Lời Chúa CHÚA NHẬT III PHỤC SINH_B, 18-4-2021 Lc 24, 35-48 “Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài chịu khổ hình, và đã từ cõi chết sống lại”

LECTIO DIVINA

‘Nghe điều Chúa muốn nói với ta trong lời của Ngài và để mình được biến đổi bởi Thần Khí’

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH_B, 18-4-2021

Lc 24, 35-48

“Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế: Ngài chịu khổ hình, và đã từ cõi chết sống lại”

1.  LECTIO (Đọc hiểu đúng nội dung, đọc tiếp nhận, thu lấy thông tin của Lời Chúa)

“Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”

          Lời tường thuật của thánh sử Luca về sự hiện ra ngày Phục sinh này có một chất lượng sống động và vẻ đẹp rực rỡ như ánh mặt trời. Trong khi các môn đệ vẫn đang bàn tán về việc Chúa Phục Sinh hiện ra với Simon và hai môn đệ trên đường Emmaus đã nhận ra Người khi bẻ bánh thế nào, thì Chúa Phục Sinh đứng giữa họ và nói với họ: “Bình an cho anh em”. Những lời chúc phúc trọn vẹn và sự sống sung mãn được các thiên thần hát lên khi Chúa Giêsu sinh ra (x. Lc 2,14: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”), được Chúa Giêsu thực hiện trong sứ vụ công khai của Ngài, và được đám đông tuyên xưng khi Chúa khải hoàn tiến vào Giêrusalem (x. Lc 19, 38: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời!”), bây giờ là món quà vĩnh viễn của Chúa Giêsu Phục sinh cho các môn đệ của Ngài. Lời chào của Chúa Phục sinh, “Shalom!” do đó, không chỉ đơn thuần là một ước muốn, nhưng là sự ban tặng ân tứ bình an, hòa thuận và tràn đầy ân sủng cho những người được cứu chuộc.

          Sự hiện ra Phục sinh của Chúa Giêsu nhằm đảm bảo với các môn đệ rằng Ngài đã thực sự sống lại từ cõi chết. Trình thuật của Luca nhấn mạnh sự thực về chiến thắng của Chúa Giêsu trên sự chết, khi nhấn mạnh rằng thân thể phục sinh của ngài là có thật, mặc dù không còn bị giới hạn về vật lý, thể chất. Thật vậy, theo suy nghĩ của người Do Thái, để sự sống lại là có thật, Chúa Giêsu Phục Sinh phải đi lại, nói năng và ăn uống như Ngài đã từng làm trong cuộc sống trần thế. Sự giao hảo trên bàn ăn của Chúa Phục Sinh với các môn đệ của Ngài là một biểu tượng mạnh mẽ về phép lạ của sự sống mới và thực tại về sự phục sinh của Ngài.

          Với sự hiện ra, Chúa Giêsu Phục sinh đã khai mở tâm trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh. Từ trước đến nay, là Chúa và là Thầy, Chúa Giêsu dẫn dắt các môn đệ vào một bài giáo lý liên quan đến những gì được viết về Ngài trong Luật Môisê, các tiên tri và thánh vịnh. Là Đấng Mêsia được tôn vinh, Ngài là sự ứng nghiệm của Kinh Thánh. Ngài khai mở tâm trí họ để họ hiểu biết một cách triệt để về lời tiên tri đã ứng nghiệm liên quan đến Đấng Thiên Sai: “rằng Chúa Kitô phải chịu đau khổ và sống lại từ cõi chết vào ngày thứ ba” (x. Lc 24,47). Hơn nữa, Ngài dịu dàng dẫn dắt họ nhận thức ý nghĩa sứ mệnh của họ với tư cách là chứng nhân đặc biệt về sự phục sinh: sự sám hối, để được tha tội, phải được nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem (x. Lc 24, 48).

