[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 11,20-24″]
Khi ấy, Chúa Giê-su quở trách các thành đã chứng kiến nhiều phép lạ Người làm mà không chịu sám hối : “Hỡi Cô-rô-da-in, khốn cho ngươi. Hỡi Bết-sai-đa, khốn cho ngươi. Vì nếu đã xảy ra tại Ty-rô và Si-đon, các phép lạ diễn ra nơi các ngươi, thì họ đã mặc áo nhặm, rắc tro mà ăn năn hối cải từ lâu rồi. Nên Ta bảo các ngươi : trong ngày phán xét, Tyrô và Siđon sẽ được xét xử khoan dung hơn các ngươi. Còn ngươi, hỡi Ca-phác-na-um, chớ thì ngươi nhắc mình lên tận trời sao. Ngươi sẽ phải rơi xuống địa ngục, vì nếu các phép lạ diễn ra giữa ngươi mà xảy ra tại Sô-đô-ma, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vậy Ta bảo thật các ngươi : trong ngày phán xét, Sô-đô-ma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi”.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
Ý THỨC MÌNH LÀ TỘI NHÂN ĐỂ ĐƯỢC XÉT XỬ KHOAN DUNG
“Ta bảo thật các ngươi : trong ngày phán xét, Sô-đô-ma sẽ được xét xử khoan dung hơn ngươi” (Mt 11,24).
Sau khi chịu phép rửa của Gioan tại sông Giođan, Chúa Giêsu đã đi rao giảng Tin Mừng Nước Trời: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 4,17). “Kèm theo những lời Người nói, Chúa Giêsu đã làm “những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ” (Cv 2,22) để cho thấy Nước Trời đang hiện diện nơi Người, đồng thời chứng tỏ Chúa Giêsu chính là Đấng Messia đã được tiên báo” (GLHTCG 547) và là “Con Thiên Chúa” (x. GLHTCG 548). Thế nhưng, các dấu lạ ấy cũng có thể là cớ vấp ngã. Điển hình là các thành Khoradin, Bếtxaiđa và Caphacnaum mà thánh sử Matthêu đã liệt kê cho chúng ta. Cả ba thành phố này đã lựa chọn cách sống đối nghịch với Thiên Chúa, bởi lẽ “các thành đã chứng kiến phần lớn các phép lạ Chúa Giêsu làm mà không sám hối” (Mt 11,20).
Trong trang Tin Mừng hôm nay, thánh sử cho chúng ta biết những thành phố ở Galilê đã hưởng một đặc ân, mà thành Tia, Xidôn và Xôđôm không thể có được, là chứng kiến các việc Chúa làm và nghe lời Chúa dạy. Nhờ đó họ sẽ “thấy lòng thương xót vô biên của Cha Người đối với họ” (GLHTCG 545). Thật vậy, “lòng thương xót của Thiên Chúa không có giới hạn, nhưng ai cố tình từ chốn đón nhận thì người đó cũng khước từ ơn tha thứ tội lỗi cho mình và ơn cứu độ do Chúa ban tặng. Sự cứng lòng như vậy có thể đưa tới chỗ không thống hối trong giờ sau hết và bị án phạt muôn đời” (GLHTCG 1864). Chính vì lẽ đó, chúng ta nhận ra lời của Chúa Giêsu: “Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Betxaiđa!” (Mt 11,21) là lời thương xót của Đấng mang tặng nhân loại điều quí báu nhất trên đời, nhưng không được lưu tâm; là lời than thở của Đấng nhìn thấy một thảm kịch người ta cứ đổ xô đến chỗ chết.
Ở trong một thế giới tục hóa, con người ngày nay cũng có một thái độ tương tự như các thành Khoradin, Bếtxaiđa và Caphacnaum qua việc “không ý thức mình là tội nhân”. Đây là một hình thức bách hại đạo kiểu mới. Không cần tìm giết các Kitô hữu, nhưng tìm cách giết Chúa Giêsu ngay trong chính cõi lòng sâu thẳm của mình, nơi đó Chúa Giêsu bị liệt vào hạng không đáng kể; không chống đối Giáo hội, nhưng bóp nghẹt sự sống của Thiên Chúa nơi chính mình. Do đó, đến ngày phán xét, khi Đức Kitô ngự đến, sẽ diễn ra cuộc phán xét chung. Đó là “giờ của sự thật”. Đối với mỗi người chúng ta, “giờ sự thật” ấy đã đến ngay lúc chúng ta lìa đời
Quả thật, việc “ý thức mình là tội nhân” luôn là một hồng ân của Chúa Thánh Thần (x. GLHTCG1453) thúc đẩy chúng ta đi xưng tội. Khi đến với Bí tích Hòa Giải, chúng ta nói rõ thứ tội mà mình đã phạm và hối hận. Chỉ nhờ việc xưng tội, chúng ta mới lãnh trách nhiệm về tội lỗi của mình và vượt qua nó, nhờ đó mở ra cánh cửa giao hòa với Thiên Chúa, với vũ trụ, với đồng loại và với chính mình (x. GLHTCG1455) qua việc nói cho linh mục thấy những thương tích ẩn kín nơi chúng ta vì tội lỗi, để ngài có thể chữa lành chúng ta bằng ơn tha thứ của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết nhìn nhận mình là tội nhân và đặt mình trước sự xét xử của Chúa, vì đó là cách thực hành tốt nhất giúp chúng con sống niềm tin vào sự phán xét. Khi chân thành nhìn nhận tội lỗi của mình, chúng con càng vững tin hơn vào Chúa, Đấng giàu lòng thương xót như lời thánh Gioan nói: “Thiên Chúa lớn hơn lòng chúng ta” (1Ga 3,20). Amen.
[/loichua]