[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 18,1-19,42″]
Bấy giờ ông Phi-la-tô truyền đem Đức Giê-su đi và đánh đòn Người. Bọn lính kết một vòng gai làm vương miện, đặt lên đầu Người, và khoác cho Người một áo choàng đỏ. Họ đến gần và nói: “Kính chào Vua dân Do-thái!”, rồi vả vào mặt Người. Ông Phi-la-tô lại ra ngoài và nói với người Do-thái: “Đây ta dẫn ông ấy ra ngoài cho các người, để các người biết là ta không tìm thấy lý do nào để kết tội ông ấy”. Vậy, Đức Giê-su bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Phi-la-tô nói với họ: “Đây là người!”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG MANG LẤY THÂN PHẬN CON NGƯỜI
Đức Giê-su bước ra ngoài, đầu đội vương miện bằng gai, mình khoác áo choàng đỏ. Ông Phi-la-tô nói với họ: “Đây là người!”. (Ga 19,5)
“Chuộng sự siêu phàm” chính là nét đặc trưng mà ta có thể nói gọn về con người ngày nay. Tính cách này phản ánh qua các ước muốn mà họ đang ngưỡng vọng: siêu nhân, siêu trí tuệ, siêu mẫu, siêu xe…Dường như, con người hôm nay chỉ để tâm đến những gì siêu vượt, những gì giúp họ khẳng định được vị thế và chỗ đứng trong xã hội. Trong khi, họ dễ dàng phớt lờ những thứ bình thường và không có thế giá. Với Thiên Chúa lại khác, đặc biệt qua cuộc nhập thể và khổ nạn của Chúa Giêsu, Ngài không cho chúng nhìn ra một Thiên Chúa siêu vượt mọi thực tại nhưng lại là một Thiên Chúa thật gần gủi, yếu đuối và giống con người trong cõi nhân sinh. Chính Chúa Giêsu đã mang lấy phận người.
Ngoài những hình ảnh hay tình tiết của một cuộc xử án bất công, bài thương khó của thánh sử Gioan tựa như một cuộc tranh luận về căn tính của Đức Giêsu. Ở nơi đó, người ta cố gắng để dung hòa giữa hình ảnh của một con người với một vị Thiên Chúa, giữa một người thành Nazareth với vị vua của dân Do Thái, giữa một cái gì đó thật tầm thường bình dị với một thực tại siêu việt. Trong khi, hầu hết các nhân vật trong bản văn đều muốn và nỗ lực để tìm kiếm những sự khác thường, trổi vượt nơi con người Giêsu thì chỉ một số ít quan tâm đến nỗi thống khổ của Ngài, của một con người thực sự với những vết thương khủng khiếp.
Khi suy niệm về cuộc thương khó, Đức Hồng Y Cantalamessa đã dựa theo một bức tranh của danh hoạ Jan Mostaert ở thế kỷ 16 để mô tả lại cách chân thực về dáng dấp nhân loại của Chúa như sau: Chúa Giêsu đội một mão gai trên đầu. Những giọt máu chảy dài xuống mặt Ngài. Miệng Ngài hé mở, giống như người gặp khó khăn trong việc thở. Trên đôi vai của Ngài, một miếng vải nặng nề và cũ rách, giống một tấm để bọc bộ nĩa hơn là một tấm khăn trải bàn. Đôi vai Ngài hằn lên những vết xước từ những trận đòn vừa xong. Hai cổ tay bị trói lại với nhau bằng một sợi dây thừng thô kệch được cuốn hai vòng. Quân lính đặt một cây sậy vào một trong hai bàn tay của Ngài như kiểu một cây gậy và một bó những cành cây ở tay kia, những biểu tượng để chế nhạo vương quyền của Ngài. Chúa Giêsu không thể cử động dù chỉ là một ngón tay. Đấy chính là hình ảnh mà Thiên Chúa muốn mỗi người cùng chiêm ngưỡng, một nguyên mẫu của tất cả mọi người trong lịch sử.
Thời nay, người ta chỉ muốn nên giống Thiên Chúa quyền năng, muốn tỏ ra sức mạnh, muốn có uy quyền và che giấu đi những gì là trần trụi của mình. Họ muốn thay thế tất cả những yếu hèn cho cái siêu phàm. Ở chiều ngược lại, Chúa Giêsu lại muốn nên giống chúng ta trong mọi sự trừ tội lỗi. Qua đó, Ngài muốn gửi đến ta một thông điệp: Thiên Chúa không xa nhưng thật gần gũi; luôn cảm thông với thân phận của con người, đặc biệt là người nam hay nữ đang đói khát, mình trần, bị đối xử tệ, hoặc bị tù đày. Như triết gia Blaise Pascal viết: “Đức Kitô sẽ phải ở trong cơn thống khổ cho đến ngày tận cùng của thế giới; chúng ta phải không được ngủ trong suốt thời gian này”. Như thế, chúng ta hãy mạnh mẽ đón nhận những khổ đau của mình vì biết rằng Thiên Chúa vẫn luôn ở gần kề và nâng đỡ ta.
Tam nhật thánh đã bắt đầu. Xin Chúa gia tăng sức mạnh và tình yêu để nhờ đó mỗi ngày chúng ta càng nên giống Chúa hơn không chỉ về phương diện thiêng liêng nhưng còn về tinh thần đón nhận sự yếu hèn của phận người.
[/loichua]