LECTIO DIVINA
‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’
Thánh Bênađô, Viện phụ, Tiến sĩ Hội Thánh. 20-8-2021
Mt 22, 34-40
“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế : Ngài dạy ta ý nghĩa của tình yêu“
1. LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, và yêu tha nhân như chính mình”
Tình yêu là điều thú vị nhất trên đời ! Điều khiến một người phấn khích chắc chắn là tình yêu. Cũng vậy, trong đời sống KTH, không có gì gây phấn khích bằng đời sống thánh thiện. Có thể nói rằng người thánh thiện nhất là người phấn khích nhất trên thế gian. Bạn không muốn được phấn khích, theo cách của các thánh sao ? Vậy thì, hãy yêu ! Nếu bạn yêu đồng loại của mình theo cách Đức Kitô yêu, bạn sẽ ngạc nhiên thấy cuộc sống thú vị như thế nào ! Khi đó, những phúc lành khác của Thiên Chúa mà bạn đang cần, sẽ chảy như dòng sông vào cuộc đời bạn. Đó là lý do tại sao khi được người Pharisiêu hỏi: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là trọng nhất?”, Chúa Giêsu đã trả lời : “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là : Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy“.
Một KTH chỉ có thể được coi là vâng lời Thiên Chúa, nếu, trước hết và trên hết, tuân theo điều răn lớn nhất của Thiên Chúa. Đây là nền tảng của sự thánh thiện, là điều khiến người ấy làm đẹp lòng Thiên Chúa. Mặt khác, việc không sẵn lòng tuân theo điều răn lớn này cũng trở thành cơ sở cho việc người ấy bị kết án – đó là thất bại lớn nhất mà một người có thể phạm phải.
KTH không thể dung hòa hận thù với tình yêu của mình đối với Thiên Chúa và người lân cận. KTH không thể ở với Chúa nếu trong lòng hận thù, thờ ơ, oán giận và ghen tị. KTH không thể làm vui lòng Chúa trong khi cố gắng xa tránh ai đó đã gây rắc rối cho mình. Không thể gọi là yêu mến Chúa, khi đồng thời mang ác cảm với một người nào đó. Người hạnh phúc nhất trên thế gian là người yêu Chúa và yêu đồng loại. Nói cách khác, yêu Chúa và ghét đồng loại không thể đi đôi với nhau. KTH phải tràn đầy tình yêu thương đối với nhau để được ở với Thiên Chúa. KTH là người của tình yêu thương. Càng yêu như Chúa dạy, KTH càng trở nên thánh thiện.
2. MEDITATIO (Suy niệm : Lời Chúa nói gì với tôi ? Duyệt xét Tâm hồn)
Tôi có yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn không ? Tôi có yêu Thiên Chúa với tất cả những gì tôi có: một tình yêu hết lòng, năng động và được thực hiện với niềm xác tín, sự can đảm và tận tâm không ?
Tình yêu đối với Thiên Chúa và người lân cận phải chăng chỉ là một tình cảm mơ hồ, một cảm xúc, một chuyển động thoáng qua hay một thực tế xác định toàn thể con người tôi : trái tim, ý chí, trí tuệ và các mối quan hệ giữa con người với nhau ?
Tôi được tạo ra từ tình yêu. Tôi có biết rằng sự hoàn thành đời tôi diễn ra trong tình yêu của Thiên Chúa, là yêu Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn không ? Một tình yêu như thế đòi hỏi một sự xác nhận bởi lòng bác ái đối với anh chị em và hoàn cảnh sống của họ. Tôi có thực hành điều này trong cuộc sống hàng ngày không ?
3. ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)
“Lạy Chúa từ nhân ! Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Ðể con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu…” (Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô).
4. CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng : Nội tâm hóa Lời Chúa)
“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi… và yêu tha nhân như chính mình”.
5. ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)
Làm một hành động bác ái cụ thể cho người nghèo, người bị loại ra bên lề và người cô đơn, và những nạn nhân của thiên tai và nhân tai.
Để có thể cảm nghiệm được niềm hy vọng giữa lúc tuyệt vọng và chán nản, tôi cố gắng dành một chút thời gian yên tĩnh để cầu nguyện trước Thánh Thể.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.