Bản án của Đức Giêsu vẫn mãi mãi là một vụ án phức tạp, gây khó hiểu và ngạc nhiên cho muôn người, cho nhân loại nhìn theo mặt lịch sử, nhưng nếu con người có lòng tin thì cái chết trên thập giá của Đức Kitô là nguồn ơn cứu rỗi cho mọi người: “Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” (Ga 15, 13). Nơi thập giá, Chúa Giêsu đã lôi kéo và qui tụ mọi người. Vì thập giá là tình yêu như thánh Gioan đã viết”Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến ThiênChúa nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội, vì tội lỗi chúng ta” (1 Ga 4, 10) và thánh Phaolô đã nói: “đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8, 32).
CHÚA GIÊSU LÀM THEO Ý ĐỊNH CHÚA CHA:
Cái chết là một cái gì bi đát cho cuộc đời, cho con người. Ai cũng phải chết đó là qui luật của đời người của con người, của mỗi người. Tuy nhiên, đối với với những người có đức tin: mất là được lại, chết là có sự sống mới, sự sống đời đời. Chúa Giêsu đã không
sợ chết, đã không sợ đau khổ, Ngài đã nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4, 34) hoặc Ngài tâm sự: “Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống ?” (Ga 18, 11). Chúa chấp nhận ý định của Chúa Cha với tâm hồn thanh thản và hoàn toàn tự do: “Mạng sống của Tôi không ai lấy đi được, nhưng chính Tôi hy sinh mạng sống mình” (Ga 10, 18). Chúa hiến thân trên thập giá để cứu độ nhân loại và cái chết của Ngài là tuyệt đỉnh tình yêu của Ngài đối với nhân loại, đối với con người. Chúa chết, nhưng Ngài vẫn sống và Ngài vẫn hiện diện với nhân loại, với con người qua Bí Tích Thánh Thể: “Đây là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em. . . Đây là Máu Thầy, Máu để lập Giao ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26, 39). Chúa chấp nhận gánh tội của nhân loại với tâm tình hoàn toàn vâng phục: “Xin đừng theo ý Con, nhưng xin theo ý Cha “. Chúa đón cái chết với tất cả ý thức, với tất cả tâm hồn hoàn toàn hiến tế, chính cái chết vâng phục của Chúa Giêsu đã làm cho thế giới, cho con người được tràn đầy hồng ân, chứa chan ân sủng và lãnh nhận ơn cứu độ. Chúa chết mang ơn cứu độ và hạnh phúc cho con người, nhưng con người lãnh nhận ơn cứu chuộc của Ngài với sự tự do: “Chúa Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Ngài” (1 Pr 2, 24).
SUY TÔN THẬP GIÁ:
Thánh giá dù là gỗ, sắt, vàng, hay giấy vẫn là thánh giá mang ơn cứu độ cho nhân loại. Con người vẫn hận thù ghen ghét, đã nghĩ ra hình phạt thật bỉ ổi, nặng nề để làm khổ nhau. Chỉ với hai thanh gỗ ghép chéo lại với nhau, con người đã gây sự đau khổ và giáng trên người khác một hình phạt nặng nề và đáng kinh tởm nhất. Chúa nói: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình, vác thập giá của mình mà theo Thầy “. Thập giá là tình thương. Thập giá là hạnh phúc cho những ai có lòng tin. Đạo Kitô giáo không phải là đạo đi tìm thập giá để vác cho khổ. Nhưng thập giá là niềm tin và là hạnh phúc cho bất cứ những ai biết chấp nhận với lòng vâng phục, yêu mến và tự do. Thánh giá được tôn kính và suy tôn do một sự kiện trong lịch sử: số là những người Ba Tư xâm chiếm Giêrusalem dưới thời Hoàng Đế Hérachius I, lấy mất cây thánh giá chính mà thánh Hélène, mẹ của vua Constantin đã để lại. Hérachius nhất định lấy lại thánh giá thật này. Vua đã cầu nguyện và nung nấu chí khí, lời cầu nguyện của nhà vua đã được Chúa thương chấp nhận, Ngài đã đánh bại quân Ba Tư và trở về Constantinople trong tiếng hò reo, vui mừng của toàn thể dân chúng. Dân chúng và mọi người đều cầm trên tay cành lá olive, với những bó đuốc chói sáng, thánh giá thật của Chúa đã được tung hô, tôn vinh trong bầu khí khải hoàn, hân hoan. Nhà vua phấn khởi vui mừng muốn rước thánh giá sau 14 năm lưu lạc vào thành thánh Giêrusalem. Nhà vua tiến vào thành thánh, nhưng trước khi lên núi Sọ, nhà Vua không thể nào bước được. Giáo trưởng Zacharie hô to: “Tâu Đức Vua, xin Đức Vua cởi bỏ bộ y phục sang trọng ra vì nó không xứng đáng với cảnh Chúa Giêsu khó nghèo, khiêm nhượng khi vác thập giá”. Vua Herachius I liền cởi bỏ bộ xiêm y sang trọng và khoác vào người bộ quần áo nghèo hèn. Nhà vua bước đi cách dễ dàng và để tỏ ra sự vinh thắng, khải hoàn, Chúa đã làm nhiều phép lạ trong ngày hôm đó. Từ hôm đó, thánh lễ tôn vinh thánh giá được lập ra để mọi người tôn vinh thánh giá.
Lạy Chúa, Chúa đã muốn cho Con Một Chúa chịu thập hình khổ giá để cứu chuộc loài người. Xin cho chúng con mai sau được hưởng nhờ quả phúc cây thập giá, mà ngày nay chúng con vẫn một lòng yêu mến suy tôn (Lễ Suy Tôn Thánh Giá. Lời Nguyện nhập Lễ).