[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 5,33-37″]
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con lại còn nghe dạy người xưa rằng: “Ðừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa”. Phần Thầy, Thầy bảo các con: Ðừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được. Nhưng lời các con phải: có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
TRUNG THỰC TRONG LỜI NÓI
“Có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra” (Mt 5,37).
Ca dao Việt Nam có câu: “Thẳng thắn, thật thà, thường thua thiệt. Lọc lừa, lươn lẹo, lại leo lên”. Vì thế, có nhiều người viện dẫn lý do này để trốn tránh việc nói thẳng, nói thật. Nhưng tiền nhân đã dùng câu nói này để đúc kết kinh nghiệm đau thương của những ai sống theo sự thật. Đối với các Kitô hữu, câu ca dao này cần phải được hiểu theo nghĩa tích cực của nó, nhờ ánh sáng của Tin Mừng Chúa Kitô. Con người phải sống trung thực trong lời nói dù phải gặp nhiều gian nan, thử thách và thua thiệt.
Trung thực trong lời nói xuất phát từ chính phẩm giá con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Thánh Kinh mô tả rất rõ: “Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa, Chúa tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa” (St 1,27). Hình ảnh của Thiên Chúa mà tư tưởng tiền nhân trong sách Sáng Thế đã trình bày là chính bản chất của Thiên Chúa. Con người là hình ảnh của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa là Ðấng chân thật, cho nên thuộc tính cơ bản nhất của con người cũng phải là chân thật. Sự chân thật của Thiên Chúa thể hiện trong sự nhất quán giữa lời nói và hành động, Người chỉ phán một lời là muôn loài muôn vật liền xuất hiện mà không có sự cách quãng. Cũng thế, con người tuy chỉ là một loại thụ tạo, nhưng được mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa, thì con người phải ý thức hơn ai hết về phẩm giá cao trọng của mình.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu không nói với một đối tượng vô định; Người nói với các môn đệ của mình. Khi dạy các môn đệ “có thì nói có, không thì nói không”, Chúa Giêsu muốn lời nói của các môn đệ mang sức mạnh của sự thật, tự nó chắc chắn và đáng được mọi người tin cậy. Người Kitô hữu, ngoài mang trong mình bản chất của sự thật còn được mời gọi là chứng nhân của Tin Mừng, do vậy, trung thực trong lời nói đóng góp một phần không nhỏ trong việc làm sáng tỏ bản sắc của môn đệ Chúa Kitô. Niềm tin của người Kitô hữu có khả tín hay không là tùy mức độ họ cam đảm để nói lời sự thật trong cuộc sống. Chúng ta hãy nghe và suy gẫm kinh nghiệm của Thánh Phaolô: “Có tin thật trong lòng, mới được nên công chính; có xưng ra ngoài miệng, mới được ơn cứu độ” (Rm 10,10) để luôn trung thực trong lời nói, suy nghĩ và hành động.
Xin Chúa Giêsu, Đấng là đường, sự thật và sự sống, hướng dẫn chúng ta bước đi trên con đường Thập giá của Người. Xin ban cho chúng con nghị lực để thể hiện sự chân thật trong lời nói, trong hành động để làm chứng nhân cho Chúa. Xin tạo cho chúng con một lương tâm trong sáng, một tấm lòng ngay thẳng để chúng con luôn tìm được sự bình an trong cuộc đời.
[/loichua]