Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi: Gần đây (ngày 30-9-2019) Đức Giáo hoàng Phanxicô đã thiết lập Chúa Nhật Lời Chúa với Tông thư dạng tự sắc Aperuit Illis. Trong Đoạn 3, ngài nói: “Các cộng đoàn nên tìm cách sống Chúa nhật này như một ngày trọng đại. Trong mọi hoàn cảnh, điều quan trọng là khi cử hành thánh lễ, có thể giới thiệu bản văn thánh cách nào cho cộng đoàn thấy rõ giá trị quy phạm vẫn có nơi Lời Chúa” (Bản dịch Việt ngữ của Nhóm Phiên Dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ.) Con có ba câu hỏi: 1) Liệu việc Đức Giáo Hoàng yêu cầu suy tôn Sách Thánh phải được xem là một nghĩa vụ phụng vụ ràng buộc, hay chỉ đơn thuần là một sự khuyến khích để chọn một lựa chọn hợp lệ? 2) Liệu Chúa nhật này, và lời kêu gọi đặc biệt về việc suy tôn Lời Chúa, có liên quan đến tất cả các nghi thức phụng vụ khác nhau của Hội Thánh Công giáo không? 3) Hình thức nào hoặc các hình thức nào của việc suy tôn có thể được chọn, và cha có gợi ý thiết thực nào cho việc các giáo xứ có thể đưa việc suy tôn Lời Chúa, vào trong cử hành Chúa Nhật Lời Chúa năm tới chăng? Ở một số nơi, sau bài đọc II, con đã thấy Sách Thánh được rước bởi các thành viên của cộng đoàn tới cung thánh, nơi đó người sẽ đọc Tin Mừng tiếp nhận sách. Con chưa hề thấy nơi nào Hội Thánh cho phép hoặc khuyến khích sự thực hành này, nhưng nó có vẻ khá phổ biến ở một số nơi. Tại giáo xứ của con, trong ngày Chúa nhật Lời Chúa, chúng con có Sách Tin Mừng được đặt trên bàn thờ từ đầu Thánh lễ, và sau đó di chuyển long trọng từ đó đến giảng đài để công bố Tin Mừng. Tuy nhiên, con nhận thấy rằng không chỉ Sách Tin Mừng được sử dụng theo cách đó trong phụng vụ giáo hoàng gần đây cho Chúa nhật Lời Chúa, nhưng sau đó sách còn được đặt trên cái giá sách trung tâm (cái ngai?), vốn được trang trí tinh xảo và đặt phía giữa trước bàn thờ. – J. D., Wagga Wagga, Úc.
Đáp: Tông thư dưới dạng tự sắc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói như sau về Chúa Nhật Lời Chúa:
“3. Vì thế, tôi thiết định dành riêng Chúa nhật thứ III Thường niên để cử hành, suy tư và loan truyền Lời Chúa. Như vậy Chúa Nhật Lời Chúa hôm ấy sẽ là một thời khắc thích hợp trong giai đoạn này của năm, thời khắc chúng ta được mời gọi tăng cường các mối dây liên kết với cộng đoàn Do-thái giáo và cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Ki-tô hữu. Đây không phải là một sự trùng hợp đơn thuần về thời gian: cử hành Chúa Nhật Lời Chúa diễn tả giá trị đại kết, bởi vì những ai lắng nghe, Kinh Thánh sẽ chỉ cho họ thấy con đường phải theo để đạt tới một sự hiệp nhất đích thực và vững bền.
“Các cộng đoàn nên tìm cách sống Chúa nhật này như một ngày trọng đại. Trong mọi hoàn cảnh, điều quan trọng là khi cử hành thánh lễ, có thể giới thiệu bản văn thánh cách nào cho cộng đoàn thấy rõ giá trị quy phạm vẫn có nơi Lời Chúa. Chúa nhật này, sẽ đặc biệt hữu ích nếu nhấn mạnh đến việc công bố Lời và thích ứng bài giảng lễ sao cho việc phục vụ Lời Chúa được nổi bật lên. Vào Chúa nhật này, các Giám Mục có thể cử hành nghi thức trao tác vụ đọc sách hay một tác vụ tương tự để nhắc nhớ về tầm quan trọng của việc công bố Lời Chúa trong phụng vụ. Thực ra, cơ bản là thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để đào tạo một số giáo dân thành những người thực sự loan báo Lời, được chuẩn bị thích đáng, cũng như từ nay sẽ tạo thói quen làm điều đó cho các thầy giúp lễ hay các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ. Tương tự, các linh mục xứ có thể tìm hình thức nào thích đáng nhất để trao sách Kinh Thánh hay một cuốn trong các sách đó cho cả cộng đoàn, nhằm làm nổi bật tầm quan trọng của việc tiếp tục đọc Kinh Thánh trong đời sống hằng ngày, của việc đi sâu vào Kinh Thánh và cầu nguyện với Kinh Thánh, đặc biệt dựa theo phương pháp Lectio Divina” (Bản dịch, như trên).
