Thứ 3 Tuần 1 Mùa Chay – Ngày 12/03/2019

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 6,7-15″]

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, các con đừng nhiều lời như dân ngoại: họ nghĩ là phải nói nhiều mới được chấp nhận. Ðừng làm như họ, vì Cha các con biết rõ điều các con cần, ngay cả trước khi các con xin. Vậy các con hãy cầu nguyện như thế này:

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ đến chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.

Vì nếu các con có tha thứ cho người ta những lầm lỗi của họ, thì Cha các con, Ðấng ngự trên trời, mới tha thứ cho các con. Nếu các con không tha thứ cho người ta, thì Cha các con cũng chẳng tha thứ lỗi lầm cho các con”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

SỰ THA THỨ – MỘT ĐÍCH ĐẾN CỦA LỜI CẦU NGUYỆN

“Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12).

Ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái là những việc Hội Thánh thường mời gọi các tín hữu thực hành mỗi khi Mùa Chay đến. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ biết cách cầu nguyện với lời Kinh Lạy Cha. Trong “Lời Kinh Chúa dạy” này, sự tha thứ được nhắc đến như một đích đến của lời cầu nguyện.

“Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Lời dạy này giúp chúng ta, khi ý thức về thân phận tội lỗi của con người, luôn cần đến tình yêu và lòng thương xót của Chúa; đồng thời cũng mời gọi chúng ta biết tha thứ cho người khác. Sau khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta vẫn không ngừng phạm tội vì yếu đuối, vì thiếu sót và thậm chí có lúc là vì cố tình. Chúng ta, tựa như đứa con hoang đàng, cần trở về bên Chúa để thưa với Người “con thật đắc tội với Trời và với cha” (Lc 15,18). Thế nhưng, để lãnh nhận tình yêu tha thứ của Chúa, Người cũng đòi hỏi chúng ta phải biết tha thứ cho người khác. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta. Người là Đấng vô tội đã chết cho kẻ có tội. Trên thập giá, Người đã cầu xin cho những kẻ giết hại mình “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34). Như thế, Chúa Giêsu cho thấy sự tha thứ, nhất là tha thứ cho kẻ thù, như là tột đỉnh của kinh nguyện Kitô giáo, là sự minh chứng tình yêu mạnh hơn tội lỗi.

Lời Chúa mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc sống của mình với Thiên Chúa và với tha nhân. Mùa Chay là khoảng thời gian thuận tiện để chúng ta sám hối về những lỗi phạm của mình và nhờ đó mà chúng ta hoán cải. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận tình yêu và lòng thương xót của Chúa qua các Bí tích của Hội Thánh. Với tha nhân, chúng ta có thể không thù oán ai, không tìm cách giết hại ai. Tuy nhiên, chúng ta có thể đang giận ghét một ai đó. Có những thứ xúc phạm không dễ dàng quên đi bởi chúng đã gây ra cho chúng ta những tổn thương nghiêm trọng khiến cho tha thứ là một việc làm khó khăn đối với chúng ta. Thế nhưng, “với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mt 19,26). Chúng ta hãy mở rộng lòng mình để Chúa Thánh Thần biến đổi những thương đau thành sự thương xót, tha thứ và biến đổi sự xúc phạm thành lời chuyển cầu. Như thế, chúng ta sẽ thực sự là những người con có cùng một Cha trên trời và trở nên những người môn đệ chân chính của Chúa Giêsu vì “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đề của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin giúp chúng con nhạy cảm với tội lỗi để từ đó biết sám hối và nguyện xin Chúa tha thứ. Đồng thời, xin Chúa cũng dạy chúng con biết tha thứ cho những ai xúc phạm hay làm mất lòng chúng con. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.