Hãy theo Ta – Chúa Nhật 3 Thường Niên – Năm B

Thánh Gioan Maria Vianey – quan thầy của các cha sở – lúc còn là một chủng sinh, học hành rất chậm chạp. Đến nỗi nhiều người nghĩ rằng ngài không đủ khả năng để tiến tới chức linh mục. Ngày kia, thừa lệnh giám mục giáo phận, một vị giáo sư thần học đã đến để khảo sát học lực của thầy Gioan. Và… quả nhiên, Vianey đã không trả lời được một câu hỏi nào của cha giáo. Không còn giữ được bình tĩnh, vị giáo sư đập bàn quát lớn: “Vianey! Anh dốt như lừa! Với một con lừa như anh, Giáo Hội sẽ làm được gì cơ chứ?”.

Với vẻ mặt khiêm tốn và bình tĩnh, Vianey hiền lành trả lời: “Thưa Cha, ngày xưa – như sách Thẩm phán kể lại – Samson chỉ dùng 1 cái xương hàm của con lừa mà đánh bại 3000 quân Philitinh. Thì nay, với cả một con lừa ngu dốt như con đây, chẳng lẽ Thiên Chúa không làm được gì sao?” Và Gioan Vianey quả thật đã không hổ danh là “con lừa của Thiên Chúa”. “Con lừa” ấy đã trở thành nơi tụ hội của ân sủng – đã làm cho xứ Ars, một họ đạo nhỏ bé, nghèo nàn, nguội lạnh, rã rời – trở thành trung tâm của ơn giao hòa, thành điểm hẹn của ơn đổi đời cho nhiều hối nhân thành tâm sám hối.

Cũng thế, một Jonas – chúng ta nghe thấy trong bài đọc I hôm nay – vị ngôn sứ luôn trốn tránh, quay lưng lại với ý muốn của Thiên Chúa, thoái thác sứ vụ làm tiên tri cho Ngài, từ chối việc kêu mời dân thành Ninivê sám hối để được ơn tha thứ. Cuối cùng, khi Lời Chúa được công bố – dù là qua miệng lưỡi của một vị tiên tri thích than vãn, càu nhàu – sức mạnh của ân sủng đã đem lại những thay đổi thật diệu kỳ cho những kẻ tội lỗi biết sám hối thành tâm.

Do vậy, bước nhảy liều của Phêrô và các môn đệ đầu tiên – như TM hôm nay thuật lại – quả là một gặp gỡ, một hội ngộ giữa Thiên Chúa thần thiêng cao cả với con người phàm tục, của giới hạn bất toà nơi con người với quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Giáo Hội của Chúa Kytô đã khởi đi từ những con người như thế. Đó là những con người bé nhỏ, có thể rất khác nhau về khuynh hướng, quan niệm sống, khác nhau về tính tình, tuổi tác, nhưng có cùng chung một đặc điểm: Họ là những người trẻ, trẻ về tuổi đời và trẻ cả về lối sống. Được quy tụ và đổi mới bởi Lời mời gọi của Thiên Chúa. Họ đã đi theo Đức Giêsu – một bác thợ trẻ ở làng quê Nazareth. Cùng Ngài bắt đầu cuộc đời rong ruổi đường gió bụi để nói về một thế giới cần đổi thay. Để rồi từng chút một, tuổi trẻ của họ đã được chính Chúa Giêsu đổi thay. Ngài đảo lộn cuộc đời tầm thường của họ bằng những lời lẽ và lối sống phi thường. Ngài giúp họ thoát ra khỏi nỗi sợ hãi: sợ bản thân yếu đuối, sợ thế giới quyền lực, để rồi với tác động của Thần khí ngày lễ Ngũ tuần, họ trở nên những con người của Tin Mừng cứu độ, ra đi để đổi thay chính cái thế giới quyền lực u ám và quay quắt này thành một thế giới ngập tràn ánh sáng yêu thương.

Người ta kể lại rằng: trong một lần lưu diễn ở Ba lan, Paganini-một nhạc sĩ vĩ cầm nổi tiếng của thế kỷ 19 – bước ra sân khấu. Ông chợt nhận ra có gì đó bất thường với cây vĩ cầm trên tay mình. Nhìn kỹ lại chiếc đàn lần thứ hai, ông mới nhận ra đây không phải là cây vĩ cầm tuyệt hảo quen thuộc từng đưa ông lên đài danh vọng. Bàng hoàng nhận ra là có ai đó đã đánh cắp cây đàn quý giá của mình và thay vào đó một cây đàn rẻ tiền tầm thường khác, Paganini đứng sững như bức tượng hồi lâu, rồi cương quyết đặt cây đàn ấy lên vai. Ông bắt đầu dạo nhạc. Và từ cây vĩ cầm tầm thường, ông say sưa trình diễn những khúc nhạc tuyệt vời bất tận. Cho đến khi cả thính phòng say mê, nhất loạt đứng dậy vỗ tay tán thưởng vang dậy. Bởi chưa bao giờ họ được nghe những giai điệu tuyệt vời như thế.

Đức Kitô của chúng ta quả là một vì Thiên Chúa của những nghịch lý. Những công trình vĩ đại của Ngài vẫn thường khởi đầu từ một điều gi đó thật nhỏ bé, đơn sơ. Từ một nhúm bột và chút dầu, nhờ ngôn sứ Elia, đã nuôi sống gia đình bà góa thành Sarepta qua cơn hạn hán thời Cựu ước, cho đến 5 chiếc bánh và 2 con cá của một chú bé con lại đủ sức trang trải một bữa no nê cho hơn 5000 người. Cục đá Phêrô bất toàn, bao nhiêu lần bị đời cho tan như cám, nhưng qua tay Thiên Chúa, cục đá thô kệch ấy đã dần kết tinh thành đá tảng vững chắc của Giáo Hội, người ngư phủ quê mùa trở nên Giáo hoàng đầu tiên của Hội Thánh.