Trong cuộc họp báo giới thiệu việc cử hành đầu tiên cho Chúa nhật này tại Đền thờ Thánh Phêrô, một số chỉ dẫn hữu ích đã nêu ra:
“Vào sáng Chúa nhật ngày 26-1, lúc 10 giờ sáng, Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ chủ sự Thánh lễ trong Đền thờ thánh Phêrô… trên bàn thờ nơi Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ, sẽ đặt tượng Đức Mẹ Knock, Bổn mạng nước Ailen, được đưa từ Đền Thánh Đức Mẹ về đây, do phái đoàn của Đức cha Michael Neary, Tổng Giám mục Giáo phận Tuam sở tại, và cha Richard Gibbons, Quản Đốc Đền thánh hướng dẫn. Ca đoàn đền thánh sẽ cùng với Ca đoàn Xistina đảm nhận phần thánh ca trong thánh lễ.
“Sự lựa chọn của sự hiện diện này là gần như bắt buộc cho Chúa nhật này. Như chúng ta đã biết, sở dĩ Tượng Đức Mẹ Knock hiện diện trong Chúa nhật Lời Chúa, vì trong cuộc hiện ra ở Knock năm 1879, Đức Mẹ được thánh Giuse cùng với thánh Gioan thánh sử đứng cạnh, hai vị chỉ bàn thờ trên đó có Chiên Con hiển thắng, như trong thị kiến sách Khải Huyền. Trong cuộc hiện ra ấy, Đức Mẹ không nói gì, mẹ giữ im lặng như thể chỉ dẫn thái độ cơ bản phải có đứng trước mầu nhiệm. Nhưng toàn thể cuộc hiện ra “nói”, vì nơi thánh Gioan có nói lên Tin Mừng mà chúng ta phải đón nhận, và hành trình đang chờ đợi chúng ta trong thời sau hết. Nơi trung tâm cảnh hiện ra có mầu nhiệm khổ nạn, cái chết và sống lại của Chúa Giêsu, là trọng tâm công cuộc loan báo Tin Mừng. Vào đầu Thánh lễ, sẽ có nghi thức long trọng đặt lên ngai Sách Bài đọc, đã được dùng trong tất cả các phiên họp của Công đồng chung Vatican II” (Bản dịch của linh mục Trần Đức Anh, Rôma.)
Với suy nghĩ trên, chúng tôi có thể cố gắng trả lời các câu hỏi của bạn đọc.
Thể loại văn chương của Tông huấn dạng tự sắc Aperuit Illis, số 3, mang tính khuyến khích và, trong khi nó không tạo thành một chuẩn mực phụng vụ ràng buộc, sự khuyến nghị để suy tôn Lời Chúa rõ ràng có tầm quan trọng trung tâm. Điều này cũng là bởi vì trong thực tế bất kỳ giáo xứ nào cũng có thể làm điều này dưới một số hình thức nào đó, trong khi các khuyến nghị khác, chẳng hạn nghi thức trao tác vụ đọc sách đòi hỏi có sự hiện diện của một Giám mục.
Dường như có sự linh hoạt rất lớn cho các hình thức suy tôn Lời Chúa. Thật vậy, trong cuộc họp báo, người ta tuyên bố rằng việc suy tôn sẽ diễn ra vào đầu Thánh lễ, nhưng trên thực tế, như bạn đọc chỉ ra, nó đã được thực hiện sau khi công bố Tin Mừng và sử dụng một Sách Tin Mừng (Evangelarium). Ngai tòa, trong trường hợp này, được đặt ở vị trí trung tâm trước tòa giải tội – cùng một nơi mà tượng Chúa Giêsu Hài đồng chiếm giữ trong mùa Giáng Sinh.
Các nhà thờ khác có thể sử dụng bất kỳ vị trí phù hợp nào, nhằm cung cấp tầm nhìn, trong khi không cản trở cuộc rước và chuyển động phụng vụ – thí dụ, thiết lập một giá đọc sách (lectern) trước giảng đài. Cuốn sách được sử dụng có thể là một sách Bài đọc, hay một bản sao đẹp của Kinh Thánh hoặc Tân Ước.
Tuy nhiên, vì không có nghi thức phụng vụ chính thức cho việc suy tôn này, ý kiến cá nhân của tôi là rằng việc suy tôn tốt nhất nên được thực hiện vào đầu Thánh lễ. Từ văn bản của Tông huấn Aperuit Illis, có vẻ như sự quan tâm của Đức Thánh Cha là rằng “việc suy tôn nhằm cho cộng đoàn thấy rõ giá trị quy phạm vẫn có nơi Lời Chúa.” Tôi nghĩ rằng điều này có thể đạt được tốt nhất, nếu nó được thực hiện ngay từ đầu lễ, và với một cuốn sách khác với cuốn sách được sử dụng trong chính Thánh lễ.
Cũng có thể khuyến khích để việc công bố Tin Mừng thật long trọng, bằng cách sử dụng Sách Tin Mừng, và xông hương cho sách vào các thời điểm quy định trong Thánh lễ.
Cuối cùng, mặc dù mục tiêu mục vụ của Đức Giáo Hoàng về việc đánh giá lại Lời Chúa áp dụng cho tất cả người Công giáo, tôi không nghĩ rằng khuyến nghị phụng vụ có liên quan trong trường hợp này. Chỉ cần nói rằng Chúa nhật thứ III Thường niên chỉ được tìm thấy trong hình thức thông thường của nghi lễ Rôma mà thôi. (Zenit.org 4-2-2020)
Nguyễn Trọng Đa