Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Liệu việc cử hành Thánh lễ Tridentinô có giả định rằng vị chủ tế và / hoặc cộng đoàn phải hiểu tiếng Latinh không? Làm thế nào họ chuyển dịch bản văn một cách hợp lý và có thể chấp nhận được (rationabilem acceptabilemque)? Liệu có là quan trọng để biết những gì văn bản gốc dự định nói hay không? – J. K., Crown Point, Indiana, Hoa Kỳ.
Đáp: Câu hỏi này khiến tôi hơi khó hiểu, không phải vì nó không phải là câu hỏi hay, mà vì nó có thể được trả lời từ rất nhiều quan điểm, mà tôi khó biết nên bắt đầu từ đâu.
Từ quan điểm lịch sử, chúng ta có thể nói rằng Thánh Lễ Latinh, ngay từ đầu, là một văn bản được nâng cao và không phải là ngôn ngữ phổ thông của người dân. Lễ Quy Rôma đặc biệt là một thí dụ về thuật hùng biện Rôma, với các âm tiết và bộ tính từ được tính toán. Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả (540-604) nói rằng đó là công trình của một học giả “kinh viện”, hay một người uyên bác.
Trong các thế kỷ tiếp sau sự suy tàn của Đế chế Rôma, người Công giáo tham dự Thánh lễ, không chỉ không biết gì về tiếng Latinh, mà hầu hết là mù chữ trong tất cả các ngôn ngữ khác. Thậm chí nhiều linh mục chỉ biết tiếng Latinh chút đỉnh để cử hành các bí tích.
Trên hết, Công đồng chung Trentô đã bảo vệ việc sử dụng tiếng Latinh, bởi vì nó đã mang lại sự thống nhất của phượng tự và giáo lý trong thời kỳ chia rẽ xã hội lớn, và trong đó tiếng Latinh vẫn là ngôn ngữ của văn hóa và khoa học.
Vì vậy, chúng ta có thể nói rằng một kiến thức về tiếng Latinh là không cần thiết để tín hữu có thể thờ phượng, trừ khi chúng ta muốn khẳng định rằng phần lớn người Công giáo đã không tham gia vào việc phụng tự trong 1.500 năm.
Ngay cả khi Hội Thánh, theo Công đồng chung Vatican II, đã quyết định rằng bây giờ tốt nhất là phụng vụ được cử hành bằng các ngôn ngữ hiện đại, văn bản Latinh vẫn là điểm tham chiếu, và nên hướng dẫn các dịch giả tìm kiếm một văn bản dễ hiểu nhưng thanh lịch cho việc thờ phượng.
Mặc dù một số lý do ủng hộ các thay đổi này về bản chất là có tính ý thức hệ vào thời điểm đó, và một số kết quả là không hoàn hảo, nói chung sự thay đổi này đã được chứng minh là tích cực.
Tuy nhiên, việc ủng hộ ngôn ngữ địa phương không đòi hỏi phải xóa bỏ tiếng Latinh và các hình thức phụng vụ, vốn đã được sử dụng trong Hội Thánh trong nhiều thế kỷ. Vì lý do này, các hình thức này có thể được cử hành tự do, và có một số lượng đáng kể người Công giáo muốn làm việc phượng tự theo cách này.
Tôi đã nói rằng một kiến thức về tiếng Latinh không phải là một yêu cầu tuyệt đối, nhưng có một thực tế rằng hầu hết những người tham dự hình thức ngoại thường ngày nay đều là những người được giáo dục tốt. Ngay cả những người không biết ngôn ngữ cũng sẽ theo dõi buổi lễ bằng sách lễ song ngữ, và có thể theo dõi các nghi lễ một cách dễ dàng.
Mục đích của Hội Thánh trong việc cải cách phụng vụ là để tạo điều kiện cho sự tham gia tích cực của các tín hữu trong Thánh lễ.
Cụm từ “sự tham gia tích cực” được Thánh Giáo hoàng Piô X đưa ra vào năm 1903, và trên tất cả là một hoạt động tâm linh về phía tín hữu, trong việc họ hợp nhất với sự hy tế thánh của bàn thờ một cách có ý thức và có ý nghĩa. Đó là sự thực hành của chức linh mục phổ quát của các tín hữu, thông qua sự hiệp thông với chức tư tế thừa tác của linh mục.
Sự tham gia tích cực có thể được các tín hữu ủng hộ bằng nhiều cách khác nhau, như hát đáp thưa trong Thánh lễ, hoặc các bài hát khác, trả lời các lời mời gọi, và trong phụng vụ hiện đại, thực hiện một số thừa tác và phận vụ khác nữa. Mặc dù tất cả các hoạt động này có thể thể hiện sự tham gia tích cực, nhưng chúng không bao giờ là thiết yếu cho sự tham gia tích cực, vốn sẽ luôn luôn chủ yếu là một hoạt động tâm linh.
Sự tham gia tích cực đích thực có thể đạt được trong tất cả các hình thức thờ phượng hợp pháp của Hội Thánh bằng tiếng Latinh, và bằng bất kỳ ngôn ngữ nào khác. Điều này có nghĩa là bao gồm hình thức thông thường và hình thức ngoại thường, trong các nghi lễ Ambrôxiô, Mozarabic và Braga, và trong bất kỳ nghi lễ nào của các Giáo hội Công giáo Đông phương. (Xem bài liên quan của chúng tôi ngày 5-5 vừa qua.)
Tất cả chúng chỉ đơn giản là phương tiện để thờ phượng Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, đi vào sâu thẳm của các mầu nhiệm thiêng liêng, và, để sử dụng một biểu hiện phổ biến nơi các Giáo phụ, được thần hóa qua các mầu nhiệm này và trở thành môn đệ đích thực của Chúa Kitô.
Các vấn đề bên ngoài là quan trọng, và chúng ta không nên coi thường hoặc tương đối hóa chúng, nhưng chúng ta không bao giờ được quên rằng bản chất của phụng vụ là biến đổi sự thờ phượng. (Zenit.org 26-5-2020)
Nguyễn Trọng Đa