[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 13,1-9″]
Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Người lên tiếng bảo: “Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê đó bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế; nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.
Người còn nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: Kìa, đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!” Nhưng anh ta đáp rằng: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
SÁM HỐI ĐỂ ĐƯỢC CỨU ĐỘ
“Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy” (Lc 13, 5).
Người Á Đông vẫn quan niệm: “Ác giả ác báo”. Quan niệm này đã bám sâu trong tâm trí con người không chỉ thời xưa mà cả thời nay, thậm chí ta vẫn nghe một vài người tín hữu thốt ra câu tương tự như “Chúa phạt nhãn tiền” trước một điều dữ xảy đến cho một ai đó. Chúa Giêsu biết rõ Thiên Chúa hơn ai hết. Ngài có lẽ đã quặn đau khi nghe những người đưa tin dữ xảy đến cho những người Galilê bị Philatô sát hại, hay mười tám người ở Giêrusalem bị tháp Silôe đè chết. Những người đưa tin cũng như nhiều người Dothái khác thời đó vẫn cho rằng những người xấu số kia bị như thế là vì họ có đời sống tội lỗi nên bị Chúa phạt. Sự thật có phải vậy không?
Chúa Giêsu khẳng định: “Không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy” (Lc 1,3). Chẳng phải Thiên Chúa đã không yêu mến thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì được cứu độ đó sao? Vậy thì sao Thiên Chúa có thể phạt nhãn tiền được. Tội lỗi không phải là cái rào ngăn cách Thiên Chúa đến gần con người nhưng chính lòng kêu ngạo không nhận thấy mình có tội để cần đến tình thương tha thứ của Thiên Chúa mới thật là tai hại cho phần rỗi con người. Cái chết của thể xác không làm con người xa lìa Thiên Chúa nhưng đó là cái chết của linh hồn.
Vậy ta phải làm gì để được cứu độ? Chúa Giêsu đã tha thiết kêu gọi mọi người không ngừng ăn năn sám hối để được cứu độ. Ăn năn sám hối là hành động của đức tin. Nó không chỉ dừng lại ở việc chấm dứt với lối sống tội lỗi mà còn làm cho người sám hối không ngừng tin tưởng và đi sâu vào mối thân tình với Thiên Chúa. Người ta chỉ có thể sám hối khi trước tiên là nhận biết tình trạng tội lỗi của mình, thứ đến là nhận biết Thiên Chúa thương xót đầy kiên nhẫn chờ đợi con người quay về với Ngài. Trở về với Thiên Chúa không bao giờ là một lần cho mãi mãi nhưng là một hành trình liên lỉ cả cuộc đời.
Lạy Chúa, xin Chúa ban cho chúng con có một đức tin vững mạnh vào Chúa. Nhờ đó, chúng con có thể bắt đầu vào cuộc hành trình sám hối như lời Chúa mời gọi, hầu chúng con nhận được ơn cứu độ mà Chúa đã hứa ban. Amen.
[/loichua]