Thứ 6 Tuần 13 Thường Niên – Ngày 05/07/2019

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 9,9-13″]

Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: “Hãy theo Ta”. Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra là khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: “Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như thế?” Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: “Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: “Ta muốn lòng nhân từ, chứ không phải là hy lễ”. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

ĐỨC GIÊ-SU – TIN MỪNG CHO MỌI NGƯỜI

“tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13b).

Ở xã hội nào và thời kỳ nào, thì tội lỗi luôn là điều xấu và tội nhân luôn bị lên án, chế tài tương ứng với từng tội mà phạm nhân gây ra. Đó là quan niệm của thể chế xã hội. Còn quan niệm về tội lỗi và tội nhân trong Kinh Thánh thì sao ? Trong Cựu ước, quan niệm về tội lỗi không chỉ mang tính cách pháp lý, mà còn hơn thế nữa, tội lỗi được đặt trong tương quan với Lề Luật, cụ thể là trong tương quan với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã nói : “các ngươi phải thánh thiện vì Ta là Đấng Thánh” (x.Lv 20,7). Với Dân Is-ra-en, họ luôn ý thức là dân được Thiên Chúa tuyển chọn và ban cho Lề luật của Ngài, cho nên tội nhân sẽ bị loại ra khỏi cộng đồng, bị mọi người xa tránh, vì họ cho rằng phạm tội thì sẽ bị Thiên Chúa phạt và sẽ phải chết (x.Đnl 30,15-20). Có thể vì lý do thánh thiện đó, mà những người Pha-ri-sêu phàn nàn với các môn đệ của Đức Giê-su về việc Người ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi. Những người Pha-ri-sêu luôn tuân thủ Lề Luật, họ tự hào là người thánh thiện vì đã tuân giữ Lề luật của Thiên Chúa cách vẹn toàn (x.Lc 18,11-12). Vậy tại sao những người Pha-ri-sêu lại bị Đức Giê-su lên án ? có phải vì họ không phải là môn đệ của Người ? hay họ chống đối Người ? Thưa – không phải như vậy, Đức Giê-su lên án những người Pha-ri-sêu không phải vì những lý do trên, mà vì họ giả hình trong cách sống và việc tuân giữ Lề luật của Thiên Chúa. Những người Pha-ri-sêu giải thích Luật của Thiên Chúa theo ý riêng, và tuân giữ Luật trên mặt chữ, nghĩa là chỉ giữ Luật theo nghĩa đen của Lề Luật.

Chính vì thế, mà những người Pha-ri-sêu luôn tìm cách chống đối, phàn nàn về cung cách sống và giữ Luật của Đức Giê-su. Có thể, những người Pha-ri-sêu phàn nàn về Đức Giê-su với mục đích để bảo vệ sự thánh thiện của Thiên Chúa, hoặc là một cách góp ý với Đức Giê-su trong việc tuân giữ Lề luật. Nhưng dù với ý tốt đó, thì những người Pha-ri-sêu vẫn hiểu chưa đúng và chưa đủ về Lề luật. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa phân biệt tội lỗi với tội nhân. Qua các ngôn sứ, Thiên Chúa lên án và đe dọa hình phạt nếu Dân Ngài vi phạm luật, nhưng Ngài luôn luôn tha thứ, nhẫn nại và mời gọi tội nhân sám hối, từ bỏ tội lỗi và trở về với đường lối của Ngài (x.Is 59,20 ; Ed 33,14 ; Ds 14,19-20 ; ). Toàn bộ sứ điệp của các ngôn sứ là : nói cho dân về Thiên Chúa tha thứ và cứu thoát. Thì nay, Đức Giê-su đến để kiện toàn, để làm rõ toàn bộ sứ điệp và Lề luật mà Thiên Chúa đã ban cho dân Ngài. Đức Giê-su khẳng định rõ rằng : Người đến để mời gọi người tội lỗi ăn năn hối cải chứ không phải là để lên án, xa lánh và trừng phạt tội nhân. Đức Giê-su đã đến thế gian để kiện toàn Lề luật chứ không phải để bãi bỏ (x.Mt 5,17).

Sứ điệp của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” đã trả lời dứt khoát cho những người Pha-ri-sêu về thái độ cần có để đối xử với những tội nhân. Đồng thời, Người cũng mời gọi mọi người nhận sự thật của mình và năn năn sám hối. Vì, trước mặt người đời, chúng ta có thể siêng năng đi thờ đi lễ, làm việc lành phúc đức, tuân giữ Lời Chúa thật tốt đẹp, nhưng ai trong chúng ta trước mặt Thiên Chúa dám tự cho mình là thánh thiện, không cần đến tình thương của Ngài ? Sứ điệp đó cũng mời gọi mỗi người chúng ta hãy mở lòng ra đón nhận tình yêu của Thiên Chúa và cảm thông với những người tội lỗi.

Lạy Chúa, ước gì Lời Chúa đánh động chúng con tận cõi lòng, chạm đến trái tim của chúng con, thúc đẩy hành động của chúng con, để chúng con luôn yêu mến Lời Chúa, sống theo sự hướng dẫn của Chúa và hành động như Chúa đã hành động. Xin cho cuộc sống của chúng con, mỗi ngày là một cuộc hoán cải trở về với Chúa và làm hòa với anh em. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.