[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Ga 15,18-21″]
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
THUỘC VỀ CHÚA
“Anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian” (Ga 15,19).
Tục ngữ có câu “yêu cây mới nhớ đến hoa”. “Yêu ai” thì yêu mọi người liên hệ và mọi thứ liên quan đến người đó. “Ghét nhau” thì “ghét cả tông chi họ hàng” và “mảnh quạt mo cũng đòi”. Tình cảm đối lập “yêu” và “ghét” này cũng chỉ là có “thuộc về nhau” hay không.
Trong bài Tin Mừng này, Thầy Giêsu cho các môn đệ biết hai lý do mà thế gian ghét các ông. Một là thế gian đã ghét Thầy trước (x. Ga 15,18) và đương nhiên trò cũng không thoát khỏi cơn ghét của thế gian, vì “tôi tớ không lớn hơn chủ nhà” (x. Ga 15,20). Hai là các ông không thuộc về thế gian, mà thuộc về Thầy do Thầy đã chọn và đã tách các ông khỏi thế gian (x. Ga 15,19), nghĩa là nguồn gốc của các ông không thuộc về “hạ giới”, nhưng thuộc về “thượng giới” mà Thầy đã khẳng định trong nhiều dịp với nhiều người khác nhau, chẳng hạn với Nicôđêmô vào ban đêm (Ga 3,31); với những người Do Thái tại đền thờ ( Ga 8,23); và cách long trọng với tổng trấn Philatô tại dinh của ông (Ga 18,36). Khi các môn đệ được Thầy Giêsu chọn để thuộc về Thầy, các ông chấp nhận mối giằng co việc sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian. Bài Tin Mừng này, vì vậy, cũng là lời tiên báo về số phận của các Kitô hữu qua mọi thời đại.
Dẫu trải qua trăm cay nghìn đắng, các tín hữu vẫn ao ước được “tử đạo” làm rạng rỡ danh xưng “Kitô hữu”, “người thuộc về Đức Kitô”, như lời thánh giám mục Inhaxiô thành Antiôkhia đã viết trong thư gửi tín hữu Rôma: “Xin anh em cầu cho tôi được sức mạnh bề trong cũng như bề ngoài, để tôi không những chỉ nói mà thực sự còn muốn tử đạo, ước gì tôi không chỉ mang danh Kitô hữu mà thật sự là Kitô hữu. Quả vậy, có thật sự là Kitô hữu, tôi mới được gọi là Kitô hữu và tôi chỉ là tín hữu trung thành, khi không còn xuất hiện ở trần gian nữa” (Kinh Sách, Thứ Hai Tuần X Mùa Thường Niên). Do đó, thấy được viễn cảnh này, liệu chúng ta có còn nhuệ khí muốn thuộc về Chúa hay không? “Thuộc về Thầy” là sống hiệp thông với Thầy bằng việc kiên trì và liên lỉ đáp lại lời mời gọi đi theo Thầy được biểu hiện qua việc từ bỏ các đam mê của tính xác thịt là “dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén, và những điều khác giống như vậy”; và qua việc sống theo Thần Khí là “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (x. Gl 5,19-23).
Tóm lại, “thuộc về Chúa” là một hành trình đi đến đồi Canvê để được chia sẻ thánh giá với Thầy và cùng chịu đóng đinh với Thầy vào thập giá (x. Gl 2,20). Chính thánh giá là thước đo mức độ người môn đệ thuộc về Thầy. Ước gì chúng ta chấp nhận để thế gian ghen ghét để càng trở nên môn đệ của Thầy Giêsu hơn.
Lạy Chúa, thập giá minh chứng tình yêu. Xin Chúa ban cho chúng con sức mạnh vác thập giá mỗi ngày để minh chứng tình yêu dành cho Thầy Giêsu và trở nên của lễ đích thực hiến dâng Thiên Chúa.
[/loichua]