí bệnh nhân Công Giáo ở đây. Tôi chân nhận một điều, thánh lễ tôi dâng trong những ngày này ít nhiều cảm xúc của sự kết hợp mật thiết với Chúa hơn. Ý nghĩa rõ rệt hơn khi trong chén thánh và trên dĩa thánh chúng tôi dâng từng linh hồn mới qua đời đêm qua và sáng sớm nay, đặc biệt những người qua đời vì bệnh Covid; những lời cầu nguyện mà quí bệnh nhân gửi đến, những cảm xúc của nỗi buồn, thất vọng, cô đơn, lo lắng, sợ hãi vì bệnh tật. Tôi tin Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương luôn luôn lắng nghe và luôn luôn thấu hiểu đến từng nhu cầu cũng như từng hoàn cảnh sống của mỗi người. Tôi cảm nhận Thánh lễ như một ‘chuyến xe thiêng liêng’ chở Thiên Chúa đến với bệnh nhân. Ngược lại, đó cũng là chuyến xe chở bệnh nhân đến cho Thiên Chúa.Tôi xác tin Chúa luôn ở với nhân loại và với từng người. Chúa nhìn thấu từng tâm hồn, thấu cảm nỗi đau, thấu hiểu nỗi khổ của họ. Ngài luôn nói lời động viên khơi dậy niềm tin và khơi lớn niềm hy vọng, và khơi rộng lòng xót thương: “Thầy đây, đừng sợ” (Mt 14, 27).

Nếu “chuyến xe thiêng liêng” chở Thiên Chúa đến cho con người thì một chuyến xe khác mà khi lên đường tôi chưa hề nghĩ tới. Đó là chuyến xe chở tấm lòng yêu thương, quan tâm của những người bên ngoài cổng bệnh viện (ân nhân của bệnh nhân). Tôi càng thấm thía biết bao lời của Chúa Giêsu nói với các Tông đồ, “Chính anh em hãy cho họ ăn đi” (Mc 6, 37). Tôi cảm nhận phép lạ hóa bánh ra nhiều như đang được làm hôm nay và tại nơi này. Nếu bệnh nhân cần sự quan tâm nâng đỡ bao nhiêu thì những “tấm lòng” cũng muốn gửi đến và trao cho họ bấy nhiêu, có khi còn nhiều hơn thế nữa. Nói cách khác, khát khao chia sẻ của những tấm lòng đang cùng một nhịp yêu, cùng một ước mong thương anh chị em đang nhiễm bệnh rất lớn. Họ có thể là người trong gia đình, họ hàng, khu xóm hay chưa hề quen biết. Họ đang quan tâm, muốn giúp đỡ và sẵn sàng chia sẻ những khó khăn với “bệnh nhân” chỉ vì muốn dành cho nhau một tấm lòng.

Trong những ngày phục vụ, tôi liên tục nhận những cuộc điện thoại hay tin nhắn từ nhiều nơi: “Sáng mai mình gửi xôi và bánh vào cho bệnh nhân ăn sáng nhé. Một cha bạn nhắn tin;” “có người ủng hộ sữa và tã cho em bé cha nhé, chiều con chuyển vào;” “trưa nay có người ủng hộ ổi và thanh long cho bệnh nhân nhé cha;” “cha Hiền ơi, chiều có người ủng hộ cam cho bệnh nhân nha;” công ty chị ủng hộ khẩu trang cho bệnh nhân và sữa ensure cho nhân viên để giữ sức khỏe cha nhé….” Theo sau những cuộc điện thoại hay dòng tin nhắn là những chuyến xe chở nghĩa tình đến với bệnh nhân. Thật ấm lòng! Thật ý nghĩa! Trăm tấm lòng cùng đập chung một nhịp ‘yêu’ và diễn tả bằng lòng ‘thương’ cách cụ thể. Những chuyến xe từ các giáo xứ, công ty hay những ân nhân âm thầm xa gần. Dẫu họ không biết bệnh nhân bằng thể lý nhưng trái tim yêu thương của họ đã hiểu, cảm thông và gần gũi. Muôn tấm lòng cùng hòa chung một nhịp đập của yêu thương, nâng đỡ, động viên, mong ước và hy vọng. Những chuyến xe chở nhu yếu phầm đồng thời chở theo cả những con tim đầy trìu mến của bao người từ khắp nơi đến bệnh viện và trao tận tay cho những bệnh nhân. Tấm lòng như thế ý nghĩa biết bao. Con tim như vậy ngọt ngào dường nào. Ngồi phân chia từng quả cam, quả ổi, nải chuối gói chung với vài hộp sữa, cái bánh để trao cho bệnh nhân, lòng tôi rộn lên một niềm vui khi nghĩ rằng họ ăn thêm trái cam ngọt, quả ổi nhiều vitamin, hộp sữa chứa dưỡng chất… sẽ mau phục hồi sức khỏe và bệnh sớm bình phục. Dưỡng chất yêu thương làm tăng sức đề kháng tinh thần và làm bổ sức khỏe tâm linh. Một nhân viên chia sẻ, “Nhận được nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ cho bệnh viện, chúng con cảm thấy vui lắm. Sự hiện diện và làm việc nhiệt tâm của quý cha và quý thầy nối kết được nhiều người ghê luôn.”

Tôi không còn được phục vụ bệnh nhân nhưng còn đó muôn tấm lòng từ nhiều phương vẫn đến và nhiều hướng vẫn về các bệnh viện. Họ mong ước thông qua những chuyến xe gửi đến một thông điệp cho những người đang được gọi tên là “Bệnh nhân F0” và quý nhân viên rằng: “Các bạn không cô đơn. Chúng tôi luôn bên cạnh và sẵn sàng chia sẻ cuộc sống vật chất và tinh thần với các bạn.” Quả thật, con tim đong đầy yêu thương không có điểm dừng. Bao tấm lòng vẫn mở ra rất rộng và mở rộng rất sâu.

Riêng bản thân mình, tôi nghiệm ra rằng từ nay trên hành cuộc đời, tôi có thêm những “bạn đồng hành” mới. Họ là quí y bác sĩ, nhân viên, anh em dân quân, công an, anh em quân đội, những ân nhân xa gần…. có khác nhau về tôn giáo nhưng chung nhau về tấm lòng yêu thương và phục vụ. Tôi được Chúa cho diễm phúc trở thành bạn của họ thông qua kênh “phục vụ bệnh nhân nhiễm bệnh Covid.” Ban đầu, chúng tôi đến đây với cảm giác xa lạ nhưng khi ra về trong sự ngập ngùi khó bước. Những ngày đầu tiên, chúng tôi dành những ánh mắt ngại ngùng nhìn nhau nhưng ra về trong những ánh mắt ngắn dài muốn giữ. Giây phút ấy, lời của nhà thơ Chế Lan Viên trong bài thơ “Tiếng hát con tàu” thật gần và thấm thía, “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn.”

Tôi mượn tâm tư của thánh Phaolô như một lời kết để nhận ơn những tấm lòng thảo của quý ân nhân; để biết ơn những bệnh nhân đã xây cho tôi một nhịp cầu gặp gỡ, và để cám ơn quý nhân viên đã cho tôi một tình bạn trên đường đời. Thánh Phaolô mong ước rằng, “Mỗi người đừng tìn lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2, 4-5).

Lm. Phaolô Đinh Chí Hiền

 

Comments are closed.