Đối với Chúa Giêsu, Thăng Thiên là một chiếc cầu mở ra đưa chúng ta đi từ bờ nầy sang bờ bên kia, từ triền bên này sang triền bên kia thung lũng. Cái chết luôn luôn là một câu hỏi lớn đặt ra cho con người. Trải qua bao thế kỉ, con người vẫn luôn tìm cách tưởng tượng ra cuộc vượt qua ấy. Trong các nền văn mình cổ xưa, người ta đặt những vật dụng thường ngày, như áo quần, thực phẩm trong quan tài và nghĩ rằng đó là cách an toàn giúp người chết vượt qua bên kia thế giới.
Trong Thánh lễ hôm nay, các bản văn Kinh thánh nói với chúng ta về việc các môn đệ thấy Chúa Giêsu cất mình lên và biến mất trước mắt các ông trong đám mây. Trong kinh tin kính, chúng ta tuyên xưng «Ngài ngự bên hữu Thiên Chúa Cha ». Trong thế giới Kinh thánh, vị trí ấy dành cho Vua. Trong đền thờ Giêrusalem thiên quốc, ngai tòa của Ngài đặt bên tay phải của Thiên Chúa. Mừng lễ Thăng thiên, tức là mừng lễ Đức Kitô Vua vũ trụ. Không phải là một vì Vua tìm cách áp đặt sức mạnh của mình, nhưng đến tìm cứu những người đã hư mất. Ngài muốn nối kết tất cả trong vinh quang của Ngài. Ngài mở ra cho chúng ta một lối đi. Tất cả phụng vụ Thánh thể được nuôi dưỡng bằng niềm hi vọng ấy: « Chúng con chờ đợi niềm hạnh phúc mà Chúa đã hứa, đó là việc Đức Giêsu Kitô đấng Cứu độ chúng con ngự đến».
Như vậy chiếc cầu Chúa Giêsu đã mở ra cho chúng ta. Chiếc cầu dựa trên hai cột đặt ở đôi bờ. Cột thứ nhất, chính là trái đất chúng ta, Chúa Giêsu đã vượt qua chiếc cầu nầy, nhưng Ngài không bao giờ phá hủy nền móng của nó trong thế giới này là quê hương của Ngài trong suốt 33 năm. Ngài không từ chối nhân tính của Ngài. Trong các lần hiện ra sau khi sống lại, Ngài cẩn thận chỉ cho các môn đệ cứng lòng tin các vết thương lỗ đinh nơi bàn tay và bàn chân của Ngài. Trải dài trong suốt sứ vụ, Ngài đã đồng hành với họ, với những người tội lỗi, bệnh nhân và tất cả những người bị thương tích vì cuộc đời. Ngài đã tha thiết mở cho họ một con đường hi vọng.
Khi đã đến bờ bên kia chiếc cầu, trong nhà Cha Ngài, Chúa Giêsu đã cắm nhân tính của Ngài trên một chiếc cột thứ hai, mà chúng ta chưa biết. Nhưng chúng ta tiếp nhận sự hiện diện sống động của Ngài mỗi lần mà chúng ta họp nhau để cử hành Thánh thể. Chính Ngài đã hứa với chúng ta: « Khi hai hay ba người tụ họp với nhau vì danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ ». Với Ngài, tình yêu mạnh hơn sự chết. Trong lúc vượt qua giai đoạn nầy, chúng ta không mất nền tảng của nhân tính. Nhưng Chúa Giêsu đã cho chúng ta đi vào sự phục sinh viên mãn. Đúng, Thăng thiên đúng là một chiếc cầu.
Trong khi chờ đợi, chúng ta có một sứ mạng phải hoàn thành. Để hiểu rõ, chúng ta trở lại bài trình thuật tạo dựng con người: Thiên Chúa phán: « Hãy sinh sôi cho đầy mặt đất và thống trị nó » (St 1,28). Không thống trị bằng sức mạnh mà là quan tâm chăm sóc bằng tình yêu. Phải làm sao cho thế gian biết được tình yêu Thiên Chúa và có thể đáp trả lại. Đó là sứ mạng mà Chúa Giêsu đã giao phó cho các tông đồ trước khi biến mất trước mắt các ông: « Anh em hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi tạo vật ».
Điều mà Chúa Giêsu đã làm, Giáo Hội phải tiếp tục: Chúa Giêsu đã tha thứ; Giáo Hội tha thứ qua bí tích Hòa giải. Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần: Giáo Hội ban Thánh Thần qua bí tích Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức. Để thực hiện sứ mạng đó, chúng ta không cô đơn; Chúa Giêsu ở với chúng ta. Ngài đi trước chúng ta trong tâm hồn những người mà Ngài đặt trên đường chúng ta. Cùng với Ngài mà chúng ta có thể « xua đuổi ma quỉ » ngăn cản không cho chúng ta thấy nơi mọi người là anh em. Cùng với Ngài mà chúng ta nói một ngôn ngữ mới là tình yêu. Và dù có phải đối diện trước những lọ thuốc độc vả những thói quen xấu dựng lên những hàng rào không thể vượt được, với Ngài chúng ta vẫn sẽ sống còn.
Kể từ khi Chúa thăng thiên, chúng ta không còn được thấy Ngài nữa, nhưng thế gian phải được nhìn ngắm dung nhan Ngài qua chúng ta, nghe sứ điệp của Ngài ngang qua lời nói và đời sống chúng ta. Và nhất là, họ phải khám phá trong chúng ta một cái gì đó của tình yêu mặn nồng của Thiên Chúa đối với loài người.
« Hãy đi khắp thế gian, hãy thu tập các môn đệ, hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha, và con và Thánh Thần; hãy dạy họ giữ tất cả những giới luật mà Thầy truyền cho anh em ». Hơn bao giờ hết, Giáo hội cần chúng ta gắn bó của với Chúa. Chính trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục và mọi người kitô hữu mà chúng ta có thể là những chứng nhân đích thực của Đức Kitô phục sinh. Ngài là « Đường, là Sự Thật, và là Sự sống ». Chính qua Ngài và với Ngài mà cuộc sống của chúng ta cũng sẽ là cuộc thăng thiên về với Cha, một cuộc vượt qua đến bờ bên kia đầy ánh sáng, tình yêu và bình an.
Phục vụ Lời, ĐCV Thánh Giuse Xuân Lộc