        Trong lời tường thuật kỳ diệu hôm nay về cuộc hiện ra Phục Sinh (Lc 24, 35-48), Vị Thầy Phục Sinh hướng dẫn các môn đệ của mình cho hiểu đầy đủ ý nghĩa của phép lạ vĩ đại nhất trong các phép lạ: sự Chúa phục sinh từ cõi chết và sự Ngài được tôn vinh. Ngài dẫn dắt họ trên cuộc hành trình tâm linh từ không tin đến tin, từ nghi ngờ đến thờ lạy, từ tuyệt vọng đến vui mừng, từ rụt rè đến can đảm, từ những nhân chứng của sự phục sinh đến những sứ giả quyền năng của tin mừng cứu rỗi. Thật vậy, trong phép lạ Phục sinh, đức tin của các môn đệ đã được hoàn thiện. Khi mở lòng trước sự kiện Phục sinh, họ sẽ làm cho những phép lạ của sự sống mới và vẻ đẹp ngập tràn ánh nắng xảy ra trong thời gian và không gian.

2.  MEDITATIO (Suy niệm: Lời Chúa nói gì với tôi? Duyệt xét Tâm hồn)c

–      Xảy ra là trên đường đi, các ông đã nhận ra Người:  Đã có bao nhiêu cơ hội ân sủng xảy đến dọc theo đường đời của tôi?  Tôi có nhận ra Chúa khi Người bẻ bánh với chúng ta trong quán trọ vào buổi tối không?

–      Chính Chúa Giêsu ở giữa các ông.  Hãy xem và chạm vào:  Chính Thầy đây!  Đôi tay của tôi có đụng chạm vào các ân sủng của sự tự do trong con người của Đức Kitô vẫn sống không? và (có đụng chạm vào Chúa) khi tôi làm gãy đứt cảm giác về tình yêu của tôi với Ngài không?

–      Giật mình và khiếp sợ, họ tưởng mình thấy ma:  Tôi được lôi cuốn theo Vị Thiên Chúa nào?  Đó là Vị Thiên Chúa vô hình, Đấng luôn ở ngoài tầm thế giới nhỏ bé của tôi, hay đó là Thiên Chúa “thần thiêng” toàn năng mà tôi mong muốn?

–      Các ông vẫn còn chưa tin, dù vui mừng:  sự vui mừng có phải là cây gậy đi đường của tôi trong cuộc hành trình dương thế không?  Cảm giác mong đợi có sống động trong tôi không, hay tôi trôi dạt theo cái bóng cam chịu số phận của mình?

–      Chúa Giêsu mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh:  Hình ảnh tạo vật mà tôi kiếm tìm đang ở đâu? Tôi có biến Kinh Thánh thành nỗi luyến tiếc Lời Chúa về Tình Yêu vĩnh cửu, bị bỏ rơi như làn gió thoảng, giữa các bộ tộc loài người đang đau khổ không?

3.  ORATIO (Cầu nguyện với Lời Chúa)

          Lạy Thiên Chúa toàn năng và giàu lòng thương xót, Chúa Giêsu Con của Cha đã mở trí và tâm hồn chúng con cho hiểu ý nghĩa của Kinh Thánh liên quan đến cái chết và sự sống lại của Ngài. Xin cho chúng con luôn cảm nhận được quyền năng cứu độ của Chúa Phục Sinh trong cuộc sống hàng ngày của chúng con, để khi đã tràn đầy năng lượng của biến cố Phục Sinh, chúng con có thể ra vào thế giới và phục hồi niềm vui cho một thế giới tan vỡ, nhân danh Chúa Giêsu. Ngài hằng sống và trị vì mãi mãi. Amen. Alleluia!

4.  CONTEMPLATIO (Suy Chiêm, Chiêm Ngưỡng: Nội tâm hóa Lời Chúa)

“Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại”

5.  ACTIO (Biến đổi đời sống theo Lời Chúa)

          Bằng lời nói, gương sáng và việc làm, đặc biệt để làm ích cho những người cần hy vọng và an ủi, tôi công bố biến cố Vượt Qua về cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô trong thế giới đầy thử thách của cuộc sống hàng ngày của tôi.

Lm. Gb. Nguyễn Đăng Tuệ, phóng tác.

Comments are closed.