Giải đáp phụng vụ: Nghi thức chúc bình an là một tùy chọn, chứ không bắt buộc

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Con biết tầm quan trọng của nghi thức chúc bình an trong Thánh Lễ, nhưng liệu nó được làm hoặc được thực hiện trong mọi Thánh Lễ không? – F. O., Ado Ekiti, Nigeria.

Đáp: Một số người nói rằng sự thật hiển nhiên là rằng không có gì bền vững bằng một giải pháp tạm thời, và không có gì quá bắt buộc cho bằng một tùy chọn.

Trong thực tế, nghi thức chúc bình an luôn là một tùy chọn và không bao giờ bắt buộc trong bất cứ Thánh Lễ nào. Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM) nói:

“Nghi thức chúc bình an

“82. Tiếp theo là nghi thức chúc bình an: Hội Thánh cầu bình an và hiệp nhất cho chính mình, cho toàn thể gia đình nhân loại, và các tín hữu tỏ bày sự hiệp thông cộng đoàn và lòng thương mến nhau, trước khi rước Thánh Thể.

“Các Hội Ðồng Giám Mục sẽ tùy theo tinh thần và phong tục của mỗi dân tộc mà ấn định cách thức chúc bình an. Mỗi người chỉ nên tỏ dấu trao bình an cách chừng mực cho những người gần mình.

“154. Rồi vị tư tế dang tay đọc rõ tiếng kinh “Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa đã nói…”. Xong kinh này, ngài dang tay, rồi chắp tay, hướng về giáo dân, chúc bình an: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”. Giáo dân thưa: “Và ở cùng Cha”. Sau đó, vị tư tế sẽ tuỳ nghi thêm: “Anh (chị) em hãy chúc bình an cho nhau”.

“Vị tư tế có thể chúc bình an cho các người giúp lễ, nhưng ngài phải luôn luôn ở trên cung thánh, để khỏi làm xáo trộn cuộc cử hành. Nếu có lý do chính đáng, ngài cũng có thể trao bình an cho vài giáo dân, nhưng vẫn ở trên cung thánh. Mọi người trao cho nhau bình an, sự hiệp thông và tình bác ái theo cách Hội Ðồng Giám Mục quy định. Khi trao bình an, có thể nói: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh”, và được đáp lại là “A-men”.

“181. Sau khi vị tư tế đọc kinh cầu bình an và câu “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”, và giáo dân đã thưa “Và ở cùng Cha”, thầy phó tế tùy nghi chắp tay, hướng về giáo dân mời trao bình an: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Thầy nhận bình an của vị tư tế, và có thể chúc bình an cho những người giúp lễ gần mình.

“239. Sau lời mời của phó tế, hay của một vị đồng tế, nếu không có phó tế: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”, mọi người trao cho nhau bình an. Chủ tế trao bình an cho những vị đồng tế gần nhất, trước khi trao cho thầy phó tế. (Bản dịch Việt ngữ của Linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, Giáo phận Nha Trang.)

Cũng vậy Huấn thị Redemptionis Sacramentum (Bí Tích Cứu Độ) năm 2004 nói trong số 71 như sau:

“Phải duy trì thông lệ của Nghi Lễ Rôma là chúc bình an trước khi Rước Lễ một chút, như được dự liệu trong Nghi thức Thánh Lễ. Quả nhiên, theo truyền thống của Nghi Lễ Rôma, thông lệ này không bao hàm ý nghĩa hoà giải, cũng không có ý nghĩa xoá tội, nhưng đúng hơn nó có mục đích biểu lộ sự bình an, sự hiệp thông và lòng bác ái, trước khi lãnh nhận Thánh Thể. Trái lại, hành động sám hối ở đầu Thánh Lễ, nhất là khi nó được thực hiện theo công thức thứ nhất, có đặc tính diễn tả sự hoà giải này giữa các anh chị em” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.)

Do đó, theo các số 154 và 181, nghi thức chúc bình an được thực hiện “tùy nghi” (if appropriate). Quyết định xem nó là “tùy nghi” hay không là do vị chủ tế, trong các tình huống mục vụ cụ thể của buổi lễ.

Các lý do cho việc thực hiện hoặc bỏ qua nghi thức này có thể là rất khác nhau, và gần như không thể đưa ra một quy tắc cố định. Nhiều linh mục dành nghi thức này cho ngày lễ Chúa nhật và lễ trọng.

Một linh mục, mà tôi quen biết, luôn bỏ qua nghi thức này trong các dịp Thánh lễ Rước lễ vỡ lòng, vì ngài thấy rằng nó có thể ảnh hưởng xấu đến sự chú ý và chuẩn bị tinh thần của trẻ em, do nó là rất gần với thời điểm Rước lễ lần đầu của các em. Các linh mục khác tránh được cạm bẫy này bằng cách chuẩn bị cẩn thận và làm ngắn gọn nghi thức, với sự di chuyển tối thiểu của các người đứng cạnh nhau.

