[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 11,16-19″]
Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác và nói: “Tụi tôi thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà các anh không đấm ngực khóc than.” Thật vậy, ông Gioan đến, không ăn không uống, thì thiên hạ bảo: “Ông ta bị quỷ ám.”Con Người đến, cũng ăn cũng uống như ai, thì thiên hạ lại bảo: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.” Nhưng Đức Khôn Ngoan được chứng minh bằng hành động.
[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]
MỞ CỬA LÒNG ĐÓN CHÚA
“Tôi phải ví thế hệ này với ai? Họ giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ gọi lũ trẻ khác, và nói: Tụi tôi thổi sáo cho các anh mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám mà các anh không đấm ngực khóc than” (Mt 11,16-17).
Lịch sử của dân tộc Do Thái là lịch sử của tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa, bên cạnh sự bất trung và bội phản của dân. Trong đó, giới lãnh đạo phải chịu phần nhiều trách nhiệm cho vấn đề này, như chính Thiên Chúa đã nói qua miệng tiên tri Giêrêmia về các mục tử đã không nghe lời Ngài mà làm cho đàn chiên thất lạc và tan tác (x. Gr 23,1).
Nơi bài Tin Mừng hôm nay, thánh Mátthêu thuật lại phản ứng của các nhà lãnh đạo Do Thái thời Chúa Giêsu, nhất là các kinh sư và nhóm Pharisêu: Họ tỏ ra cố chấp, tự đắc và luôn tìm cách chống chế để bào chữa cho sự khôn ngoan của mình mà không tin theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ví họ như trẻ con ngồi ngoài chợ, mang tâm thức trẻ con, không trưởng thành, thiếu chín chắn, chỉ biết làm những điều ngây ngô, khờ dại, theo ý nghĩ và ước muốn của mình: “Tụi tôi thổi sáo cho các anh mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám mà các anh không đấm ngực khóc than”. Thực lạ! Đang lúc đó, và trước đó mấy ngàn năm, Israel vẫn mong chờ Đấng Cứu Thế đến. Thế nhưng, khi Ngài đến, họ lại không đón nhận, trái lại, tìm cách kết án và loại trừ Chúa. Chắc chắn, ẩn sau sự việc đau lòng đó phải là những nguyên do.
Thiết nghĩ, một số nguyên do có thể kể tới, trước nhất là sự thiếu tỉnh thức và cầu nguyện. Thiếu tỉnh thức: họ mặc kệ những lời tiên báo của các tiên tri, để rồi tự mãn, hả hê với cái mình có, kể cả cậy dựa vào sự khôn ngoan ở đời để giải quyết mọi vấn đề. Thiếu cầu nguyện: thay vì đền thờ là nơi thờ phượng Thiên Chúa, thì họ lạm dụng để kiếm tiền, phô trương các thứ đạo đức giả và rình rập kết án những người lành. Thế nên, khi lòng trí chất đầy các chuyện tiền bạc, quyền chức, bắt bẻ, kết án, thì đâu còn chỗ cho Thiên Chúa và những người của Thiên Chúa. Thứ đến là sự thiếu khiêm nhường và yêu thương. Thiếu khiêm nhường: họ tự mãn về cơ chế tôn giáo của mình, hãnh diện về đội ngũ lãnh đạo chặt chẽ gồm các thượng tế, các thầy Lêvi, các Kinh sư luật sĩ, và thêm nhóm Pharisêu rất nghiêm ngặt. Vì thế, họ luôn tự mãn cho mình là những người đạo đức. Cùng lúc đó, vì thiếu yêu thương nên họ thường tỏ ra tức tối, khó chịu khi thấy Chúa đi lại và chữa lành các bệnh nhân trong ngày Sabát. Với đôi ba nguyên do và phản ứng kể trên, thật không có dấu nào cho thấy họ thao thức đón Chúa. Đúng như Thánh Gioan đã viết ngay trong “lời tựa” Phúc Âm của ngài bằng những câu đau đớn: “Người đã đến nhà mình nhưng những người nhà chẳng chịu đón nhận Người” (Ga 1,11).
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay thật cần thiết cho chúng ta. Chuyện xua đuổi, loại trừ Chúa một cách quy mô có thể là không nhiều, nhưng chuyện tỏ ra bướng bỉnh, kiêu căng không muốn đón nhận Chúa và anh em là chuyện phải nói là thông thường. Hôm nay, cũng như các nhà lãnh đạo Do Thái thời Chúa Giêsu, chúng ta cũng đang sống chung với những nguyên do, có thể là sức ép của nhiều chủ thuyết, thực dụng, khoái lạc, cá nhân, v.v. Nó làm cho chúng ta không còn đủ tự do và can đảm đón nhận Đức Kitô. Nhiều lúc, chúng ta chỉ giới hạn sinh hoạt tôn giáo vào đôi ba lời kinh, còn trong cuộc sống hằng ngày thì sống dường như không có Thiên Chúa. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong bài giảng đầu tiên với tư cách giáo hoàng, ngài mời gọi các tín hữu: “Anh Chị Em đừng sợ! Hãy mở cửa, hãy mở toang cửa cho Chúa Kitô”. Ngày hôm nay, Chúa vẫn đến với chúng ta qua nhiều ngả khác nhau. Chúa đến cách nhẹ nhàng, Chúa gõ nhẹ lòng ta, Chúa đợi cửa lòng ta mở ra đón ngài. Chúa đến để nuôi dưỡng, uốn nắn, cứu độ chúng ta, như lời Chúa phán: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ ai nghe tiếng Ta và mở cửa ra, thì Ta sẽ vào nhà người ấy” (Kh 3,20). Là Kitô hữu, chúng ta cùng đón nhận Đức Kitô vào lòng mình, để Ngài là linh hồn của linh hồn mình, trái tim của trái tim mình, trí khôn của trí khôn mình, ý chí của ý chí mình. Sống khăng khít với Chúa Kitô, để chúng ta biết ứng xử trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khó khăn vẫn reo rắc được tình yêu Thiên Chúa.
Lạy Chúa, chúng con đang sống trong Mùa vọng để chuẩn bị tâm hồn mừng ngày Chúa đến, xin Chúa soi sáng cho chúng con nhận ra những nguyên do riêng của mỗi chúng con, mà chính vì nó đã làm cho chúng con xa Chúa, hay còn dửng dưng với Ngài. Xin Chúa ban ơn cam đảm giúp chúng con dám thay đổi, chừa bỏ những gì làm cản trở chúng con đón Chúa. Amen.
[/loichua]