Chính từ những gì mong manh, thô kệch ấy, Ngài đã khơi dậy sự thiện chí thành tâm. Và sức mạnh từ tấm lòng của Thiên Chúa đã làm nên những biến đổi diệu kỳ. Bởi Thiên Chúa không nhìn vào quá khứ của lỗi lầm, của lý lịch để chê bai hay kết án. Ngài cũng không chỉ nhìn vào hiện tại của yếu kém, bất toàn để phê phán, mỉa mai. Mà còn nhìn vào tương lai của những hạt mầm ân sủng tốt đẹp Ngài đã ươm gieo nơi mỗi người. Ánh mắt yêu thương của Ngài luôn nhìn ra nét đáng quý, đáng yêu nơi những gì còn thô thiển của mỗi người để cảm thông, khích lệ và tín nhiệm.

Bốn ngư phủ bên bờ hồ Galilê hôm nay hẳn không phải là những người nhẹ dạ. Họ là những chàng trai trẻ, dù không nói ra nhưng từ lâu, đã từng thao thức: “tôi phải làm điều gì tốt đẹp cho đời mình?” và họ đã tìm thấy lời giải đáp từ tiếng gọi “Hãy theo Ta” của Chúa Giêsu. Họ bỏ lại tất cả, và sẵn sàng đi theo Thầy chí thánh mà không chút suy tính đắn đo, vì nhận ra một điều gì đó thật mới mẽ, đầy uy lực mà cũng vô cùng ấm áp từ cái nhìn của bác thợ làng Nazareth. Họ lên đường, lòng tràn ngập niềm vui của những người đón nhận được một “tiếng gọi” đem lại ý nghĩa cho đời mình. Họ ra đi, không ngại ngần dấn mình vào cuộc tương lai mờ mịt, vì đặt trọn niềm tín thác vào Đấng họ yêu mến. Họ không là những con người tài giỏi, siêu phàm mà chỉ là những người dễ gần gũi, trẻ trung, nóng vội và nhiều sai lỗi, nhưng không ngại trỗi dậy sau mỗi vấp ngã. Họ đã đi theo Thầy Giêsu trên mỗi chặng đường gió bụi, từ đanh đá đến điềm đạm, từ giận dữ đến dịu dàng, từ chia rẽ đến sẻ chia huynh đệ, từ ích kỷ, hám danh trở thành những con người biết yêu thương, phục vụ. Từng chút một, họ đã được chính Chúa Giêsu đổi thay, đảo lộn đời mình bằng những lời lẽ phi thường, bằng những phép lạ choáng váng, bằng cái chết phi lý trên thập tự, và trên hết, bằng chính cuộc phục sinh của Ngài với lời nhắn nhủ: “Anh em đừng sợ! Thầy đã thắng thế gian.”

Câu chuyện của các môn đệ ngày xưa cũng là câu chuyện của mỗi Kytô hữu chúng ta, vì Tin Mừng hôm nay không chỉ nói về ơn gọi của các linh mục tu sĩ, mà về ơn gọi của mọi Kitô hữu chúng ta. Bởi, cho dù các tông đồ Phêrô, Phaolô, Anrê, … cuối cùng là Gioan, đã rời bỏ trần thế khi thế kỷ thứ I chưa kết thúc, nhưng những người đi theo Đức Kitô sẽ sống mãi cho tới ngày Ngài trở lại. Thật vậy, hai ngàn năm qua, những môn đệ này đã tỏa đi khắp thế giới. Như men trong bột, họ trầm mình trong lòng xã hội, từ công sở đến trường học, từ chợ búa đến nhà tù. Chân họ chạm mặt đất, nhưng lòng họ rạng ngời niềm Tin sống động vào sự hiện diện của Đức Kitô. Tất bật với những lo toan đời thường, hay đang miệt mài theo đuổi những ước mơ, họ luôn kiếm tìm, dựng xây những giá trị Nước Trời, và trước những thách đố, khó khăn, họ luôn chọn đứng về bên Chúa Giêsu, và đặt Ngài trên tất cả các giá trị khác.

Câu chuyện Tin Mừng của thánh Marco hôm nay giúp chúng ta nhận ra: Cuộc đời của mỗi người luôn có thể trở thành điểm hẹn với Thiên Chúa, và những cuộc gặp gỡ sâu đậm với Lời Quyền Năng luôn biến đổi chúng ta thành những con người mới tràn đầy sức sống thần linh. Chúa Kitô đã kêu gọi các môn đệ đầu tiên bên bờ hồ Galilê, Ngài cũng mời gọi mỗi chúng ta bước theo Ngài trong cuộc sống hiện tại. Xin Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta lắng nghe lời kêu mời tha thiết của Chúa Giêsu, cảm nhận được niềm hạnh phúc của những người chọn đi trên đường Giêsu và luôn bước đi ngay phía sau lưng Ngài, để cùng với Ngài ươm gieo những hạt mầm chân thật, vĩnh cửu “giữa một thế giới đang qua đi” (bài đọc II) và cùng với Ngài kể lại cho mọi người câu chuyện về một Thiên Chúa ở giữa con người, một Thiên Chúa luôn mãi yêu thương loài người chúng ta.

Lm. PTS

Comments are closed.