Thứ 5 Tuần Bát Nhật Phục Sinh – 25/04/2019

Lời Chúa: Lc 24,35-48

Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đứng bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Này Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con khi Thầy còn ở với các con, là: cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh.

Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”.

 


Suy niệm

BÌNH AN ĐÍCH THỰC

“Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: ‘Bình an cho anh em!’”
(Lc 24,36).

Kinh Thánh cho chúng ta biết Thiên Chúa tạo dựng ông bà Adam – Eva và cho ông bà sống trong bình an, nhưng sau đó ông bà đã đánh mất sự bình an ấy khi bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Là hậu duệ của các ngài, chúng ta cũng không còn được hưởng sự bình an từ nơi Thiên Chúa. Tuy nhiên, với cái chết và sự phục sinh của Con Ngài là Đức Giêsu Kitô, chúng ta đã được đón nhận lại sự bình an đích thực ấy.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã hiện ra đứng giữa các tông đồ và nói: “Bình an cho anh em!” Qua lời chào chúc ấy, Chúa muốn trao ban cho các Tông đồ sự bình an đích thực. Bằng cái chết trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự hận thù, hòa giải loài người với Thiên Chúa và với nhau (x. Ep 2,14-17; Cl 1,20). Thay vì có được sự bình an của Chúa, “các ông lại kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma”. Kinh hồn vì Chúa hiện ra quá bất ngờ đang khi lòng trí các ông đầy những suy nghĩ và bất an. Thật vậy, các ông lúc ấy không khỏi bàng hoàng trước cái chết đau thương của Thầy cũng như lo cho sự an nguy của mình. Thật sự, các ông rất lo lắng. Chúa biết điều đó, nên Người tiếp tục trấn an họ: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Thật bất ngờ! bởi “trăm nghe không bằng một thấy”, mà ở đây các tông đồ còn được đụng chạm và được Chúa mở trí cho hiểu. Thật hạnh phúc cho các Tông đồ! Với sự hiện ra của Thầy, lời chào chúc bình an, cùng với những hành động yêu thương, cử chỉ thân thiện của Chúa và được Chúa soi sáng, các Tông đồ đã có được sự bình an đích thực.

Ngẫm nghĩ lại, tại sao ngày nay chúng ta luôn đề cập và nói nhiều về hòa bình? Tại vì nhân loại đang sống trong một thế giới đầy bất an với chiến tranh, bệnh tật, nghèo khổ, bạo hành, phá thai và ly dị,v.v. Như thế, bình an không chỉ là không có chiến tranh hay xung đột mà nó bao gồm sức khỏe, sự thịnh vượng, hạnh phúc và sự an toàn. Bên cạnh sự bình an về phương diện thể lý còn có sự bình an nội tâm, là nền tảng cho hạnh phúc nơi gia đình, trong xã hội và trên thế giới. Sự bình an ấy chỉ thực sự có được khi nó được đặt trên sự thật, được xây dựng trên công lý, được linh hoạt bởi tình yêu và được hoàn thiện trong tự do. Như vậy, sống trong một thế giới bất an, người Kitô hữu đã, đang và sẽ phải làm gì để có được bình an, và làm sao để đem bình an ấy đến cho người khác? Thánh Vịnh 35 cho chúng ta biết bình an là quà tặng của Thiên Chúa dành cho những ai đặt niềm tin vào Ngài (x.Tv 35, 27). Như thế, điều kiện để có được sự bình an của Thiên Chúa, là chúng ta phải đặt trọn niềm tin vào Ngài, một niềm tin được thể hiện qua đời sống kết hiệp với Chúa trong Thánh lễ, trong cầu nguyện, trong việc lãnh nhận các Bí tích và tập luyện các nhân đức. Đời sống đó sẽ giúp chúng ta sống theo thánh ý Chúa và kết quả là chúng ta sẽ có được sự bình an như hồng ân Thiên Chúa ban, là hoa trái của Thánh Thần (x. Ga 16,33). Một khi đã có được sự bình an đích thực của Chúa, thì tự khắc sự bình an ấy sẽ lan tỏa ra bên ngoài cho người khác qua những lời hay ý đẹp, những hành động bác ái, cũng như những cử chỉ yêu thương và cuộc sống đầy vui tươi của mỗi người chúng ta. Sống được như thế, chúng ta sẽ thực sự là con cái Chúa, bởi Chúa Giêsu đã nói: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết ý thức chạy đến với Chúa trong thánh lễ, trong cầu nguyện, nơi Nhà Tạm, để chúng con được chiêm ngắm và được Chúa đổ đầy bình an nơi tâm hồn. Sự bình an của Chúa sẽ có sức biến đổi và xua tan những bất an nơi tâm trí của mỗi người chúng con. Nhờ đó, chúng con có thể đem sự bình an đến cho những người đang u sầu, khổ đau hay bất an xung quanh chúng con để họ được hưởng hạnh phúc với Chúa và trong Chúa. Amen.


Comments are closed.