Chúa Nhật 22 Thường Niên Năm C – Ngày 01/09/2019

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Lc 14,1.7-14″]

Khi ấy, nhằm một ngày Sabbat Chúa Giêsu vào nhà một thủ lãnh các người biệt phái để dùng bữa, và họ dò xét Người. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất, nên nói với họ dụ ngôn này rằng:

“Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: ‘Xin ông nhường chỗ cho người này’. Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: ‘Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên’. Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

SỐNG KHIÊM NHƯỜNG NHƯ CHÚA

“Vì phàm ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên” (Lc 14,11).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su cho thấy một cách thế để được kính trọng và tôn vinh đích thực bằng chính lối sống tự hạ khiêm nhường. Người khiêm nhường không cố tìm sự kính trọng vốn không thuộc về mình, nhưng luôn ý thức mình là ai và vị thế mình ở chỗ nào. Họ được Lão Tử ví như nước, mềm dẻo, uyển chuyển, chỉ thích tìm chỗ thấp mà nằm, nhưng sức mạnh lại thật vô song. Trong khi ấy, những người được mời dùng bữa trong bài Tin Mừng chỉ thích chọn chỗ nhất, cho thấy một thái độ hám danh, muốn được ưu tiên điều vốn không thuộc về mình. Chúa Giê-su muốn các môn đệ của Người không theo lối đó, nhưng theo con đường khiêm hạ. Con đường khiêm hạ được sách Huấn Ca nói đến như một điều đẹp lòng Chúa cho những ai đi theo (x. Hc 3,18).

Con đường ấy, sẽ đưa đến một sự kính trọng và tôn vinh bất diệt khi dõi đời mình theo Chúa Giê-su. Nơi Ngài là một bài học sống động về sự khiêm hạ thật sự được thánh Phao-lô diễn tả trong đoạn thư gửi tín hữu Philiphe chương 2,6-9: Dầu là Thiên Chúa, nhưng Người đã hạ mình xuống thế làm người, để sống và chết như một con người hầu cứu chuộc nhân loại và chính trong sự tự hạ vâng phục thánh ý Chúa Cha, Người được Chúa Cha tôn vinh. Thật thế, sự khiêm hạ ấy khởi đi từ mầu nhiệm Nhập Thể, hạ sinh trong máng cỏ nghèo hèn, đến hiến mình trong mầu nhiệm Thánh Thể và đạt đến tột đỉnh khi hy sinh chính bản thân Người làm của lễ đền tội cho muôn người nơi mầu nhiệm Tử nạn và Phục sinh. Như thế, Chúa Giê-su đã sống một đời từ bỏ, khiêm nhường được tỏ lộ qua hành vi vâng phục ý Chúa Cha.

Là tín hữu, chúng ta được mời gọi sống khiêm nhường như Chúa, để đạt được vinh quang bất diệt muôn đời. Khiêm tốn của người Kitô hữu là thường xuyên quay về với Thiên Chúa trong thinh lặng nội tâm, quỳ gối, cúi nhìn và gẫm suy sự đơn hèn của Ngôi Hai Thiên Chúa nơi máng cỏ, chiêm ngắm tình yêu tự hủy nơi Thánh Thể và nhất là ngước nhìn Thánh giá nơi mầu nhiệm Tử nạn, mới mong ơn Chúa chạm đến đời ta hầu ta có thể được biến đổi mỗi ngày. Ta cũng nên biết rằng, sống khiêm nhường không phải chỉ chọn một lần, nhưng chọn đi chọn lại suốt một đời và quyết tâm nỗ lực với ơn Chúa sống trong từng phút giây. Một khi để cho Chúa uốn nắn và dẫn dắt đời mình, cái tôi tự kiêu, tự mãn nơi ta mới dần lắng xuống và sự khiêm nhường của Đức Ki-tô mới dần lớn lên và như thế, ta mới từng ngày “nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô”, Đấng khiêm nhường đích thực.

Lạy Chúa Giê-su là Đấng khiêm nhường, Chúa đã đến làm người và chết cho chúng con được sống. Xin đẩy xa chúng con sự ích kỉ, kiêu căng và thế vào bằng tình yêu khiêm hạ cúi mình phục vụ tha nhân của Chúa, hầu từng ngày theo Chúa là từng ngày chúng con được biến đổi nên khiêm nhường hơn. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.