Mùa Phục sinh dành cho chúng ta 50 ngày hồng phúc để mừng Đức Ki tô sống lại, chiến thắng sự chết và tội lỗi. Các môn đệ của Ngài đã trải qua các biến cố bi thương từ lúc Ngài bị lên án cho đến chết trên thập giá. Họ không thể hãnh diện về mình, vì đã bỏ Thầy mà chạy trốn hết. Phêrô cũng đã chối Ngài. Hơn nữa, họ cảm thấy bị hăm dọa, chờ đến phiên mình cũng bị tìm bắt và lên án như thầy mình.
Chính trong lúc mà họ ít mong gặp lại Ngài nhất thì chính Chúa Giêsu đã thân hành đến gặp họ. Ngài không trách họ đã bỏ rơi Ngài, đã không tin vào Ngài. Ngài chào họ: « Bình an ở cùng anh em » chính lả để ban bình an lại cho họ, để khơi lại đức tin và niềm hi vọng nơi họ. Khi chúng ta muốn đem lại bình an lại cho ai, thì điều đó có nghĩa là chúng ta muốn hòa giải với họ. Sự hòa giải đó, Chúa Giêsu không ngừng công bố trong suốt sứ vụ của mình. Hôm nay, Ngài gặp lại các môn đệ vẫn còn hết sức sợ hải vì những biến cố ấy.
Ngang qua cuộc gặp gỡ nầy, Chúa Giêsu vừa thiết lập các mối tương quan tin tưởng và huynh đệ. Nhờ đó, các môn đệ sẽ mạnh mẽ hơn cho sứ mạng mà Ngài giao phó. Khi Ngài chết, họ tin rằng mọi sự đã chấm dứt và không còn có hi vọng nào nữa. Nhưng ngày Phục sinh, tất cả đã đổi thay: Chúa Giêsu phục sinh trở nên nguồn ánh sáng, bình an và niềm vui cho họ.
Bài tin mừng nầy đặt ra cho đức tin của chúng ta một số câu hỏi: chúng ta đã tiếp nhận tin mừng thế nào? Chúng ta đã không thấy Chúa Giêsu phục sinh, cũng không có một chứng cớ nào cả. Tất cả những gì chúng ta tin là dựa vào lời chứng của các môn đệ. Dựa trên những chứng từ mạnh mẽ của các ngài chúng ta đã xây dựng đức tin của chúng ta.
Chúng ta hãy trở lại trường hợp của Tông đồ Tôma để có thể hiểu rõ hơn. Trong ngôn ngữ bình thường, người ta vẫn thường nghe nói: “Tôi là Tôma, tôi chỉ tin điều tôi thấy”. Đúng vậy, nhiều người thấy mình giống Tôma, nghi ngờ cho đến khi có chứng cớ. Nghi ngờ không phải là chối bỏ Thiên Chúa hay Đức Kitô. Chỉ vì họ không thể khẳng định được điều gì cả. Như một ngày nọ có người nói: «Nếu Thiên Chúa hiện hữu, thì có lẽ Ngài được tôn kính qua cuộc sống chứng nhân thầm lặng nơi người tín hữu hơn là các bài diễn văn dài của người tin rằng biết tất cả về Ngài ».
Tôma thuộc thành phần những người đã nghi ngờ. Nhưng nếu để ý, chúng ta khám phá ra rằng ông là người đầu tiên tin thật vào Chúa Giêsu sống lại, vì đã tuyên xưng với Chúa Giêsu rằng: «Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa con». Các môn đệ khác thì chỉ nhìn thấy Chúa, còn ông, ông tiến xa hơn khi nói lên niềm tin của mình. Chúa Giêsu không còn chỉ là người bạn như trước, mà là «Chúa và Thiên Chúa của tôi». Chính Chúa gặp gỡ chúng ta trong những lúc nghi ngờ, vấn nạn, phản kháng, giận dữ của chúng ta nữa. Như Tôma, chúng ta được mời gọi làm một hành vi đức tin khiêm tốn và thành thật. Chấp nhận tin như thế không phải là đầu hàng hay bỏ cuộc, nhưng là tiếp nhận ánh sáng tràn ngập chúng ta, đem lại sự bình an nơi thâm sâu nhất trong tâm hồn. Bấy giờ như ông, chúng ta cũng có thể nói: «Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con !».
Chính như thế mà mọi cuộc gặp gỡ với Chúa là một kinh nghiệm mạnh mẽ. Tin mừng nói với chúng ta rằng kinh nghiệm ấy diễn ra vào ngày thứ nhất trong tuần, nghĩa là vào ngày chủ nhật. Vào ngày ấy, Chúa Giêsu lần đầu tiên gặp gỡ tất cả các môn đệ trừ ông Tôma. Ông phải chờ đợi tám ngày sau, nghĩa là một ngày chủ nhật nữa. Là những người kitô hữu, ngày chủ nhật chúng ta được qui tụ ở nhà thờ để đón tiếp Chúa Giêsu phục sinh, đế nghe lời Ngài và cử hành Thánh Thể. Nếu chúng ta thường bỏ qua cuộc hẹn hò đó, thì cuối cùng cũng như Tôma, sự nghỉ ngở bắt đầu nhen nhúm trong tâm hồn chúng ta.
Khi qui tụ trong nhà thờ để cử hành Thánh Thể, chúng ta học cách nhận ra Chúa Giêsu «là Chúa và Thiên Chúa Tôi». Chúng ta tiếp nhận sự bình an đến từ Ngài cho sứ mạng mà Ngài giao phó cho chúng ta. Chúng ta hãy xin Ngài khơi lên niềm trung thành và tình yêu chúng ta. Chính nhờ đức tin chúng ta mà chúng ta có sự sống.
Phục vụ Lời ĐCV Xuân Lộc