CHÌA KHÓA BÀI ĐỌC LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT XV-TN_B, 11-7-2021
“TÌNH YÊU và SỰ THẬT”, “CÔNG LÝ và HÒA BÌNH”
Những lời này của tác giả thánh vịnh diễn tả rất đúng thông điệp của Amốt và các tiên tri kế vị ông. Các tiên tri yêu mến dân tộc của mình, không ngại sửa chữa họ và đưa họ trở lại con đường ngay thẳng của sự thật. Điều tương tự cũng xảy ra đối với các Tông đồ, được sai đi rao giảng sự hoán cải.
Bài đọc I: Am 7, 12-15
Amốt là người đầu tiên trong số các tiên tri văn sĩ, và khi đọc phần tóm tắt lời rao giảng của ông “Chúa gầm lên từ Sion” (Am 1, 2), người ta hiểu rằng ông sẽ không nhân nhượng. Ở đây, chúng ta thấy A-mốt bị thách thức bởi Amazias, vị tư tế làm tay sai cho nhà vua, hoạt động trong khu đền thờ dành cho người ngoại giáo ở Bê-tên. Sự táo bạo của tiên tri đến từ sự kiện: A-mốt xuất xứ từ vương quốc phía Nam, và (từ sự kiện) ông cho phép mình đến và nói tiên tri ở vương quốc phía Bắc! A-mốt không thuộc hạng người để cho mình bị đe dọa, và những lời lẽ gay gắt của ông tố cáo mãnh liệt sự thái quá của những người giàu và người có quyền lực. Ông luôn đứng về phía người nghèo và những người bị bỏ lại phía sau. Là người lớn tuổi nhất trong số các tiên tri văn sĩ, ông đặt ra giọng điệu cho lời được các tiên tri trong Kinh Thánh sẽ đi theo, đặc biệt với: Ôsê, Mika, Isaia và Giêrêmia.
Thánh vịnh 84
Thánh vịnh này là thánh vịnh van xin, khẩn cầu. Trong nửa đầu của bài thánh vịnh không được trích ở đây, tác giả thánh vịnh nói về “sự phẫn uất” và sự giận dữ của Thiên Chúa. Nhưng như thường thấy trong các thánh vịnh, giọng điệu có thể thay đổi đáng kể, khi tác giả thánh vịnh lắng nghe Thiên Chúa của mình. Bởi vì thánh vịnh không phải là độc thoại, mà là đối thoại: tác giả thánh vịnh có mọi quyền nói những gì mình nghĩ và cảm nhận, nhưng họ cũng phải lắng nghe Thiên Chúa của mình. Trong nửa sau của thánh vịnh này, tất cả chỉ là tin mừng: bình an cho toàn dân, ơn cứu độ cho những ai kính sợ Chúa, vinh quang trên toàn trái đất, tình yêu và sự thật, công lý và hòa bình … Người ta tin rằng nghe được những lời của Tiên tri A-mốt, trong lời tiên tri kết luận cuốn sách của ông!
Bài đọc II: Ep 1, 3-14
Phaolô biết và yêu mến Hội Thánh ở Ê-phê-sô. Mở đầu bức thư của mình, ông được truyền cảm hứng từ phong cách cầu nguyện đặc trưng của Do Thái giáo mà người ta gọi là “chúc tụng”, dâng lên Chúa. Lời cầu nguyện này là một trong những lời cầu tuyệt vời nhất trong Tân Ước và đáng được suy ngẫm thường xuyên và lâu dài. Người ta chỉ có thể ngạc nhiên trước công trình cứu độ liên quan đến Thiên Chúa Ba Ngôi và sự cao cả của ơn gọi Kitô hữu. Thiên Chúa đã làm thỏa mãn, bằng những phúc lành, tình yêu, lòng nhân từ, ân điển, v.v. những ai được Chúa “chọn” làm dưỡng tử của Chúa. Đó là sự cao cả và vẻ đẹp của sự hiện hữu của Kitô hữu.
Tin Mừng: Mc 6, 7-13
Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai, từng hai người một, đi truyền giáo. Chúa đề cao một lối sống giản dị, và Chúa yêu cầu các môn đệ của mình bắt chước Chúa, chỉ mang theo mình cái tối thiểu. Họ không được hành động theo kiểu quân đội và tìm kiếm bằng mọi giá sự hoán cải của những người họ gặp. Sứ mệnh truyền giáo là quan trọng, nhưng không có lý do gì để ép buộc một ai. Các môn đệ đã làm như vậy: họ công bố sự hoán cải, xua đuổi ma quỷ và chữa lành nhiều người bệnh tật. Chuyến đi truyền giáo này của các Tông Đồ là lần duy nhất được Marcô tường thuật trong khuôn khổ sứ vụ công khai của Chúa Giêsu, nhưng đó là khúc mở đầu cho việc truyền giáo mà họ sẽ hoàn thành từ Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất.
Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, chuyển ngữ