Thứ 4 Tuần 14 Thường Niên – Ngày 11/07/2018

[loichua id=”1″ title=”Lời Chúa: Mt 10,1-7″]

Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông ; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông ; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô ; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế ; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô ; ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần”.

 

[/loichua] [loichua id=”2″ title=”Suy niệm”]

SỨ MẠNG RAO GIẢNG TIN MỪNG CHO MUÔN DÂN

“Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en” (Mt 10,6).

Công Đồng Vaticano II định nghĩa: Bản chất của Giáo Hội là truyền giáo (x.TG 2). Truyền giáo là lệnh truyền cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi về trời. Lệnh truyền ấy được các môn đệ của Ngài đón nhận và hiểu một cách khác nhau theo từng thời kỳ. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, với cái nhìn chủ quan của mình, thánh sử Matthêu chỉ giới hạn đối tượng của lời rao giảng nơi dân tộc Do Thái. Cũng trong Tin Mừng thứ nhất, thánh Matthêu đã viết lại sự khước từ chữa trị của Chúa Giêsu đối với đứa con của người đàn bà dân ngoại (x. Mt 15,24). Tinh thần truyền giáo cục bộ vẫn được thấy rõ nét trong thời gian đầu của Giáo Hội. Thế nhưng, nhãn quan truyền giáo đã dần thay đổi dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần. Ý định cứu độ của Thiên Chúa không dừng lại nơi dân Israel nhưng còn cho cả dân mới. Thật vậy, với nhãn quan mới, Thánh Matthêu đã viết lại lệnh truyền của Chúa Phục Sinh ở đoạn cuối của Tin Mừng: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy” (Mt 28,19). Trong sách Công Vụ, sau khi nghe biết thị kiến về những con vật ô uế của Phêrô, các tín hữu đã thốt lên: “Vậy ra Thiên Chúa cũng ban cho các dân ngoại ơn sám hối để được sự sống!” (Cv 13,18). Cũng vậy, sau khi bị dân chúng khước từ ở Antiôkia, cả Phaolô và Banabar đã quay về phía dân ngoại (x. Cv 13,46).

Lệnh truyền của Chúa Giêsu hôm nay tiếp tục được ngỏ với chúng ta, những con cái của Giáo Hội. Nhìn vào tỉ lệ lớn các Kitô hữu vô danh trên thế giới, chúng ta sẽ cảm thấy như công cuộc truyền giáo đang bị đóng khung bởi những não trạng cục bộ thời xưa. Trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tha thiết mời gọi mọi tín hữu hãy biết mở rộng nhãn quan truyền giáo để hướng đến những vùng ngoại biên xa xôi. Ngài muốn nhìn thấy một Giáo Hội bầm dập bởi những vết thương và nằm la liệt trên mọi ngóc ngách của đường phố hơn là một Giáo Hội xanh xao vàng vọt tự đóng khung chính mình. Bên cạnh đó, chúng ta cũng không thể phớt lờ bổn phận rao giảng cho những con chiên lạc trong Giáo Hội, những anh chị em đang bị khủng hoảng niềm tin do những trào lưu sai lầm của xã hội. Trước những thực trạng trên, việc trước tiên chúng ta phải làm là để cho đời sống của mình được thấm nhuần tinh thần của Tin Mừng. Lúc đó, cuộc sống của mỗi người sẽ là lời rao giảng sống động và chân thực nhất. Cuộc sống của ta được thấm nhuần tin mừng qua việc năng đọc và gẫm suy Kinh Thánh. Đồng thời, nó cũng cần được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể qua việc tham dự thánh lễ mỗi ngày. Tiếp đến, mỗi người cần biến đời sống của mình thành những nhịp cầu của tình thương yêu và nối kết, những vòng tay của sự quan tâm giúp đỡ và trở nên những sứ giả của sự bình an và niềm hy vọng trong các môi trường mà mình đang sinh sống.

Lạy Chúa, chúng con được mời gọi trở nên ánh sáng muôn dân. Xin tăng thêm nơi chúng con năng lượng tình yêu của Ngài để cuộc đời chúng con luôn chiếu giãi ánh sáng Tin Mừng của Ngài cho mọi người xung quanh. Amen.

[/loichua]

Comments are closed.