CN 15 TN B
Am 7, 12-15; Tv 84, 9ab -10. 11-12. 13-14; Ep 1, 3-10; Mc 6, 7-13
TRÁI TIM NGƯỜI TÔNG ĐỒ
XÓT THƯƠNG & CHĂM SÓC
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Chúng ta bắt đầu tìm hiểu điều Chúa dạy từ lời Thánh vinh đáp ca:
“Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho chúng con.” Đây là lời cầu nguyện thẳm sâu với tâm hồn khiêm tốn và trái tim rộng mở. Khi nào chúng ta cần lòng từ bi và lúc nào chúng ta cần được cứu độ?
1. Lòng từ bi của Chúa
Từ khi chọn Israel làm dân riêng, Thiên Chúa hết mực yêu thương, hết sức ưu ái chăm sóc giữ gìn và đồng hành. Khi dân sống bất trung, bỏ đường lối Chúa mà chạy theo các thần ngoại, Thiên Chúa vẫn trung thành và kiên nhẫn tìm cách đưa dẫn họ trở về sống tình yêu. Trong bài đọc I, Amos là một nông dân trồng cây sung và nghề chăn chiên cừu, Chúa gọi Amos đi nói lời Thiên Chúa để an ủi, động viên thậm chí răn đe hầu cho dân sám hối và quay về với Chúa. Dẫu không được huấn luyện trường lớp bài bản nhưng Amos vẫn vâng nghe theo sự chỉ dạy của Chúa và làm theo thánh ý Chúa. Trong khi thực thi thánh ý Chúa, Amos đã nói cho họ rất nhiều về tình yêu xót thương về ân sủng và lòng từ bi của Chúa dành cho dân.
Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu thể hiện rõ lòng thương yêu và chăm sóc dân của Chúa qua việc sai nhóm Mười Hai đi mục vụ truyền giáo. Chúa chỉ thị cho các ông phải rao giảng sự thống hối để dân có cơ hội nhận rõ tình yêu. Rao giảng vừa bằng lời nói vừa bằng gương sáng. Gương sáng chính là: Sự hiệp nhất yêu thương giữa hai người cùng trong một nhóm, là phải sống thanh thoát khó nghèo, và luôn cậy trông phó thác cuộc đời cho Chúa quan phòng gìn giữ, là khiêm tốn phục vụ tha nhân hết khả năng, bằng các việc xua ma trừ quỉ và xức dầu chữa lành bệnh nhân.
Trong ánh sáng đức tin, mỗi người chúng ta cũng có ơn gọi và sứ mệnh làm tiên tri và làm người rao giảng Tin Mừng cứu độ. Đó là những hồng ân lớn lao, nhưng đồng thời cũng là những trách nhiệm phải chu toàn. Cốt lõi lời rao giảng là truyền tải lòng yêu thương của Chúa cho anh chị em. Cụ thể, cha mẹ được mời gọi làm người truyền tải tình yêu thương của Chúa cho con cái. Nghĩa là cha mẹ đồng hành, dạy con cách mến Chúa yêu người, giúp con cảm nhận tình yêu Chúa qua lời nói yêu thương, động viên tích cực, và nhất là gương sáng giúp con nhìn vào cha mẹ như một điểm sáng lòng mến Chúa yêu người. Thực tế ngày nay, gia đình đang gặp nhiều sóng gió, mất nền tảng vì cha mẹ ít chú tâm xây nền móng đức tin mà lại quá chú trọng tích luỹ vật chất, chạy theo những lối sống bên ngoài để con cái bơ vơ trong nhà. Nhiều gia đình chỉ ở chung nhà nhưng không có giờ ăn chung, nói chuyện chung và đặc biệt không cầu nguyện chung. Mọi thành viên ở trong nhà nhưng lại nói chuyện với thế giới ảo của internet, facebook, tiktok, chat…những thứ đó đang bào mòn tình yêu, làm sói mòn giá trị cảm thông và lắng nghe nhau.
Cha mẹ hãy là những thầy dạy đức tin cho con. Hãy cùng con cầu nguyện thay vì cho phép chúng sử dụng điện thoại quá nhiều. Vì Chúa, cha mẹ hãy đồng tâm và chung sức xây gia đình thành mái ấm yêu thương. Cha mẹ hãy nuôi dưỡng khát khao mời Chúa vào gia đình cũng như tâm hồn mỗi thành viên bằng đọc Lời Chúa.
2. Nghĩa cử chăm sóc của người môn đệ Chúa
Đức Giêsu sai các ông đi từng hai người một để họ nâng đỡ và bảo vệ nhau khi đi đường cũng như thi hành sứ vụ. Cũng có thể việc sai đi từng hai người giúp cho lời chứng về tình thương cứu độ có giá trị. Điều này cũng diễn tả ý nghĩa đời sống gia đình: vợ chồng cần phát triển lòng chung thuỷ nghĩa tình để cùng chung lòng, chung sức và chung yêu thương chăm sóc con cái. Các thành viên trong gia đình làm điểm tựa để nương vào nhau như một động lực vươn lên cũng như vượt qua khó khăn.
Chúa Giêsu dặn các môn đệ không được mang bao bị hay tiền giắt lưng, chỉ được mặc một áo trong, được đi dép và cầm gậy. Với hành trang tối giản này, các môn đệ bị tước mất mọi chỗ dựa bình thường của những người đi đường xa. Chúa Giêsu muốn họ thanh thoát để xác định mục tiêu chính là rao giảng sự thống hối, chăm sóc anh chị em bằng trái tim với tấm lòng của Chúa. Đồng thời, Chúa mới là người họ biết bám víu cậy dựa cho sự đảm bảo và an toàn nhất cuộc đời.
Đời sống thực tế thường ngày, chúng ta có thể bận tâm rất nhiều thứ, lo lắng quá nhiều điều… đôi lúc làm chúng ta thân tàn sức kiệt. Đời sống gia đình lại quá nhiều nhu cầu, quá nhiều điều phải lo mà sức người có hạn. Chúa mong chúng ta ý thức mình là thụ tạo mỏng manh và khiếm khuyết. Chúng ta thừa nhận mình không giải quyết được mọi việc mà khiêm tốn cậy dựa sức Chúa, cậy trông lòng thương xót và cậy nhờ ơn đỡ nâng của Thánh Thần. Những lúc phải đối diện quá nhiều thứ gây stress, chúng ta hãy dừng lại bên Chúa; hãy chân thành thổ lộ với Chúa tất cả và hãy nhẹ nhàng nói với Chúa nhiều lần: Lạy Chúa, con cậy trông ơn đỡ nâng của Chúa. Hãy đặt lòng tin nhỏ bé của mình vào tình yêu lớn lao của Chúa. Chắc chắn, chút cậy dựa của mình, Chúa sẽ có cách làm điều nhỏ thành điều lớn lao cho gia đình và giáo xứ. Xin Chúa chúc lành cho những quyết tâm của chúng ta.
Lm. Phaolô Đinh Chí Hiền
ĐCV thánh Giuse Xuân Lộc