Thứ Tư Tuần VII Phục Sinh – Ngày 19-05-2021

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 17,11b-19″]

Khi ấy, Chúa Giê-su ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng : “Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng. Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong chân lý, lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

Ở LẠI TRONG CHÚA

“Lạy Cha chí thánh, xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha” (x. Ga 17,12).

Khoa học phôi thai và tâm lý học đã khẳng định về tầm quan trọng của bào thai trong việc phát triển của đời người. Ngay cả khi đã trở thành cá thể độc lập, mỗi lần bị chấn động tâm lý, từ vô thức, người ta muốn được che chở trong một nơi mang tính chất như bào thai vậy. Trong ý nghĩa này, chúng ta sẽ hiểu hơn lời nguyện cầu của Chúa Giêsu: để các môn đệ được ở lại trong Chúa.

Thánh Gioan đã có một trực giác siêu vượt về tiền hữu của Ngôi Lời: “Con Một vốn là Thiên Chúa và là Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha” (x. Ga 1,18). Từ đời đời, Chúa Giêsu đã có một sự gắn bó mật thiết với Chúa Cha. Mối liên hệ này đến từ việc Người là Thiên Chúa, cùng một bản thể với Chúa Cha. Đến khi vào trong thế gian, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người” (x. Ga 15,10). Nhờ việc sống trọn vẹn từng giới răn của Cha, Chúa Giêsu càng thân mật với Đấng Toàn Năng. Hơn ai hết, Chúa hiểu và cảm nghiệm rõ nét niềm hạnh phúc, bình an khi ở lại trong Cha.

Do vậy, Tin mừng thánh Gioan kể lại nhiều lần Chúa Giêsu đã mời gọi và cầu nguyện để các môn đệ ở lại trong Chúa: “Chúa Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (x. Ga 15, 9-10). Có thể thấy, việc ở lại trong Chúa mang tính sống còn với người môn đệ. Cành nho chắc chắn khô héo, lụi tàn và sẽ bị thiêu hủy nếu tách lìa khỏi thân nho. Ở lại trong Chúa không còn là một chọn lựa tốt hay tốt hơn, đó là chọn lựa duy nhất của người môn đệ Chúa Giêsu.

Khẳng định tầm quan trọng tuyệt đối của việc ở lại trong Chúa, Chúa Giêsu đồng thời vạch ra hai cách thế hữu hiệu nhất. Trước hết, người môn đệ được mời gọi hãy sống giới răn của Chúa: “Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy” (x. Ga 15,10). Vì “tâm đầu ý hợp” là sự hòa hợp trọn vẹn của con người: khởi nguồn từ tư tưởng, đưa đến hợp nhất trong hành động và thống nhất cả cuộc sống. Thực thi giới răn Thiên Chúa sẽ bện chặt con người môn đệ vào với Chúa Giêsu, vì chính Người cũng đã sống trọn giới răn của Cha và ở lại trong Cha. Hơn nữa, giới răn của Chúa lại được gồm tóm trong yêu thương, mà đỉnh cao của yêu thương là: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (x. Ga 6, 56). Như vậy, nhờ sống tình yêu từ Bí tích Thánh Thể, môn đệ có thể yêu thương trọn vẹn và được ở lại trong Chúa.

Xin Chúa ban ơn giúp chúng ta xác tín tầm quan trọng tuyệt đối của việc ở lại trong Chúa. Cùng với đó, xin Ngài ban thêm cho cảm nghiệm hạnh phúc khi được ở lại trong Ngài. Nhờ đó, chúng ta sẽ có thể chú tâm sống yêu thương, để mỗi ngày được ở lại trong Chúa sâu xa, mật thiết hơn.

[/loichua]

Comments are closed.