Thứ Năm Tuần 28 Thường Niên – Ngày 15/10/2020

Lời Chúa: Lc 11,47-54

Khi ấy, Chúa phán: “Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Thật, các ngươi làm chứng và tán thành những hành động của tổ phụ các ngươi: vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri, còn các ngươi thì xây mồ mả cho họ. Bởi đó mà sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã nói: Ta sẽ sai đến với chúng các tiên tri và các tông đồ, trong số các vị đó, người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại, khiến cho dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu của tất cả các tiên tri đã đổ ra từ lúc tạo thành vũ trụ, kể từ máu của Abel cho đến máu của Giacaria, người đã bị sát hại giữa bàn thờ và thánh điện. Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu. Khốn cho các ngươi! Hỡi những tiến sĩ luật, vì các ngươi cất giữ chìa khoá sự hiểu biết. Chính các ngươi đã không được vào, mà những người muốn vào, các ngươi đã ngăn cản họ lại”. Khi người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng.

 


Suy niệm

NHỮNG NGƯỜI CÙNG SỨ VỤ VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐƯỢC TRAO PHÓ

“Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết (…) Khốn cho các ngươi! Hỡi những tiến sĩ luật, vì các ngươi cất giữ chìa khoá sự hiểu biết.” (Lc 11,47.52).

Trong Tin Mừng Luca, trên hành trình tiến về Giêrusalem, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ rất nhiều về bản chất và lối sống của họ. Một trong những bài học đó liên quan đến các vấn đề nghịch lại với lý tưởng tông đồ.

Sự đối nghịch này được nhận ra qua lời lên án của của Chúa Giêsu đối với các kinh sư và luật sĩ. Họ từ chối những ngôn sứ được Chúa sai đến. Họ không chu toàn nhiệm vụ giảng dạy và hướng dẫn đối với dân chúng. Họ như những mục tử thấy chiên tản mác mà không quan tâm chăm sóc (x. Ed 34,6). Nét nổi bật của những sai lầm trên là sự đỗ vỡ hai loại tương quan. Tương quan thứ nhất là với những người cùng chung sứ vụ, vì cả ngôn sứ, kinh sư lẫn luật sĩ đều là những người được trao trách nhiệm chỉ dẫn cho dân chúng. Tương quan thứ hai là với những người được trao phó để chăm sóc. Sự đỗ vỡ này hoàn toàn nghịch lại với khuôn mẫu của người môn đệ là Đức Giêsu, Đấng đến để thi hành ý Chúa Cha và sẵn sàng hy sinh cho đoàn chiên của mình.

“Thưa anh em, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, tôi khuyên tất cả anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói, và đừng để có sự chia rẽ giữa anh em” (1Cr 1,10), đó là lời của thánh Phaolô nhắc nhở cộng đoàn Corintô đang có vấn đề chia rẽ bè phái. Cũng theo Phaolô, mỗi thành viên trong Giáo Hội có những đặc sủng và nhiệm vụ riêng nhưng cùng hướng đến việc phục vụ nhiệm thể Giáo Hội (x. 1Cr 12,4-11). Như thế, chúng ta hãy cộng tác với những ai cùng chung sứ vụ, đừng ghen tị, hạ bệ hay vùi dập họ. Còn đối với những người được trao phó, khi đứng ở vị trí lãnh đạo, được trao quyền quyết định và phân chia công việc, chúng ta dễ bị cám dỗ dành phần thuận lợi cho mình và đẩy phần bất lợi cho người khác. Chúng ta hãy nghe lời thánh Phêrô khuyên nhủ: “Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ” (1Pr 5,2). Chúng ta hãy học thái độ phục vụ của Chúa Giêsu, đừng bóc lột, lạm dụng những người được trao phó.

Chúng ta hãy thú nhận với Chúa về những sai lầm mắc phải khi làm việc chung với anh em mình, thú nhận về thái độ ganh tị, những lời dèm pha và nói xấu nhau. Đồng thời, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta một tấm lòng sẵn sàng hy sinh vì người khác và lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau (x. Gl 5,13).


Comments are closed.