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi xem nghi thức ngắn gọn này chỉ là một trở ngại và thách thức tiềm năng. Khi được thực hiện tốt, nghi thức có thể rất hiệu quả về mặt tinh thần, vì chúng ta chia sẻ sự bình an đến từ Chúa Kitô trên bàn thờ, mà chúng ta sẽ sớm tiếp nhận như là sự bình an của chúng ta.

Như được nêu ra trong số 82, các cử chỉ của tín hữu đã được thiết lập bởi Hội Đồng Giám Mục và, trong khi tôn trọng phong tục địa phương, nên tránh sự hồ hởi và háo hức thái quá, và “mỗi người chỉ nên tỏ dấu trao bình an cách chừng mực cho những người gần mình.”

Cũng thế, nói về mục vụ, tốt nhất là nên có sự ổn định trong việc sử dụng hoặc bỏ qua nghi thức. Nếu một linh mục thỉnh thoảng hoặc bất thường bỏ qua nghi thức, có lẽ ngài sẽ thấy rằng các tín hữu bắt đầu bắt tay theo thói quen. Điều này có thể dẫn đến sự nhầm lẫn.

Nghi thức chúc bình an hoặc dấu chỉ bình an là một phần của tập tục của Hội Thánh ngay từ thuở đầu, có lẽ được cảm hứng bởi lời mời gọi của Thánh Phaolô cho tín hữu Côrintô: “Anh em hãy chào nhau bằng nụ hôn thánh thiện” (1 Cr 16:20). Chúa Giêsu kêu gọi mỗi người nên làm hòa với một anh em, trước khi đưa lễ vật tới bàn thờ. Hôn chào bình an cũng là một lời đáp rõ ràng cho lời khuyên của Chúa Kitô về sự hòa giải huynh đệ và hòa bình, để thanh tẩy của lễ mỗi người.

Nghi thức đã được đề cập trong các nguồn cổ xưa như các “Tông Hiến” (Apostolic Constitutions) và các bài giảng của Thánh Augustinô. Có lẽ nghi thức đã ở vị trí hiện tại của nó trong Nghi Lễ Rôma từ thời Thánh Giáo hoàng Grêgôriô Cả (590-604).

Ban đầu, nghi thức chúc bình an được xem là một sự chuẩn bị quan trọng, và thậm chí bắt buộc nữa, cho những ai sắp Rước Lễ, nhưng sau đó được mở rộng cho tất cả mọi người. Sau năm 1000, việc chúc bình an dần dần trở thành một nghi thức chính thức hơn nhiều, và sau đó là chỉ dành cho hàng giáo sĩ mà thôi, ngoại trừ một số dịp đặc biệt.

Như vậy, dấu chúc bình an, như được miêu tả trong sách lễ hiện nay, đã khôi phục lại nghi thức theo hình thức mà nó đã có trong thời trung cổ, và theo đó tất cả mọi người chúc bình an cho người bên cạnh. Vào thời điểm đó, cử chỉ chúc bình an là dấu hiệu của sự tôn trọng hơn là tình cảm thương mến. Do đó, cử chỉ được thông qua ngày nay nên là những gì mà tập tục địa phương xem như là cử chỉ tôn trọng.

Chúng tôi đã bàn đến một câu hỏi liên quan gần vào ngày 30-1-2018, vốn có thể bổ sung cho câu trả lời hôm nay.

Chúng tôi xin kết thúc với bài giáo lý của Giáo hoàng Phanxicô về phần này của Thánh lễ trong buổi tiếp kiến ​​chung vào ngày 14-3-2018:

“Thật vậy, những gì chúng ta cầu xin trong ‘Kinh Lạy Cha’ được mở rộng bằng lời nguyện của linh mục, nhân danh tất cả, cầu xin: ‘Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an.” Rồi ngài tiếp nhận một loại dấu ấn trong Nghi thức chúc bình an: điều đầu tiên ngài xin nơi Chúa Kitô là món quà bình an (x. Ga 14,27) – do đó khác với hòa bình trần gian – vốn có thể giúp Hội Thánh tăng trưởng trong sự hiệp nhất và trong hòa bình, theo ý Chúa; sau đó, với cử chỉ cụ thể được trao đổi giữa chúng ta với nhau, chúng ta bày tỏ ‘sự hiệp thông cộng đoàn và lòng thương mến nhau, trước khi rước Thánh Thể.’ (x. GIRM, 82). Trong nghi lễ Rôma, nghi thức chúc bình an, được đặt ra từ thời cổ đại trước khi Rước lễ, được hướng đến việc Rước Lễ. Theo lời khuyên của Thánh Phaolô, không thể giao tiếp với một Tấm Bánh làm cho chúng ta trở nên một Thân thể trong Chúa Kitô, mà không nhận ra rằng chúng ta được hòa giải bởi tình yêu huynh đệ (x. 1 Cr 10: 16-17; 11:29). Sự bình an của Chúa Kitô không thể bén rễ trong một tâm hồn không có khả năng cảm nghiệm tình huynh đệ, và khôi phục nó sau khi nó bị tổn thương. Sự bình an được Chúa ban cho: Ngài ban cho chúng ta ân sủng để tha thứ cho các người đã xúc phạm chúng ta.” (Zenit.org 28-5-2019)

Nguyễn Trọng Đa

Comments are closed.