Từ thứ tư lễ tro, chúng ta đã bước vào mùa Chay thánh. Đó là thời gian 40 ngày chuẩn bị mừng lễ Phục sinh. Thông thường, chủ nhật thứ nhất mùa chay, Giáo Hội đọc lại trình thuật về việc Chúa Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc. Tin mừng thánh Máccô là bài ngắn nhất, nhưng để lại cho chúng ta sứ điệp quan trọng nhất.
Chúa Giêsu vừa chịu phép Rửa xong, tiếng nói của Cha còn vang vọng: « Con là con Cha yêu dấu…». Liền ngay sau đó, Thánh Thần đẩy Ngài vào sa mạc. Muốn sát nghĩa hơn, phải đọc là: «Thánh Thần đuổi Ngài vào sa mạc… ». Rõ ràng ở đây, Thánh Thần không phải là luồng gió êm dịu mà là trận cuồng phong cuốn phăng đi mọi thứ. Rồi cũng phải để ý đến cụm từ « liền ngay lúc đó », được Máccô dùng nhiều lần, nhằm gửi đến mọi người một sứ điệp quan trọng liên quan đến cách sống người kitô hữu. Không còn là « ngày mai tôi mới bắt đầu, hay sau đó… ». Nhưng là ngay hôm nay, liền ngay đây, Chúa chờ đợi tôi trả lời.
Sa mạc đối với Chúa Giêsu là nơi chiến đấu chống lại ma quỉ. Ngài phải chống lại các cơn cám dỗ chạy theo danh vọng, quyền lực và dùng phép lạ để giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Thật ra, tên cám dỗ không có gì để hiến cho Ngài. Tất cả chỉ là dối trá trong các lời hứa của nó. Thế nhưng cho đến hôm nay đó vẫn luôn luôn là chiến thuật lừa dối mọi người. Thí dụ như nó làm mọi cách khiến người ta tin rằng rượu và ma túy là linh dược chữa lành tất cả những cơn lo âu; nhưng rốt cục đó là lời dối trá chỉ mang lại sự tha hóa tinh thần mà thôi. Hoặc nó làm người ta tin rằng sau khi li dị sẽ hạnh phúc hơn, nhưng cuối cùng chỉ là nỗi thất vọng ê chề để lại cho những người trong cuộc. Đằng sau những khẩu hiệu hứa hẹn đủ thứ, giải quyết mọi vấn đề còn tồn đọng trong xã hội, nhưng cuối cùng, chỉ đưa đến sự thù hằn giữa mọi tầng lớp, mọi chủng tộc. Phải nói rằng: ma quỉ làm hư hoại tất cả những gì nó chạm đến; đó là dấu vết cho thấy nó đã đi qua.
Ma quỉ cũng có thể cám dỗ chúng ta nghĩ rằng sống làm con Thiên Chúa là điều vượt quá khả năng con người, nên không bao giờ chúng ta có thể thành công. Từ đó, chán nản, buông xuôi, chúng ta không còn muốn cố gắng đứng lên nữa.
Và một trong những cám dỗ nguy hiểm nhất mà chúng ta phải chống lại, đó là không làm gì đặc biệt để đánh dấu mùa Chay. Bốn mươi ngày có thể trôi qua như những ngày khác. Rồi không sớm thì muộn, chúng ta dễ bị lôi kéo rất nhanh theo nhịp sống quen thuộc hằng ngày, để mùa Chay chỉ còn là tên gọi không để lại một dấu ấn nào cả trong cuộc sống. Và đó chính là điều khiến chúng ta phải nhớ, phải bắt đầu « ngay tức khắc » mà Tin mừng hôm nay gợi ý. Hoặc là ngay bây giờ, hoặc là không bao giờ. Như Chúa Giêsu, chúng ta phải lựa chọn để đáp lại thánh ý Chúa Cha. Trong một môi trường ồn ào và đầy cạnh tranh của thế giới hôm nay, chúng ta có can đảm dành những khoảnh khắc im lặng để gặp Thiên Chúa không? Đúng, chúng ta cần có sa mạc, vì Thiên Chúa không ở trong cảnh ồn ào.
Mùa chay trước tiên là thời gian sám hối, một cuộc sống quay ngược 180 độ; sám hối, tức là quay trở về với Thiên Chúa, là điều cốt yếu của cuộc đời chúng ta. Và cũng có nghĩa là chúng ta phải xa lánh các bụt thần, các điều tầm thường khiến chúng ta bận tâm và xa cách Thiên Chúa. Sám hối là xa lánh tội lỗi và quay về với lòng nhân từ của Thiên Chúa; là mở lòng ra cho Thánh Thần hoạt động, gần giống như một con tàu cánh buồm, không thể lướt tới nếu không có gió. Nhưng gió cũng không làm gì được nếu cánh buồm không giương lên. Đối với chúng ta cũng thế: chúng ta chỉ thực sự tiến bộ trong mùa Chay nầy nếu chúng ta mở ra cho hành động của Chúa Thánh Thần. Sám hối là nghe vọng lại tiếng gọi nên thánh gửi đến cho mọi người. Có người viết: “Một Kitô hữu mà không có ước muốn nên thánh là một kitô hữu không xứng đáng với danh xưng của mình”.
“Hãy tin vào Tin mừng…” Mùa Chay nghiêm túc còn bao gồm một cố gắng nuôi dưỡng đức tin bằng việc đọc và suy niệm Tin mừng thường xuyên. Cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích ngày nay nhiều khi mang dáng dấp một cuộc chiến thật sự. Phải chiến đấu chống lại tất cả những gì khiến chúng ta sao lãng những việc của Thiên Chúa. Tin vào Thiên Chúa không phải là điều tự nhiên mà có. Phải muốn và chọn lựa. Có như thế thì ở cuối con đường, mừng lễ Phục sinh mới thực sự có ý nghĩa. Thật vậy, mùa Chay là một cuộc leo núi cần thiết tiến về lễ Phục sinh.
Bốn mươi ngày ban cho chúng ta để học yêu thương một cách mới mẻ, theo cách Đức Kitô. Bốn mươi ngày để bước đi theo một nhịp điệu khác, để dọn dẹp, để thanh tẩy. Bốn mươi ngày để học sống !
Phục Vụ Lời ĐCV Xuân Lộc